Bệnh thận mạn tính nguy hiểm thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Đình Quân, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Lão khoa trung ương, cho biết bệnh thận mạn tính là những bất thường về cấu trúc hoặc chức năng thận, kéo dài trên 3 tháng, ảnh hưởng sức khỏe người bệnh. Theo thống kê, thế giới có khoảng 850 triệu người mắc bệnh thận. Trong số đó, khoảng 5 triệu người bị suy thận. Những người này cần lọc máu hoặc ghép thận để sống.
Nhóm dễ mắc thận mạn là những người có tiền sử mắc các bệnh lý về thận đặc biệt bệnh lý về cầu thận, sỏi thận, nhiễm khuẩn tiết niệu. Người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, lupus ban đỏ hệ thống hoặc sử dụng một số loại thuốc gây suy giảm chức năng thận như kháng sinh, NSAID...
Theo bác sĩ Quân, thận có khả năng dự trữ lớn nên ít gây ra triệu chứng. Một khi có triệu chứng thì thường đã ở giai đoạn muộn, xuất hiện các tổn thương thận nặng nề, gây suy thận mạn. Do đó, hầu hết bệnh nhân không nhận thấy có triệu chứng nào khi bệnh ở giai đoạn đầu.
Triệu chứng thường gặp ở người mắc bệnh thận mạn tính như bị nôn hoặc thường xuyên cảm thấy buồn nôn. Đi tiểu thường xuyên hơn bình thường hoặc ít hơn bình thường. Cảm thấy mệt mỏi hoặc khó thở, không cảm thấy hứng thú trong ăn uống. Bị chuột rút, co giật cơ bắp, da khô và ngứa, tình trạng ngứa kéo dài. Ngủ kém, sụt cân không có lý do rõ ràng, mệt mỏi, ủ rũ, phù chân, đau ngực, khó thở... Tăng huyết áp khó kiểm soát.
"Song các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thận thường không đặc hiệu, có nghĩa là các dấu hiệu này cũng có thể được gây ra bởi các bệnh khác", bác sĩ nhấn mạnh.
Không có biện pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn suy thận mạn tính. Điều trị có thể làm chậm tiến triển của bệnh và cải thiện các triệu chứng, hạn chế nguy cơ các biến chứng. Nếu chức năng của thận dưới 15% chức năng thận bình thường, tức là suy thận giai đoạn cuối. Thận không lọc bỏ các chất độc và dịch dư thừa, bác sĩ sẽ chỉ định lọc máu hoặc ghép thận.
Trong đó, chạy thận nhân tạo là một trong hai phương pháp lọc máu. Khi chức năng lọc máu của thận không đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể, lúc này chạy thận nhân tạo sử dụng máy móc hỗ trợ quá trình lọc máu thay thế cho thận, chạy thận nhân tạo được coi là giải pháp tốt nhất cho người bệnh suy thận giai đoạn cuối có thể duy trì được sự sống.
Bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa suy thận mạn tính, người bệnh cần điều trị triệt để các bệnh lý viêm cầu thận cấp tính, các bệnh lý nhiễm khuẩn tại thận, sỏi thận... Tầm soát, phát hiện bệnh sớm ở 3 nhóm nguy cơ cao là người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và tiền sử gia đình có người bệnh thận.
Thực hiện theo hướng dẫn khi sử dụng các loại thuốc không kê đơn. Một số thuốc giảm đau không cần kê đơn như aspirin, ibuprofen và acetaminophen nên làm theo hướng dẫn trên bao bì. Tuy nhiên, uống quá nhiều thuốc giảm đau có thể dẫn đến tổn thương thận. Nếu bạn bị bệnh thận, nên hạn chế sử dụng những loại thuốc này. Hỏi ý kiến bác sĩ về sự an toàn khi bạn sử dụng những loại thuốc này.
Duy trì cân nặng hợp lý bằng cách vận động cơ thể, tập luyện thể dục. Nếu bạn cần giảm cân, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về các biện pháp giảm cân lành mạnh.
Không hút thuốc lá làm hỏng thận của bạn và khiến tình trạng tổn thương thận hiện tại tồi tệ hơn. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả. Hạn chế chất kích thích, đồ ăn nhiều dầu mỡ, ăn quá mặn...
Kiểm soát tình trạng sức khỏe thường xuyên. Nếu bạn có bệnh hoặc một tình trạng nào đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận, nên hỏi ý kiến của bác sĩ để kiểm soát tình trạng này. Bên cạnh đó, bạn nên thực hiện các xét nghiệm để tìm dấu hiệu thận bị tổn thương.
Đặc biệt, những người mắc bệnh thận và các tình trạng bệnh lý mạn tính khác khi mắc Covid-19 có nguy cơ trở nặng hơn. Để giảm nguy cơ lây nhiễm, người bệnh đang điều trị lọc máu phải lưu ý thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết theo khuyến nghị của Bộ Y tế như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế đến nơi đông người, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi đến bệnh viện...
Thùy An
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo