Các dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh loãng xương

Loãng xương đôi khi được gọi là “căn bệnh thầm lặng” vì nó không có triệu chứng, nhiều trường hợp, chứng loãng xương đã tiến triển trong nhiều năm nhưng người bệnh chỉ được chẩn đoán khi họ bị gãy xương.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Có một số dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh loãng xương. Nhận biết những dấu hiệu tinh tế này có thể giúp chẩn đoán sớm hơn và điều trị thích hợp để ngăn ngừa mất xương hoặc gãy xương thêm.

Bài viết này đề cập đến các yếu tố nguy cơ, các dấu hiệu cảnh báo sớm qua các giai đoạn của bệnh loãng xương, cách chẩn đoán, cùng các biện pháp để ngăn ngừa và hạn chế sự phát triển của bệnh.

Các yếu tố nguy cơ loãng xương

Những người có các yếu tố sau đây thường dễ phát triển chứng loãng xương:

- Trên 50 tuổi

- Giới tính nữ

- Hậu mãn kinh

- Vóc người nhỏ và trọng lượng cơ thể thấp

- Có tiền sử gãy xương

- Tiền sử gia đình mắc bệnh loãng xương

- Thiếu vitamin D và calci

- Thiếu tập thể dục hoặc ít hoạt động thể lực

- Hút thuốc

- Uống rượu quá mức

- Giảm cân đáng kể

- Tiêu thụ quá nhiều natri, cafein

- Ít ăn trái cây và rau quả.

Các dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh loãng xương

Có rất nhiều dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh loãng xương mà ngưiời bệnh cần biết để kịp thời cho chẩn đoán, phát hiện, điều trị nhằm hạn chế các rủi ro có thể xảy ra. Chẳng hạn:

- Mật độ xương thấp: Mật độ xương được chẩn đoán nhờ máy quét hấp thụ tia X năng lượng kép (DEXA), và được thể hiện bằng điểm đo mật độ xương (gọi là điểm T). Điểm T càng thấp thì mức độ mất xương càng nhiều.

- Loãng xương hay xốp xương: Loãng xương là từ thông thường để chỉ tình trạng mật độ xương bị giảm nói chung. Nhưng khi mật độ xương bị giảm đáng kể, tạo nhiều khoảng trống, khiến xương giòn, dễ gãy, người ta có thể gọi là tình trạng xốp xương.

- Đau lưng đột ngột và kéo dài, hoặc bị cong cột sống: Khi bị những dấu hiệu này, cần đến bác sĩ chuyên khoa để làm các xét nghiệm tìm ra nguyên nhân, nhằm sớm có biện pháp ngăn chặn tình trạng mất xương nhiều hơn.

- Dễ gãy xương: Gãy xương dù chỉ do chấn thương nhẹ là một trong những dấu hiệu cảnh báo nổi bật nhất cho thấy bạn có thể bị loãng xương. Gãy xương có thể xảy ra ở bất kỳ xương nào nhưng các vị trí gãy xương do loãng xương phổ biến nhất là hông, cột sống, cổ tay, bàn tay…

- Giảm chiều cao: Mọi người thường thấp hơn một chút khi già đi khi các cơ bị suy yếu, nhưng việc giảm chiều cao hơn 1,5 inch (gần 4 cm) có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh loãng xương. Những người bị loãng xương bị giảm chiều cao là do đốt cột sống bị xẹp do lực nén (trong đó các đốt sống ép sát vào nhau). Một số người có thể bị khòm hoặc gù lưng. Tuy nhiên, ngoài loãng xương, một số các tình trạng bệnh lý khác cũng có thể gây nên chứng gù lưng.

- Đau lưng đột ngột: Đau lưng đột ngột, dữ dội cũng có thể là triệu chứng của gãy xương do bị nén.

- Gãy xương khi mang thai: Việc giảm mật độ xương trong thời kỳ mang thai và cho con bú là điều bình thường. Tuy nhiên, có một số thai phụ bị tình trạng loãng xương hiếm gặp, gọi là loãng xương liên quan đến thai kỳ và cho con bú (PLO). Tình trạng này có thể gây gãy xương do chèn ép cột sống.

- Các vấn đề về đường tiêu hóa: Ngoài các triệu chứng nêu trên, các vấn đề về đường tiêu hóa cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh loãng xương. Những triệu chứng này bao gồm:

   + Giảm cảm giác thèm ăn

   + Cảm thấy mau no

   + Thường bị táo bón, đầy hơi, đau bụng.

Điều này có thể là do loãng xương gây gãy xương thắt lưng, khiến xương sườn ép lại gần xương chậu, làm giảm không gian ổ bụng, có thể dẫn đến những triệu chứng về tiêu hóa nêu trên.

- Vấn đề nha khoa: Các vấn đề về răng có thể là dấu hiệu của chứng loãng xương. Giống như các xương khác trong cơ thể, xương hàm có thể bị mất mật độ xương, dẫn đến các vấn đề về răng miệng như:

   + Nướu bị tụt

   + Răng lung lay, dễ rụng

   + Răng giả bị lỏng lẻo, xiêu lệch.

Cần hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa về việc quét mật độ xương nếu bạn có các vấn đề mới về răng miệng và các yếu tố nguy cơ loãng xương.

Thuốc có thể là nguyên nhân làm giảm mật độ xương, đặc biệt nếu bạn đang dùng với liều lượng cao hoặc trong thời gian dài, chẳng hạn:

– Thuốc kháng acid có chứa nhôm (như Amphojel, Maalox, Mylanta, Phosphalugel,…)

– Thuốc ức chế bơm proton (PPI) như omeprazol, esomeprazol…

– Corticoids như cortison, dexamethason…

– Một số loại thuốc chống động kinh

– Thuốc hóa trị…

Vì vậy, chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của các thầy thuốc chuyên khoa.

Bạn có thể đẩy lùi chứng loãng xương?

Loãng xương là một tình trạng tiến triển và trở nên nguy hiểm hơn khi mức độ nghiêm trọng tăng lên. Thật không may, bạn không thể đảo ngược tình trạng mất xương do loãng xương. Tuy nhiên, biết các dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh loãng xương, các bác sĩ chuyên khoa về xương khớp có thể giúp bạn chẩn đoán và có biện pháp điều trị kịp thời.

Mặc dù những phương pháp điều trị này không thể đảo ngược tình trạng mất xương hiện tại nhưng chúng có lợi cho việc ngăn ngừa tình trạng mất xương trong tương lai.

Ngoài ra, ý thức của người bệnh cũng góp phần tích cực chủ yếu trong khắc phục tình trạng loãng xương, bằng cách điều chỉnh lối sống, chẳng hạn như thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh, dùng các chất dinh dưỡng bổ sung và tăng cường vận động, tập thể dục phù hợp với tình trạng sức khỏe khi bị loãng xương,…

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Y học thường thức - 06/08/2024

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Y học thường thức - 16/07/2024

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Y học thường thức - 03/07/2024

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Y học thường thức - 28/05/2024

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Y học thường thức - 02/05/2024

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới