Càng đọc tin về Covid-19 càng dễ bị trầm cảm
Điều tồi tệ nhất trong đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc đã đi qua, Catherine Zheng vẫn còn nhớ nó từng khiến cô sợ hãi đến mức nào. Cô luôn trong trạng thái lo lắng mỗi khi đi trên chuyến tàu điện ngầm đông đúc tới Thượng Hải để làm việc. Các đồng nghiệp của cô thậm chí không dám uống nước tại chỗ làm để tránh phải sử dụng nhà vệ sinh. Zheng cũng e ngại về sức khỏe của cha mẹ mình, cũng như rủi ro tài chính có thể xảy ra nếu nhiễm nCoV.
Mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tiếp tục được thể hiện bởi tỷ lệ tử vong không ngừng gia tăng ở những người bị nhiễm virus. Ngoài ra, theo một nghiên cứu công bố gần đây, nó còn được biểu hiện qua trạng thái tâm lý của những người khỏe mạnh.
Đọc tin tức về Covid-19 trên các phương tiện thông tin đại chúng có thể dẫn đến trầm cảm, lo lắng và căng thẳng, theo một cuộc khảo sát trên 3.070 người dùng phương tiện truyền thông xã hội ở Trung Quốc. Nghiên cứu là một phần của Báo cáo Phát triển Hàng năm về phương tiện truyền thông mới, do Viện Báo chí và Truyền thông thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), công bố ngày 22/7.
Các chuyên gia kết luận người dùng càng đắm mình trong những câu chuyện về Covid-19 trên mạng xã hội, sự căng thẳng và lo âu của họ càng trở nên trầm trọng hơn.
Zheng cho rằng điều này hoàn toàn đúng với trường hợp của cô. Việc sử dụng các trang web phổ biến của Trung Quốc như WeChat và Weibo (tương tự Facebook) có lẽ đã góp phần làm cô thêm căng thẳng, sợ hãi.
"Việc tiếp nhận các thông tin một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát về đại dịch khiến cho người ta không thể tập trung vào bất cứ điều gì khác", Zheng nhận định. "Với số lượng ca nhiễm tăng liên tục mà chưa có giải pháp y tế hiệu quả nào giúp khắc phục tình trạng này, tôi luôn cảm thấy mình và cha mẹ có thể sẽ là những bệnh nhân tiếp theo".
Cũng theo nghiên cứu, người dân đại lục đang dành rất nhiều thời gian để đọc các tin tức về Covid-19. Hơn 81% số người được hỏi cho biết họ đã dành từ một đến 4 giờ để theo dõi các thông tin về đại dịch. Hơn 2% xác nhận đã dành tới 9 giờ để tìm hiểu về nó.
Hều hết họ đều sử dụng điện thoại thông minh. Hơn 77% người tham gia khảo sát nhận tin tức từ các nhóm hội trên WeChat. Các nguồn khác bao gồm Weibo, ứng dụng tin tức Jinri Toutiao và Douyin – phiên bản Trung Quốc của TikTok. Nhiều người thậm chí lướt tin về đại dịch Covid-19 mỗi buổi sáng, ngay khi vừa thức dậy.
Zheng không nhớ cô đã dành bao nhiêu thời gian để đọc tin tức về đại dịch, nhưng đây trở thành thói quen của cô mỗi khi cô lướt WeChat.
"Truyền thông xã hội có sức mạnh rất to lớn trong việc kiểm soát tâm trí con người vì sự lan tỏa của nó vô cùng mạnh mẽ", cô nói.
Trên thực tế, nhiều nghiên cứu trước đó đã cho thấy đại dịch có các tác động tiêu cực đến cả sức khỏe tâm thần. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres từng cảnh báo: "Sau nhiều thập kỷ lãng quên và thiếu đầu tư cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, đại dịch Covid-19 đang khiến các gia đình và cộng đồng thêm căng thẳng về mặt tinh thần. Ngay cả khi đại dịch được kiểm soát, trạng thái đau buồn, lo lắng và trầm cảm sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các cá nhân và cộng đồng".
Mạnh Kha (Theo SCMP)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo