Chạy đua trong phòng xét nghiệm nCoV
Không khí trong phòng xét nghiệm thuộc Khoa Vi sinh - Sinh học phân tử rất khẩn trương. Công việc bắt đầu từ 7h sáng, nhân viên tiếp nhận và dỡ mẫu xét nghiệm và phiếu chỉ định từ các tỉnh gửi về.
Đầu tiên, họ đánh số thứ tự mẫu và phiếu chỉ định, sau đó đưa mẫu vào tủ an toàn sinh học để tách vật liệu di truyền của virus. Cuối cùng, các mẫu được đưa vào máy PCR để phân tích, có kết quả sẽ chuyển chuyên gia đọc, phân loại trường hợp âm tính và dương tính, ký xác nhận rồi tải bản mềm lên hệ thống của bệnh viện để bác sĩ lâm sàng đọc trước khi nhận bản cứng, đồng thời báo cáo Bộ Y tế.
Nếu gặp trường hợp phức tạp, kết quả xét nghiệm chưa chắc chắn, nhóm sẽ yêu cầu lấy mẫu bệnh phẩm khác, hướng dẫn lấy bệnh phẩm chính xác nhất. Nhóm thực hiện thêm các kỹ thuật khác, ví dụ tăng mẫu bệnh phẩm (cô đặc mẫu) để tránh nhầm lẫn nCoV với các vi sinh vật khác. Nhóm cũng đối chiếu kết quả với các phòng xét nghiệm khác khi cần.
Các mẻ xét nghiệm gối nhau. Có khoảng 5-6 hệ thống xét nghiệm, mỗi lần gồm hai hệ thống cùng hoạt động liên tục trong 5-6 tiếng rồi nghỉ, thay bằng hệ thống khác. Bên ngoài, tổ kỹ thuật luôn thường trực để khắc phục nếu máy gặp sự cố.
Nhóm xét nghiệm phải làm việc với cường độ cao hơn kể từ khi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vừa được Bộ Y tế giao hỗ trợ Hà Nội 10.000 mẫu xét nghiệm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An 500 mẫu và một số đơn vị khác.
"Mẫu xét nghiệm do Trung tâm kiểm soát bệnh tật gửi lên phải trả kết quả trong hai ngày. Có những mẫu ưu tiên, ví dụ người đang cách ly, phải trả kết quả trong một ngày, để kịp thời nhường cơ sở hạ tầng cho nhóm khác vào cách ly", tiến sĩ Lê Văn Duyệt, Trưởng labo sinh học phân tử, cho biết.
Đội ngũ xét nghiệm RT-PCR của khoa có 9 người, chia làm ba nhóm. Mỗi nhóm có ba người, đảm đương công việc xét nghiệm trong vòng ba tuần, sau đó có hai tuần cách ly và một tuần về nhà. Trong từng nhóm, mỗi người phụ trách một giai đoạn cụ thể, giai đoạn này nối tiếp sang giai đoạn khác để thúc đẩy tiến độ công việc.
Tiến sĩ Duyệt cho biết khoa chỉ đảm nhiệm các mẫu xét nghiệm của bệnh nhân và các nhân viên y tế của bệnh viện ở giai đoạn một. Tới giai đoạn hai, khối lượng công việc đã tăng vọt. Mặc dù đã quen với công việc gấp gáp, bộ đồ bảo hộ nóng bức trùm kín cơ thể, song anh vẫn cảm thấy rất áp lực. Nhóm xét nghiệm thường cố gắng làm xong phần việc sau đó mới ra ngoài để tiết kiệm thời gian thay đồ bảo hộ, thậm chí tranh thủ vừa ăn cơm vừa nghỉ ngơi trong vài tiếng rồi lại bắt tay vào làm.
Có những ngày máy bị trục trặc gây dồn mẫu, không kịp tiến độ, nhóm phải bắt đầu ca làm việc từ 4-5h sáng. Có ngày họ kết thúc công việc quá muộn, chỉ nghỉ vài tiếng, không ngủ được nên 3h sáng dậy làm việc tiếp. Một số nhân viên thiếu ngủ thì tranh thủ ngủ gục trên bàn chừng 15-20 phút để có đủ tỉnh táo, tiếp tục làm việc. Trong khi đó, giờ sinh hoạt bình thường tại viện là 7h ăn sáng, 11h30 ăn trưa, bữa chiều lúc 4h30p. Tới giờ ăn, mỗi khoa của một người xuống sảnh ở tầng một để lấy đồ.
Một lần, họ làm việc liên tục từ 7h sáng đến 4h chiều mới nghỉ để ăn cơm trưa. "Lúc ấy, áo đã ướt đẫm, còn hơi nước bốc lên mờ hết cả kính vì phải mặc bảo hộ kín mít", anh Duyệt nói. Việc mặc đồ bảo hộ lên tới 10 tiếng khiến cơ thể không còn cảm giác. Đôi bàn tay bóc hàng nghìn mẫu xét nghiệm bị buộc chặt do CDC từ xa chuyển tới, cũng tê rần.
Dịch bệnh bùng phát, việc phân chia ca kíp làm việc theo tuần khiến các nhân viên phòng xét nghiệm phải xa gia đình trong hơn một tháng. Ngày nào, anh cũng gọi điện về nhà, lo lắng cho hai con nhỏ gồm một bé học lớp ba và một bé học lớp 8 và vợ, cũng là nhân viên y tế, định kỳ phải đi trực cả ngày. Còn một nữ đồng nghiệp của anh thì không thể về nhà khi con bị sốt, không thể nghe máy khi gia đình gọi điện báo tin vì đang mặc đồ bảo hộ làm việc trong phòng xét nghiệm.
Anh Duyệt kể, lúc vui vẻ nhất là khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính nhiều lần. "Có bệnh nhân xét nghiệm 5 lần mới âm tính là mừng, chúng tôi hy vọng họ âm tính lần thứ hai, rồi lần thứ ba, được ra viện, trở về với gia đình".
Dù công việc vất vả, xa gia đình, nhóm không hề chán nản. "Đây là nghề của mình nên cũng quen rồi. Phía lâm sàng vất vả và có nguy cơ lây nhiễm cao hơn chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi vẫn luôn cố gắng, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ", anh cười.
Chi Lê
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo