ĐIỀU GÌ KHIẾN CƠ THỂ LUÔN CẢM THẤY LẠNH?
Giới tính và cân nặng
Phụ nữ thường cảm thấy lạnh hơn nam giới vì lượng hormone estrogen của phụ nữ cao hơn so với nam giới. Hơn nữa, phụ nữ thường có lượng cơ bắp trong cơ thể ít nên khả năng chịu lạnh kém hơn. Phụ nữ ở tuổi mãn kinh hoặc đang mang thai, sự mất cân bằng nội tiết tố có thể xảy ra bên trong cơ thể. Lúc này, nồng độ estrogen tăng, kéo theo nhiều triệu chứng bất thường như toát mồ hôi, đau người, khó ngủ, thường xuyên cảm thấy lạnh... Vì vậy, sự thay đổi trong mức độ hormone estrogen chính là thủ phạm chính gây ra cảm giác lạnh này.
Trọng lượng cơ thể thấp, được định nghĩa là BMI (chỉ số khối cơ thể bằng lấy số cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m)) ở khoảng 18,5 hoặc thấp hơn có thể khiến bạn cảm thấy lạnh do 2 nguyên nhân: Thứ nhất, khi bị thiếu cân hay cơ thể quá gầy, bạn sẽ thiếu một lượng chất béo cần thiết trong cơ thể để bảo vệ bạn khỏi nhiệt độ lạnh. Thứ hai, do chỉ số khối cơ thể thấp nên bạn không có nhu cầu ăn hoặc ăn rất ít làm lượng calo cung cấp cho cơ thể không đủ dẫn tới giảm sự trao đổi chất và hậu quả là không tạo đủ nhiệt để làm ấm cơ thể. Đồng thời khi thân hình gầy, lượng cơ bắt của cơ thể sẽ ít. Cơ bắp giúp duy trì nhiệt độ cơ thể bằng cách tạo ra nhiệt nên nếu cơ bắp ít sẽ khiến cơ thể luôn cảm thấy lạnh.
Ngủ không đủ giấc
Thiếu ngủ có thể gây tổn thương hệ thống thần kinh, làm giảm hoạt động ở vùng dưới đồi, vùng não điều khiển nhiệt độ cơ thể khiến bạn luôn cảm thấy lạnh. Do mệt mỏi sau một đêm mất ngủ khiến quá trình trao đổi diễn ra với tốc độ chậm chạp, từ đó khiến việc sản xuất nhiệt ít đi và lưu thông máu chậm hơn, khiến cơ thể cảm thấy lạnh hơn.
Cơ thể thiếu nước
Khoảng 60% cơ thể là nước và nước giúp điều hòa nhiệt độ thân thể. Nếu bạn uống đủ nước sẽ giữ nhiệt và giúp cơ thể luôn ấm áp. Nếu thiếu nước, cơ thể sẽ nhạy cảm hơn với nhiệt độ bên ngoài. Ngoài ra, nước còn góp phần vào quá trình trao đổi chất, thiếu nước khiến sự chuyển hóa chậm nên sản sinh nhiệt lượng ít hơn, cơ thể sẽ luôn thấy lạnh. Lượng nước được khuyến cáo là khoảng 2 lít mỗi ngày nhưng luôn luôn cần uống nhiều hơn trước và sau khi tập thể dục.
Tuần hoàn kém
Nếu chỉ bàn tay và bàn chân của bạn luôn cảm thấy lạnh như đá và các phần còn lại của cơ thể bạn cảm thấy bình thường thì có thể do rối loạn tuần hoàn máu hoặc gặp vấn đề về tim mạch. Lạnh tay chân là dấu hiệu cho thấy tim không bơm máu hiệu quả hoặc tắc nghẽn động mạch ngăn không cho máu chảy vào ngón tay và ngón chân. Ngoài ra, hút thuốc lá cũng có thể gây ra tuần hoàn kém vì nó làm tắc nghẽn mạch máu. Một khả năng khác là mắc hội chứng Raynaud. Hội chứng này là kết quả của sự gián đoạn cung cấp máu trong một số bộ phận cơ thể do sự co thắt của cơ trơn thành động mạch, khiến cho các mạch máu ở tay và chân tạm thời thu hẹp và luôn cảm thấy lạnh.
Mắc bệnh đái tháo đường và các vấn đề về huyết áp
Bệnh đái tháo đường không được kiểm soát có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh lý thần kinh ngoại biên gây ra sự ớn lạnh ở bàn tay, bàn chân. Cảm giác này lại được hệ thống thần kinh ngoại biên cảm nhận và thông báo cho não về nhiệt độ nên cơ thể cũng sẽ cảm thấy lạnh hơn.
Những người có bệnh liên quan huyết áp (huyết áp cao và huyết áp thấp) đều thường cảm thấy bàn tay và bàn chân mình luôn bị lạnh. Nếu một người có huyết áp thấp, máu trong cơ thể lưu thông rất chậm, do đó bàn tay và chân chỉ tiếp cận được một lượng nhỏ máu. Với người huyết áp cao, lưu thông máu lại gặp nhiều khó khăn nên lượng máu tới các chi cũng không nhiều. Vì vậy, trong cả 2 trường hợp này, người bệnh đều cảm thấy lạnh hơn những người khác.
Rối loạn tuyến giáp
Nhiều vấn đề sức khỏe có nguyên nhân từ tuyến giáp. Luôn luôn cảm thấy lạnh là một dấu hiệu báo trước về chứng suy giáp, tức là tuyến giáp không tiết ra đủ hormon cần thiết để duy trì tốt chức năng, do đó sự trao đổi chất chậm lại, ngăn cơ thể sản xuất nhiệt.
Chế độ ăn uống không khoa học
Biếng ăn là một rối loạn ăn uống khiến cơ thể gầy ốm và một trong những triệu chứng của nó là cảm thấy thường xuyên lạnh. Hơn nữa, nếu bạn đang có một chế độ ăn uống không lành mạnh, ăn vặt thay vì những bữa ăn chính với thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và vitamin cần thiết sẽ khiến cơ thể yếu đi, thường xuyên mệt mỏi và giảm khả năng chịu lạnh. Do đồ ăn vặt thường có ít giá trị về dinh dưỡng nên ảnh hưởng đến cân nặng và nhiệt độ bình thường của cơ thể. Khi nhiệt độ cơ thể bạn không ổn định, bạn càng khó thích ứng với thời tiết.
Cơ thể thiếu chất
Thiếu sắt: là một trong những lý do gây lạnh mạn tính. Nguyên nhân do sắt là khoáng chất quan trọng giúp các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy đến mọi cơ quan trong cơ thể, mang nhiệt và các chất dinh dưỡng khác vào mọi tế bào. Nếu không có đủ chất sắt, các tế bào hồng cầu không thể thực hiện hiệu quả công việc sẽ khiến bạn luôn cảm thấy lạnh. Sắt cũng rất quan trọng bởi vì sự thiếu hụt có thể dẫn đến suy giáp sẽ càng làm cơ thể cảm thấy lạnh hơn.
Thiếu vitamin B12: Cơ thể cần vitamin B12 để tạo ra các tế bào hồng cầu có chứa oxy trong hệ tuần hoàn.Nếu thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến thiếu máu hoặc làm giảm số lượng hồng cầu dẫn đến chứng lạnh mạn tính.
DS. Thanh Hà
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo