Giải mã nguồn siêu lây nhiễm nCoV
Sau bữa tiệc sinh nhật tại Texas ngày 30/5, một người đàn ông đã lây nhiễm nCoV cho 17 thành viên trong gia đình. Ở Trung Quốc, hai bệnh nhân mắc Covid-19 đã truyền virus cho 9 người khác chỉ sau một bữa lẩu. Hàng loạt cụm dịch siêu lây nhiễm được ghi nhận, nhiều người cho rằng nCoV như một đám cháy, lập tức lan truyền nhanh chóng bất cứ nơi đâu nó xuất hiện.
Song, những báo cáo khác chứng minh điều này không hoàn toàn chính xác.
Tại Italy, phân tích mẫu nước thải ở các thành phố để truy về nguồn lây đầu tiên của Covid-19, các nhà khoa học nhận định virus đã có mặt ở Torino và Milan từ ngày 18/12, sớm hơn đợt bùng phát tới hai tháng. Tức là nCoV đã tồn tại một thời gian mà không lây lan quá rộng.
Dù kết quả khác biệt, những báo cáo này không mâu thuẫn với nhau. Trên thực tế, hầu hết người mắc Covid-19 không truyền bệnh cho cộng đồng. Trong khi đó, vài bệnh nhân lại là nguồn "siêu lây nhiễm".
"Nó giống như bạn ném diêm vào đống củi. Một hay hai que có thể không tạo ra điều gì. Nhưng nếu chạm đúng điểm bắt lửa, đám cháy đột ngột bùng lên", Ben Althouse, chuyên gia chính tại Viện Mô hình hóa Dịch bệnh, Washington, giải thích.
Hiểu được vì sao có những người phát tán nCoV rộng hơn hẳn so với số đông là yếu tố quan trọng giúp chống lại đại dịch. "Nếu không, virus sẽ luôn đi trước bạn một bước", Tiến sĩ Adam Kucharski, nhà dịch tễ học tại Trường Y Nhiệt đới và Vệ sinh London, nhận định.
Khi Covid-19 lần đầu xuất hiện ở Trung Quốc, giới chuyên gia chạy đua tìm hiểu về đường truyền cộng đồng của căn bệnh. Nhiệm vụ đầu tiên là ước tính một bệnh nhân có thể lây lan cho bao nhiêu người, hay còn gọi là "hệ số lây nhiễm cơ bản" (R0). R0 của nCoV là khoảng hai hoặc ba. Hiện các nhà khoa học chưa đưa ra con số chính xác, bởi dịch bệnh vẫn tiếp diễn và hành vi của con người có thể khiến virus lây lan dễ dàng hoặc khó khăn hơn.
Chẳng hạn, bằng cách thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, bang Massachusetts, Mỹ đã giảm R0 của Covid-19 từ 2,2 vào tháng 3, xuống còn 0,7 trong tháng 7. Tuy nhiên con số này cũng gây nhầm lẫn về khả năng truyền nCoV của một bệnh nhân. Ví dụ, nếu 9 trên 10 người không lây lan virus, trong khi bệnh nhân còn lại, đóng vai trò "siêu lây nhiễm", truyền bệnh cho 20 người khác, hệ số vẫn là 2.
Đối với cúm hoặc đậu mùa, phần lớn người mắc truyền virus cho cộng đồng. Song xu hướng phát triển của chúng lại chậm rãi và ổn định hơn. Những dịch bệnh khác, như sởi hay Sars, có hệ số lây nhiễm cơ bản thấp, nhưng dễ bùng phát đột ngột.
Các nhà khoa học có thể đo lường sự cách biệt về khả năng truyền virus giữa các bệnh nhân, tuy nhiên họ vẫn chưa hiểu được cụ thể tại sao một số dịch bệnh lại lây lan mạnh hơn. Khi Covid-19 mới bùng phát, Tiến sĩ Adam Kucharski và đồng nghiệp đã cố gắng trả lời câu hỏi này bằng cách so sánh số trường hợp dương tính ở các quốc gia khác nhau. Họ chỉ ra rằng nCoV có sự khác biệt lớn với bệnh cúm. 10% bệnh nhân là nguồn lây của 80% ca nhiễm mới.
Giới chuyên gia cũng đặt ra những câu hỏi cơ bản: Ai là nguồn siêu lây nhiễm? Những cụm siêu lây nhiễm này thường bùng phát khi nào và ở đâu? Các bác sĩ cho biết ở một số người, virus nhân lên với tải lượng lớn hơn. Nhiều bệnh nhân có thể trở thành "ống thải nCoV", phát tán mầm bệnh theo từng hơi thở. Số khác làm việc tại những môi trường dễ nhiễm bệnh, như tài xế xe bus, nhân viên viện dưỡng lão.
Tiến sĩ Kristin Nelson, giáo sư trợ lý dịch tễ, Đại học Emory, cho rằng việc một số bệnh nhân dễ làm lan truyền virus hơn người khác không phải do khác biệt về mặt sinh học. "Tôi nghĩ rằng hành vi của bệnh nhân quan trọng hơn rất nhiều", bà nói.
Hiện tượng siêu lây nhiễm cũng thường xuyên xảy ra ở những địa điểm nhất định, như các quán bar đông đúc, kín khí. Dù không ho, khách hàng vẫn dễ truyền bệnh cho người khác mà không hay biết.
Nhiều quốc gia đã chiến đấu hiệu quả với Covid-19 bằng biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội. Song khi chính phủ mở cửa trở lại nền kinh tế, virus vẫn có nguy cơ hồi sinh và lây lan.
"Bạn có thể đi từ trạng thái khống chế được dịch bệnh đến tình cảnh mọi thứ vượt ngoài tầm kiểm soát chỉ trong vòng một tuần", Tiến sĩ James Lloyd-Smith Đại học California tại Los Angeles, cảnh báo.
Thục Linh (Theo NY Times)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo