WHO bị cáo buộc phớt lờ khả năng nCoV truyền qua không khí
Sáu tháng kể từ khi bùng phát trên diện rộng, dịch Covid-19 đã giết trên hơn nửa triệu người. Đến nay, WHO cũng như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) vẫn duy trì quan điểm: virus chỉ lây lan chủ yếu qua hai con đường là bề mặt bị nhiễm bẩn và giọt bắn hô hấp từ người bệnh. Trước đó, tổ chức thừa nhận nCoV có thể lây lan qua khí dung, song nhận định điều này chỉ xảy ra trong môi trường bệnh viện, khi bác sĩ tiến hành các thủ thuật y khoa như đặt nội khí quản.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng WHO đã bỏ qua con đường truyền bệnh thứ ba, cũng nguy hiểm không kém, đó là khí dung (aerosol) - giọt bắn kích cỡ siêu nhỏ, có thể lơ lửng trong không khí thời gian dài. Điều này khiến những căn phòng thông gió kém, xe buýt và các không gian chật hẹp khác trở thành nơi tiềm ẩn rủi ro, dù mọi người có giữ khoảng cách an toàn là 1,8 m.
Lidia Morawska, Giáo sư về khoa học khí quyển và kỹ thuật môi trường tại Đại học Công nghệ Queensland, Australia, khẳng định mối nguy là có thật.
"Chúng tôi chắc chắn 100% về nó", bà nói, đồng thời nhắc tới bức thư ngỏ của các chuyên gia gửi tới WHO, cáo buộc cơ quan đã không đưa ra những cảnh báo phù hợp đối với điều này. Bức thư có chữ ký của 239 nhà nghiên cứu, dự kiến được công bố trên một tạp chí khoa học trong tuần này.
Nhiều người cho rằng khí dung hoặc không khí là nguyên nhân duy nhất gây ra hiện tượng "siêu lây nhiễm". Họ đề cập đến cụm dịch tại một nhà hàng ở Trung Quốc, trong đó bệnh nhân đã truyền virus cho nhiều khách hàng ở các bàn khác nhau, dù không tiếp xúc quá gần.
Phản bác lại luận điểm trên, trong một phỏng vấn với tờ Los Angeles Times, Tiến sĩ Benedetta Allegranzi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của WHO, cho rằng giả thuyết từ Giáo sư Morawska và đồng nghiệp chỉ dựa trên các thí nghiệm, thay vì thực tế.
Song tại buổi họp báo hàng tuần, hơn 30 chuyên gia trên toàn thế giới nhận định cơ quan y tế Liên Hợp Quốc đã đánh giá thấp các bằng chứng thuyết phục rằng nCoV lây truyền nhiều qua không khí.
Những người ủng hộ luận điểm này cũng tin rằng đeo khẩu trang là cách tốt nhất giúp cộng đồng không hít phải các hạt aerosol chứa virus. Cách khác để giảm thiểu sự lây lan là thông khí nơi ở và khử khuẩn bằng tia cực tím.
Jose Jimenez, chuyên gia tại Đại học Colorado, một trong những người đã ký vào bản kiến nghị gửi WHO, cho biết việc công bố thông tin liên quan đến đường truyền của Covid-19 không phải để làm người dân hoảng loạn: "Virus không thay đổi. Nó đã lây lan theo hình thức đó từ đầu rồi. Hiểu thêm điều này giúp chúng ta tự bảo vệ cơ thể tốt hơn".
Trước đó, hồi tháng 3, một nghiên cứu trên Tạp chí Y học New England đã phát hiện ra rằng, tại phòng thí nghiệm, điều kiện ẩm ướt, nCoV có thể "tồn tại và lây lan" trong ba giờ, tương đương với khoảng 30 phút ở điều kiện thực tế.
Nhiều chuyên gia cũng xác nhận một số bệnh nhân "siêu lây nhiễm" có mật độ hô hấp đặc biệt cao, thở ra khoảng 1.000 lần so với bình thường.
Các nhà khoa học từng nghiên cứu về vai trò của aerosol trong sự lây lan cúm, Sars và những bệnh truyền nhiễm khác cho rằng nCoV ít lây truyền qua không khí hơn bệnh sởi, nhưng rủi ro càng cao nếu chúng ở trong môi trường càng lâu. Ở những cuộc phỏng vấn trước đó, họ nhận định WHO đã không ý thức được tầm nghiêm trọng của hình thức lây nhiễm này, mà chỉ đưa ra cảnh báo đối với hai đường truyền khác của virus.
Thục Linh (Theo SCMP)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Y tế 24h - 14/10/2024
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Y tế 24h - 02/10/2024
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa
Y tế 24h - 01/10/2024
Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa
Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch
Y tế 24h - 30/09/2024
Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch