Vaccine nCoV dự kiến có tác dụng ngừa bệnh lâu dài
Giáo sư Sarah Gilbert, lãnh đạo nhóm nghiên cứu Đại học Oxford cho biết, vaccine ngừa nCoV ít nhất phải cho khả năng ngừa bệnh tồn tại trong vài năm. Với những loại vaccine giúp ngừa virus chủng corona khác gây cảm lạnh thông thường, ít nguy hiểm hơn nCoV, người tiếp nhận có thể tái nhiễm bệnh chỉ trong vòng một năm.
Gilbert lạc quan cho rằng vaccine Oxford sẽ cho hiệu quả lâu dài. Xác nhận của Giáo sư phần nào giúp giảm sự lo ngại về tác dụng mà loại vaccine sắp sửa hoàn thiện này mang lại. Chia sẻ với Ủy ban khoa học và công nghệ Commons, Giáo sư cho biết vaccine có thể cho kết quả tốt hơn so với khả năng miễn dịch tự nhiên của các bệnh nhân đã khỏi Covid-19.
"Vaccine có cách tiếp cận và liên kết đặc trưng với hệ thống miễn dịch của con người. Chúng tôi đã theo dõi những thành viên khác thuộc nhóm nghiên cứu trong vài năm. Họ áp dụng cùng một phương pháp và công nghệ để phát triển vaccine và hầu hết đều cho thấy phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Dù mức độ hiệu quả và an toàn của vaccine nCoV mới vẫn cần được theo dõi và thu thập thêm nhiều dữ liệu liên quan. Tuy nhiên chúng ta có thể lạc quan về một loại vaccine ngừa bệnh có tác dụng lâu dài, thậm chí cho khả năng miễn dịch cao hơn miễn dịch tự nhiên", Sarah Gilbert nói.
Mặt khác, nhiều người lo ngại rằng vaccine sẽ không kịp hoàn thiện vào mùa đông năm nay. Giải đáp nghi vấn này, Gilbert cho biết nhóm nghiên cứu của bà vẫn đang nỗ lực rút ngắn thời gian hoàn thiện các bước thử nghiệm và nhận được sự chấp thuận từ chính quyền để sản xuất và phân phối chúng.
Hiện có khoảng 8.000 tình nguyện viên người Anh tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine Oxford. Tuy nhiên do số ca nhiễm tại quốc gia này có dấu hiệu giảm sút, các chuyên gia đã chuyển hướng sang thử nghiệm vaccine trên 4.000 người ở Brazil và 2.000 người ở Nam Phi.
Trước đó, vaccine Covid-19 do Pfizer và BioNTech phát triển, sau khi thử nghiệm trên người cho thấy lượng kháng thể sinh ra cao hơn từ 1,8 đến 2,8 lần so với những bệnh nhân đã hồi phục. Thử nghiệm diễn ra với sự tham gia của 45 tình nguyện viên thuộc ba nhóm khác nhau, cho thấy kết quả ban đầu đáng khích lệ.
"Vẫn còn một quãng đường dài phía trước để có thể đi đến kết luận cuối cùng. Hiện chúng tôi vẫn thử nghiệm nhiều 'ứng viên' cùng lúc để tìm ra ít nhất một đến hai loại vaccine hiệu quả. Điều chúng tôi có thể chia sẻ hiện tại đó là một trong các ứng cử viên cho thấy hiệu quả khả thi, dựa trên những dữ liệu miễn dịch an toàn và khả năng dung nạp chủng ngừa", Philip Dormitzer, Giám đốc khoa học tại phòng thí nghiệm nghiên cứu của Pfizer chia sẻ với STAT News.
Song, vẫn có không ít thắc mắc xoay quanh hiệu quả thật sự mà các loại vaccine đang được nghiên cứu mang lại. Kate Bingham, Lãnh đạo Lực lượng đặc nhiệm vaccine của Anh, đặt nghi vấn rằng liệu loại vaccine sắp sửa hoàn thiện sẽ cho khả năng miễn dịch hoàn toàn với nguồn bệnh, hay chỉ đơn giản là loại bỏ các triệu chứng nghiêm trọng để giảm tỷ lệ tử vong.
"Chúng ta có thể lạc quan rằng một loại vaccine nCoV có thể sẽ ra mắt vào đầu năm 2021. Tuy nhiên điều tôi lo ngại lại là hiệu quả thực sự mà nó mang lại. Rõ ràng thứ chúng ta đang cần hiện tại là một loại vaccine có thể giúp ngừa bệnh hiệu quả, thay vì chỉ làm giảm mức độ nghiêm trọng của căn bệnh", Kate nói.
Thy An (Theo Daily Mail)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo