Hàng trăm nghìn người Trung Quốc sử dụng vaccine nCoV khẩn cấp
Khi bắt đầu áp dụng chương trình sử dụng khẩn cấp cho các "ứng viên" vaccine Covid-19 của mình, Trung Quốc vấp phải không ít ý kiến trái chiều vì vẫn chưa hoàn thành toàn bộ quá trình thử nghiệm lâm sàng.
Trung Quốc sử dụng vaccine nCoV vẫn đang thử nghiệm cho hàng trăm nghìn người kể từ tháng 7. Việc này khiến nhiều chuyên gia thế giới hoài nghi vì chương trình khẩn cấp này diễn ra trước khi tính an toàn và hiệu quả của vaccine được chứng minh đầy đủ bằng các thử nghiệm lâm sàng. Một số chuyên gia và nhà phát triển vaccine phương Tây đã cảnh báo về việc cấp phép quá sớm có thể dẫn đến một số nguy cơ tiềm ẩn.
Trong cuộc họp báo ngày 25/9, ông Zheng Zhongwei, một quan chức của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, nội các Trung Quốc và Hội đồng Nhà nước đều đã thông qua kế hoạch thử nghiệm sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 vào cuối tháng 6. Sau khi được phê duyệt, đơn vị chủ quản đã liên lạc và thông báo cho các đại diện liên quan, bao gồm cả văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Trung Quốc và nhận được sự thấu hiểu cùng hỗ trợ của WHO.
Cũng trong cuộc họp báo này, Tiến sĩ Mariângela Simão, trợ lý tổng giám đốc WHO về tiếp cận thuốc và các sản phẩm y tế, cho biết: "Các quốc gia có quyền tự chủ theo quy định và luật pháp quốc gia của họ để cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp cho bất kỳ sản phẩm y tế nào. Trung Quốc và các quốc gia khác đã làm như vậy đối với các sản phẩm khác nhau. WHO cũng có các điều khoản về danh sách sử dụng khẩn cấp và đã ban hành một số sản phẩm để chẩn đoán".
"Ứng viên" được cho phép sử dụng khẩn cấp ở trên do công ty Sinopharm phát triển. Trong một tuyên bố được đăng trên trang web của Sinopharm vào tháng 9, công ty cho biết hai "ứng viên" của họ đã được sử dụng "hàng trăm nghìn lần" theo chương trình sử dụng khẩn cấp đã được chính phủ phê duyệt.
Theo cố vấn chung của công ty, ông Zhou Song, vaccine sau khi được sử dụng cho các chuyên gia y tế, nhà ngoại giao và một số đối tượng khác... đều cho kết quả khả quan. "Không có một trường hợp nào cho thấy có tác động tiêu cực đáng kể, cũng như không ai bị nhiễm bệnh", ông Zhou nói trong tuyên bố.
Các thử nghiệm giai đoạn III đối với vaccine của Sinopharm vẫn đang được tiến hành ở lãnh thổ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain, Peru, Maroc và Argentina. Tuần trước, Bộ Y tế của UAE đã phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vaccine Sinopharm cho công nhân tuyến đầu.
Theo Reuters, một "ứng viên" khác do hãng dược Sinovac Biotech phát triển, đang trong bước thử nghiệm giai đoạn III, cũng được đưa vào chương trình sử dụng khẩn cấp của Trung Quốc.
Trung Quốc có 11 "ứng viên" đang được thử nghiệm lâm sàng. Trong đó có bốn loại nổi bật nhất đã đến giai đoạn III. Trên toàn thế giới hiện có 38 loại vaccine đang được thử nghiệm trên người, trong đó 9 loại đã đến giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, theo WHO.
Tháng trước, ông Zheng tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước CCTV rằng Trung Quốc đã sử dụng vaccine Covid-19 thử nghiệm trên nhóm người có nghề nghiệp "rủi ro cao" kể từ ngày 22/7. Ông cho biết những người lao động có nguy cơ tiếp xúc với nguồn lây nhiễm nCoV cao bao gồm: nhân viên y tế tuyến đầu, nhân viên phòng chống dịch, nhân viên y tế tại các phòng khám bệnh, hải quan và biên giới. Tất cả những người thuộc các ngành nghề trên đều đủ điều kiện nhận vaccine.
Thy An (Theo CNN)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo