Hy vọng mới cho bệnh nhân đái tháo đường type 1
Hiện nay, khi khoa học phát triển, bệnh đái tháo đường type 1 được xác định là có thể xuất hiện ở bất cứ lứa tuổi nào. Cơ thể cần insulin để đưa glucose từ máu vào các tế bào, cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động. Mặc dù cơ chế chưa được giải thích rõ ràng, ở bệnh nhân đái tháo đường type 1, tế bào beta tuyến tụy mất đi khả năng sản xuất insulin. Thiếu hụt insulin dẫn đến nồng độ glucose trong máu tăng cao, theo thời gian sẽ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng về tim mạch, mắt, thận, thần kinh,… và dẫn đến tử vong. Điều trị duy nhất của bệnh đái tháo đường type 1 cho đến nay là liên tục bổ sung insulin vào cơ thể cho đến suốt đời để bù đắp lượng insulin thiếu hụt. Chỉ có khoảng 5% các bệnh nhân đái tháo đường là thuộc type 1 nhưng những bất tiện đến từ việc bảo quản, điều chỉnh nồng độ và sử dụng khiến nhóm bệnh nhân này không thể có một cuộc sống bình thường. Hơn thế nữa, rủi ro từ việc không tuân thủ đầy đủ nồng độ và thời gian sử dụng insulin là rất lớn. Đây đang là những thách thức từ rất lâu mà các chuyên gia y tế phải đối mặt trong cuộc chiến với căn bệnh đái tháo đường type 1.
Gần đây nhất, một công bố từ các nhà khoa học đã đem lại niềm hy vọng mới trong điều trị bệnh đái tháo đường type 1. Sau hơn hai thập kỷ nghiên cứu, các nhà khoa học tại đại học Tampere ở Phần Lan đã cung cấp những bằng chứng mạnh mẽ khẳng định mối liên kết giữa một loại virus gọi là coxsackievirus B1 với phản ứng tự miễn dịch gây ra tình trạng tự tiêu hủy các tế bào beta trong tuyến tụy của cơ thể. Ở những bệnh nhân đái tháo đường type 1, các tế bào beta vốn dĩ đóng vai trò sản xuất insulin đã bị hệ thống tự miễn dịch của cơ thể người bệnh phá hủy trong những năm đầu đời. Mặc dù, có một liên kết di truyền tạo ra các biến thể của các chỉ dấu bạch cầu ở người, nhằm nhận dạng các tế bào của cơ thể, nhưng việc hệ miễn dịch ở các bệnh nhân đái tháo đường type 1 nhận dạng các tế bào beta tuyến tụy như các tế bào ngoại lai cần tiêu diệt vẫn là dấu hỏi lớn cho các nhà khoa học. Bên cạnh cơ chế phức tạp, các nhà khoa học cũng nhận định rằng có rất nhiều cách để kích hoạt quá trình tự hủy tế bào beta ở các bệnh nhân. Một trong số những cách đó đã được Giáo sư. Tiến sĩ. Nhà virus học Heikki Hyoty của trường đại học Tampere, Phần Lan phát hiện. Đó là một loại nhiễm trùng do một loại enterovirus.
Enterovirus là một loại virus nguy hiểm được biết đến gây ra bệnh bại liệt, bệnh tay - chân - miệng, bệnh viêm màng não và bệnh viêm cơ tim. Đã có sự nghi ngờ về mối liên hệ giữa enterovirus và bệnh đái tháo đường trong nhiều năm, nhưng phải mất thời gian để các nhà khoa học tìm ra câu trả lời đích đáng. Vào năm 2014, GS. TS. Heikki Hyoty và nhóm nghiên cứu của ông đã sử dụng hai nghiên cứu về đái tháo đường type 1 ở trẻ em Phần Lan để chứng minh rằng: ít nhất một trong sáu virus trong nhóm coxsackieviruses có liên quan đến tình trạng này.
Enteroviruses thường gặp ở trẻ sơ sinh. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (Centres for Disease Control and Prevention - CDC) phát hiện ra rằng khoảng 1/4 trong 444 trường hợp nhiễm enterovirus được biết đến ở Hoa Kỳ trong năm 2007 là do coxsackievirus B1 (CVB1). Trong nghiên cứu công bố năm 2014 của mình, các nhà khoa học người Phần Lan đã viết: "Thông qua những dữ liệu thu được, người ta có thể ước lượng thấp hơn 5% số trẻ em bị nhiễm coxsackievirus B1 tiếp tục phát triển thành bệnh đái tháo đường type 1." Con số 5% có vẻ không nhiều, nhưng nó có nghĩa mỗi năm, có hàng trăm trẻ sơ sinh trên thế giới phát triển bệnh đái tháo đường type 1. Bên cạnh đó, các virus khác trong nhóm coxsackievirus cũng có thể đóng góp vào sự tự miễn dịch tế bào beta, nên con số cuối cùng sẽ còn cao hơn.
Tin vui cho y học là nhóm nghiên cứu của GS. TS. Heikki Hyoty đã và đang phát triển các nguyên mẫu vắc-xin đầu tiên có khả năng ngăn ngừa coxsackievirus B1. GS. TS. Heikki Hyoty cho biết: "Hiện tại, vắc-xin này đã chứng minh hiệu quả và an toàn trên chuột. Đây là một bước tiến đáng kể trong suốt quá trình phát triển, và giai đoạn tiếp theo là nghiên cứu và thử nghiệm vắc-xin này ở người." Các thử nghiệm tiền lâm sàng sẽ được triển khai và giai đoạn kế tiếp là các thử nghiệm trên người trưởng thành khỏe mạnh, để tìm hiểu các biến chứng. Thêm vào đó, vắc-xin cũng có thể giúp ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng khác do enterovirus. GS. TS. Heikki Hyoty cho biết: “Vắc-xin sẽ giúp bảo vệ cơ thể khỏi các nhiễm khuẩn gây ra bởi enterovirus như bệnh cảm lạnh, viêm cơ tim, viêm màng não và nhiễm trùng tai". Nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Vaccine.
Vắc-xin này không phải là liệu pháp chữa trị và cũng không giúp loại trừ hoàn toàn căn bệnh này. Vắc-xin này chỉ mang đến hy vọng giảm số lượng các trường hợp đái tháo đường type 1 mới mỗi năm trên đối tượng trẻ sơ sinh có cơ chế bệnh liên quan tới enterovirus. Các nhà nghiên cứu đã mất hơn 2 thập kỷ để phát triển vắc-xin này và có thể mất thêm nhiều năm nữa để có được một sản phẩm hoàn chỉnh trên thị trường, vì vậy chúng ta không nên kỳ vọng bất cứ điều gì mang tính cách mạng quá sớm.
Đầu năm ngoái, một nhóm các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ cũng đã xác định được các “tế bào beta chưa trưởng thành” trong tụy với hy vọng trong tương lai có thể được can thiệp để phát triển thay thế tế bào beta trong hoạt động sản sinh ra insulin. Tiến sĩ Mark O. Huising, và một nhóm các nhà nghiên cứu từ các viện khác nhau ở Hoa Kỳ, bao gồm Đại học California Davis, và Bệnh viện Nhi Philadelphia, đã nghiên cứu các “tiểu đảo tụy” hay “tiểu đảo Langerhans” (gồm từ 1-2 triệu đảo, là những tế bào tụ thành từng đám, chiếm 1g tổ chức tụy, bao gồm các tế bào beta). Và họ tìm thấy xung quanh các tiểu đảo Langerhans ở cả chuột và người là một nhóm các tế bào trước đây chưa được biết đến có khả năng sản sinh ra insulin, nhưng không có khả năng cảm biến glucose. Họ gọi đây là các tế bào beta chưa trưởng thành. Các nhà nghiên cứu tin rằng những tế bào beta chưa trưởng thành này đang ở giai đoạn chuyển tiếp, chuyển từ tế bào alpha thành tế bào beta. Môi trường vi mô trên các tiểu đảo Langerhans tạo điều kiện thích hợp cho sự chuyển hóa này. Trong bệnh đái tháo đường type 1, các tế bào beta tuyến tụy bị phá hủy, và môi trường vi mô trên các tiểu đảo Langerhans cũng bị mất đi. Tiến sĩ Mark O. Huising hy vọng rằng một ngày nào đó chúng ta có thể tái tạo môi trường vi mô lý tưởng để biến tế bào alpha thành tế bào beta thay thế cho các bệnh nhân đái tháo đường type1 hoặc tái tạo tế bào gốc thành tế bào beta sản xuất insulin để sử dụng trong các phương pháp điều trị thay thế.(*)
Sẽ không có một phương pháp duy nhất, điều trị, hoặc phòng ngừa có thể giúp ngăn chặn hoàn toàn bệnh đái tháo đường. Nhưng với khoảng 20 đến 40 triệu người trên toàn thế giới đang sống chung với bệnh đái tháo đường type 1, bất cứ một tiến bộ nào có thể áp dụng trong điều trị chắc chắn sẽ là một bước tiến lớn đem lại lợi ích cho hàng triệu bệnh nhân.
Nguồn: https://www.sciencealert.com/this-vaccine-could-prevent-many-cases-of-type-1-diabetes
https://www.diabetes.co.uk/news/2017/jul/type-1-diabetes-vaccine-to-be-tested-in-2018-96370012.html
Tham khảo:
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo