Làn sóng Covid-19 thứ ba ở Hong Kong nghiêm trọng thế nào
Khi nhiều quốc gia chưa bước qua đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên, Hong Kong đã đón làn sóng thứ ba của đại dịch. Gần hai tuần kể từ khi người dân quay trở lại nhịp sống bình thường, các ca nhiễm mới một lần nữa tăng nhanh chóng.
Nhiều chuyên gia nhận định làn sóng Covid-19 thứ ba là nghiêm trọng nhất, kêu gọi thực hiện các biện pháp ngăn chặn tức thì, bao gồm xét nghiệm đại trà để kiểm soát ổ dịch.
Dấu hiệu của đợt bùng phát mới tại Hong Kong lần đầu tiên xuất hiện vào tuần trước. Kể từ ngày 5 đến 11/7, khu vực này ghi nhận 173 trường hợp dương tính, trong đó 107 ca nhiễm địa phương.
Giáo sư Gabriel Leung, trưởng khoa Y, Đại học Hong Kong (HKU), gọi đây là làn sóng tồi tệ nhất, thậm chí đáng lo ngại hơn so với khi Covid-19 mới bùng phát. Ông cho rằng xu hướng này gây áp lực lên hệ thống y tế công cộng, có thể khiến nó sụp đổ nếu tiếp diễn trong một đến hai tuần tới.
Trong khi đó, Yuen Kwok-yung, Giáo sư vi sinh đầu ngành của HKU, nhận định sự gia tăng số ca mắc mới phần vì công chúng đã chán nản với tâm thế chống dịch.
"Đợt tái bùng phát ở Hong Kong là có thể đoán trước. Khi các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát trên toàn thế giới được nới lỏng, dịch bệnh chắc chắn sẽ hồi sinh", ông Yuen nói.
Giáo sư Leung khuyến nghị các doanh nghiệp cho phép nhân viên làm việc từ xa càng lâu càng tốt, đồng thời kêu gọi công chúng tránh tham gia các sự kiện công cộng đông đúc. Ông Yuen tuyên bố người Hong Kong tránh ăn uống bên ngoài, bởi virus có thể dễ dàng lây lan trong không gian kín, nơi thực khách không đeo khẩu trang. "Ngay cả khi chính phủ lập tức thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội ở mức độ cao nhất có thể, chúng sẽ không hiệu quả, trừ khi người dân hợp tác", ông nói.
Trong khi các quốc gia trên thế giới bước vào giai đoạn khởi động lại nền kinh tế, giới chuyên gia không khỏi lo ngại về các đợt bùng phát thứ hai hay thứ ba của Covid-19. Nhiều người cho rằng viễn cảnh tương tự Hong Kong hoàn toàn có thể xảy ra trên phạm vi toàn cầu. Câu hỏi lớn đặt ra là chính phủ có nên xem xét bắt buộc người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng hay không.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan y tế công cộng khác từng đồng ý rằng điều này có thể hạn chế sự lây lan của virus. Song nhiều người vẫn còn tỏ ra hoài nghi. Một bộ phận người dân Mỹ thậm chí phát động làn sóng phản đối đeo khẩu trang, ngay khi số ca nhiễm mới tại nước này tăng kỷ lục.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson, người từng mắc Covid-19, cho biết chính phủ sẽ cân nhắc yêu cầu công dân đeo khẩu trang tại các cửa hàng.
Theo Giáo sư Yuen, số trường hợp dương tính mới ở Hong Kong sẽ giảm trong vòng 7 đến 14 ngày tới, nếu cộng đồng tuân thủ các biện pháp phòng ngừa được khuyến cáo.
Thục Linh (Theo SCMP)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo