Lý do gia tăng người trẻ mắc tiểu đường

Theo bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tỷ lệ mắc đái tháo đường type 2 ở người trẻ có xu hướng gia tăng, chiếm khoảng từ 20-30% trong tổng số các bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị tại đây.

Người béo phì dễ mắc

22 tuổi, nhưng Đ.T.M (Hà Nội) có cân nặng ngấp nghé 80kg. M chia sẻ: "Em bị béo phì từ nhỏ, mỗi bữa dù chỉ ăn một bát cơm nhưng cân nặng luôn duy trì ở mức cao. Em đã từng nỗ lực giảm cân nhưng không hiệu quả. Khi đi khám em mới phát hiện bị đái tháo đường type 2". Trước đó, suốt thời gian khá dài, M có những biểu hiện như khát nước, đi tiểu nhiều nhưng chủ quan.

Lý do gia tăng người trẻ mắc tiểu đường

Một bệnh nhân đái tháo đường trẻ tuổi khám, điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

BS Nguyễn Mạnh Tuấn, Khoa Nội tiết người lớn, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, thông thường đái tháo đường type 2 sẽ xuất hiện ở người độ tuổi trung niên. M là trường hợp bệnh nhân mắc đái tháo đường type 2 xuất hiện sớm. Với độ tuổi trẻ như vậy, nguyên nhân là trên nền thể trạng béo phì, chế độ ăn giàu glucid, chất béo, ít vận động. Bệnh đã tiến triển trong một thời gian dài.

Theo phác đồ điều trị của M, ngoài việc tiến hành kiểm soát đường huyết bằng insulin, mục tiêu kiểm soát cân nặng được bác sĩ đặc biệt chú trọng. Chế độ ăn uống và vận động phù hợp tác động rất lớn đến quá trình điều trị của bệnh nhân.

Cùng điều trị tại đây, P.T.T (16 tuổi, trú tại Hà Nội) có chiều cao 1,7m nhưng nặng 90kg. Khi nhập viện, T có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, các kết quả xét nghiệm khẳng định em mắc đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, kháng insulin, béo phì độ 2. Trong gia đình T, cả bà nội và bà ngoại đều mắc đái tháo đường. T cho hay: "Hai năm gần đây em tăng cân nhanh bất thường, có thể do sở thích ăn đồ ăn nhanh, đồ chiên rán và ít vận động".

T được chỉ định điều trị đái tháo đường, đồng thời các bác sĩ hướng dẫn T thay đổi chế độ ăn uống và tăng cường luyện tập thể lực để cải thiện cân nặng nhằm hỗ trợ tốt hơn quá trình điều trị.

Những yếu tố nguy cơ gây bệnh

BS Lâm Mỹ Hạnh, Phó trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho hay, đái tháo đường type 2 trước đây thường được biết đến là căn bệnh hay gặp ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển của xã hội, tỷ lệ mắc đái tháo đường type 2 ở người trẻ có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ bệnh nhân trẻ tuổi mắc đái tháo đường chiếm khoảng từ 20-30% trong tổng số các bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh đái tháo đường type 2 ở người trẻ thường có thể do thừa cân, béo phì; có yếu tố gia đình, có thành viên trong nhà mắc đái tháo đường; do lười vận động và ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo, giàu năng lượng. Đối với nữ giới trẻ tuổi, nếu mắc hội chứng buồng trứng đa nang có thể gây ra tình trạng kháng insulin, tăng nguy cơ mắc.

Theo BS Hạnh, để phòng tránh béo phì và đái tháo đường, mọi người cần cân đối nhu cầu năng lượng của cơ thể, tăng cường tập luyện thể thao. Cần lưu ý các triệu chứng điển hình khi mắc đái tháo đường gồm: hay khát nước; tiểu nhiều; sút cân nhiều; vết thương lâu liền; mệt mỏi; tê bì tay chân; nhìn mờ.

Có thể gây tử vong

Trong trường hợp đã phát hiện mắc đái tháo đường, BS Tuấn khuyến cáo, người bệnh cần thực hiện đúng chỉ định của bác sỹ, dùng thuốc đúng liều, đủ thời gian để đạt được chỉ số đường huyết mục tiêu. Cần kiểm soát chế độ ăn uống, hạn chế ăn những thực phẩm chứa nhiều tinh bột, chất đường, chứa hàm lượng chất béo bão hòa và mỡ cao.

Cùng đó, người bệnh nên tham khảo và tư vấn chế độ ăn của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng. Ngoài ra, tăng cường vận động, luyện tập ít nhất 30 phút/ngày; với người thừa cân béo phì, cần luyện tập nhiều hơn. Cần theo dõi đường huyết thường xuyên để có kế hoạch kiểm soát đường máu.

"Việc không điều trị kịp thời đái tháo đường sẽ để lại hệ lụy đáng tiếc. Đáng lưu ý biến chứng cấp tính của đái tháo đường do tăng đường huyết trong thời gian dài không kiểm soát, tăng ceton trong máu và nhiễm toan chuyển hóa. Đường trong máu cao tăng áp lực thẩm thấu niệu với mất nhiều nước và điện giải.

Bệnh nhân có dấu hiệu nôn, buồn nôn, đau bụng, hôn mê thậm chí tử vong. Hoặc các biến chứng thường gặp khác như tình trạng nhiễm trùng, loét, hoại tử vùng bàn chân; gây mù lòa, suy thận, gan nhiễm mỡ, nguy cơ cao gây đột quỵ, trầm cảm, sa sút trí tuệ…", BS Tuấn cảnh báo.

Theo các bác sĩ, tiểu đường là một bệnh lý mạn tính và hầu như không thể chữa khỏi hoàn toàn. Đây là nguyên nhân phổ biến gây tàn phế từ rất sớm, thậm chí là tử vong do các biến chứng nghiêm trọng của bệnh gây ra. Bệnh gồm 2 type chính đó là tiểu đường type 1 và type 2. Trong đó đái tháo đường type 2 chiếm phần lớn so với type 1 trong tổng số các bệnh nhân mắc bệnh này.

 

 

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Mắc rối loạn hoang tưởng, người vợ luôn ám ảnh chồng ngoại tình

Mắc rối loạn hoang tưởng, người vợ luôn ám ảnh chồng ngoại tình

Y học thường thức - 23/04/2024

Mắc rối loạn hoang tưởng, người vợ luôn ám ảnh chồng ngoại tình

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Y học thường thức - 15/04/2024

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Y học thường thức - 19/03/2024

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Nguy kịch tính mạng do điều trị basedow sai cách

Nguy kịch tính mạng do điều trị basedow sai cách

Y học thường thức - 10/03/2024

Nguy kịch tính mạng do điều trị basedow sai cách

Nổi mày đay có phải do suy giảm chức năng gan?

Nổi mày đay có phải do suy giảm chức năng gan?

Y học thường thức - 04/03/2024

Nổi mày đay có phải do suy giảm chức năng gan?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới