Lý do nên tiêm vaccine phòng viêm gan B
Virus viêm gan có các chủng chính như A, B, C, D , E. Trong đó, viêm gan B và C là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất, khiến 1,3 triệu người mất mạng mỗi năm.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có hàng triệu người trên thế giới đang sống chung với virus viêm gan B và C. 900.000 người tử vong mỗi năm do nhiễm virus viêm gan B. 10% người bị viêm gan B và 19% người sống chung với bệnh viêm gan C biết tình trạng viêm gan của họ. 42% trẻ em trên toàn cầu được tiếp cận với vaccine viêm gan B. WHO kêu gọi tất cả quốc gia cùng hợp tác để loại bỏ virus viêm gan - mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030, hướng đến ngày viêm gan thế giới 28/7.
Để phòng ngừa viêm gan B, tiêm vaccine là một trong những cách quan trọng nhất. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tất cả trẻ sơ sinh nên tiêm vaccine viêm gan B càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Các liều tiếp theo có thể tiêm vaccine đơn hoặc vaccine phối hợp có phòng viêm gan B cùng các bệnh khác.
Theo WHO, tiêm vaccine cho trẻ sơ sinh phòng chống viêm gan B định kỳ đã tăng lên trên toàn cầu, ước tính tỷ lệ bao phủ (liều thứ ba) là 84% trong năm 2017. Tỷ lệ nhiễm HBV mạn tính thấp ở trẻ em dưới 5 tuổi, ước tính khoảng 1,3% vào năm 2015 nhờ vaccine viêm gan B được sử dụng rộng rãi. Tiêm vaccine viêm gan B đúng lịch và đầy đủ các liều có thể bảo vệ hơn 95% trẻ em và người lớn. Hiệu quả bảo vệ có thể kéo dài khoảng 20 năm.
Trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi chưa được tiêm phòng vaccine viêm gan B trước đó nên được chủng ngừa nếu sống ở các quốc gia có độ lưu hành tiêm chủng vaccine thấp hoặc trung bình.
Vaccine cũng được khuyến cáo tiêm phòng cho những đối tượng như trong gia đình có người bị nhiễm HBV mạn tính, nhân viên y tế và những người khác thường tiếp xúc với máu, các sản phẩm máu...
Vaccine viêm gan B an toàn và hiệu quả. Kể từ năm 1982, hơn một tỷ liều vaccine viêm gan B đã được sử dụng trên toàn thế giới. Ở nhiều quốc gia nơi 8-15% trẻ em từng bị nhiễm virus viêm gan B mạn tính, việc tiêm phòng giúp giảm tỷ lệ nhiễm trùng mạn tính ở trẻ em xuống dưới 1%.
Virus viêm gan B có thể lây truyền từ mẹ sang con. Do đó, phụ nữ nên lưu ý kiểm tra về căn bệnh này. Theo các bác sĩ, vaccine viêm gan B không chống chỉ định cho phụ nữ mang thai nhưng tốt nhất, mẹ bầu nên chủ động tiêm phòng viêm gan B trước khi có thai vì sau khi tiêm, cơ thể cần ba tháng mới sản sinh đủ kháng thể chống lại virus gây bệnh.
Ngoài tiêm vaccine, thực hành tình dục an toàn cũng có thể phòng chống lây truyền căn bệnh này. Xét nghiệm và điều trị kịp thời virus viêm gan giúp ngăn ngừa ung thư gan và các bệnh gan nặng khác.
Ngọc An
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo