Nắng nóng gây trĩ cấp
Bác sĩ Lê Mạnh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương, Hà Nội, cho biết nhiều bệnh nhân đến viện khám trực tràng, bệnh trĩ, khi trời nắng nóng. Nhiệt độ miền Bắc những ngày qua khoảng 35-36 độ C.
Yếu tố nguy cơ gây trĩ cấp là thời tiết thay đổi đột ngột như nắng nóng, trở lạnh; các bệnh lý đại tràng, uống rượu bia nhiều, làm việc gắng sức. Khi ấy cục máu đông hình thành trong đám rối mạch trĩ gây đau, chảy máu cấp, thậm chí hoại tử nếu không điều trị.
Theo ông Hoàng Đình Lân, Phó Chủ tịch Hội Hậu môn Trực tràng Việt Nam, trĩ và bệnh trĩ khác nhau. Trĩ là tổ chức bình thường sinh ra ai cũng có, chức năng đóng kín lỗ hậu môn. Khi đám rối mạch trĩ mất chức năng, tổn thương, gây chảy máu, sa ra ngoài, chảy máu... mới gọi là bệnh trĩ.
Thời tiết nắng nóng, mồ hôi tiết ra nhiều, nếu vệ sinh không sạch dễ gây tình trạng ngứa hậu môn. Đây là yếu tố nguy cơ gây trĩ với người chưa từng mắc. Ngoài ra, mùa hè làm cho con người mệt mỏi, chán ăn, bỏ bữa, dùng đồ uống kích thích, khiến nhu động ruột hoạt động thất thường, khó tiêu hóa, lâu dần dẫn đến bệnh trĩ.
Người tiền sử bệnh trĩ sẽ gặp triệu chứng nặng hơn, bởi nhiệt độ cao làm tăng mức độ giãn mạch. Các búi trĩ nguy cơ sưng to và đau hơn. Một số người bị trĩ cấp độ 4, kèm rỉ nước, mùa nóng mồ hôi toát ra nhiều khiến vi khuẩn sinh sôi nảy nở, gây mùi hôi, dẫn đến viêm nhiễm búi trĩ.
Theo bác sĩ Cường, người bệnh đến viện khám thường gặp hai dạng trĩ. Thứ nhất là bị chảy máu đột ngột nên đi khám. Thứ hai là bệnh trĩ ở giai đoạn nặng, trĩ đã sa, tắc búi mạch đến gần 100%.
"Chưa có người nào chủ động đi khám định kỳ hay khi xuất hiện dấu hiệu sớm bệnh trĩ", bác sĩ Cường nói.
Bác sĩ Cường cho biết nguyên tắc chung trong điều trị là can thiệp sớm vẫn tốt nhất. Đặc biệt, can thiệp đúng giai đoạn mới hiệu quả.
Bệnh trĩ ở giai đoạn sớm không cần phải mổ, chỉ cần tiêm triệt mạch trĩ kết hợp với thuốc. Bản chất của phương pháp này là triệt tiêu động mạch trĩ bằng chất gây xơ. Ưu điểm là tránh được cuộc mổ, nguy cơ tai biến có thể xảy ra trong khi phẫu thuật, sang chấn về thể chất và tinh thần. Nhược điểm là bệnh nhân cần đến viện 5-6 lần để can thiệp. Lý do, mỗi người trung bình có 5-6 động mạch trĩ, mỗi lần can thiệp chỉ triệt tiêu một động mạch.
"Tỷ lệ mổ trĩ hiện nay chỉ dưới 10% nhờ áp dụng phương pháp mới này. Điều trị trĩ phải kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền để kết quả tốt nhất", bác sĩ Cường nói.
Còn theo ông Lân, đông y ưu tiên sử dụng các thảo dược như hoàng kỳ, thăng ma, sài hồ để tăng trương lực mạch máu, làm co búi trĩ, co mạch máu. Dùng liên tử để cầm máu, đương quy bổ huyết trong trường hợp chảy máu nhiều do trĩ. Các vị thuốc khác như bạch truật, đương quy, cam thảo, ý dĩ kích thích ăn uống...
"Những vị thuốc này an toàn cho những người bị trĩ cấp tính vừa chống táo bón, cầm máu, tăng sự đàn hồi và bền vững thành mạch, ngừa tái phát trĩ cấp", ông Lân cho biết.
Để phòng trĩ cấp tính tái phát mùa nắng nóng, nên ăn uống sinh hoạt, hợp lý tăng cường vận động. Tránh táo bón bằng cách ăn nhiều rau xanh quả tươi, uống đủ nước, hạn chế đồ ăn cay nóng và chất kích thích (rượu bia, cà phê, ớt, hạt tiêu,...).
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo