Xử trí tai biến thường gặp do nắng nóng
Phù do nhiệt
Khi phải đi hay làm việc trong nắng nóng, hoặc đột ngột từ phòng máy lạnh ra ngoài nắng, các vùng cơ thể ở phần thấp như mắt cá chân, bàn chân dễ bị phù do mạch máu giãn ra để thải nhiệt. Hiện tượng này có thể xuất hiện trong vài giờ hoặc một vài ngày, sau đó tự hết khi cơ thể đã thích nghi với môi trường.
Xử trí: Kê cao chân khi ngủ để mạch máu lưu thông bình thường. Không nên uống các loại nước lợi tiểu để giảm phù vì sẽ làm cho cơ thể mất nước nhiều hơn, gây bất lợi cho cơ thể.
Phát ban
Ở những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc nhiệt độ quá cao, các tuyến mồ hôi bị tắc, không thể thoát ra để bay hơi. Khi đó bạn dễ bị viêm da, biểu hiện thành nhiều nốt nhỏ màu đỏ nổi trên da, gây cảm giác như kim châm hoặc ngứa.
Xử trí: Các nốt phát ban này sẽ tự hết sau một thời gian, không cần điều trị đặc hiệu. Nếu ngứa nhiều, sử dụng các thuốc dị ứng thông thường, đồng thời hạn chế tiếp xúc ánh nắng, bệnh sẽ tự khỏi.
Chuột rút (vọp bẻ)
Chuột rút khiến bạn có cảm giác đau đột ngột, co cứng các cơ thành bụng, bắp đùi hoặc cẳng chân. Bệnh thường xuất hiện ở người lao động nặng, vận động viên tập luyện với cường độ cao. Khi hoạt động nặng, các cơ phải làm việc liên tục với cường độ mạnh. Cơ thể bị mất nước, muối và các chất điện giải qua mồ hôi quá nhiều, gây ra tình trạng căng cơ.
Xử trí: Sử dụng các loại thuốc giảm đau thông thường kết hợp nghỉ ngơi, di chuyển đến nơi thoáng mát, uống bù nước có muối khoáng. Uống nước lọc không đủ đáp ứng nhu cầu mất muối và nước của cơ thể. Nước có muối khoáng gồm các dung dịch nước điện giải, nước chanh pha muối, đường... Sau khi nghỉ ngơi, bù nước các triệu chứng sẽ tự giảm dần và hồi phục hoàn toàn.
Ngất
Người đi lại lâu trong nắng nóng, leo núi, di chuyển nhiều, tập quân sự... dễ ngất xỉu do bị tăng tiết mồ hôi làm mất nhiều muối và nước nhưng không được bổ sung kịp thời. Khối lượng nước trong mạch máu sụt giảm, gây tụt huyết áp, giảm lưu lượng máu lên não khi đứng.
Ngất do nhiệt thường kèm theo các biểu hiện khác như lú lẫn, chóng mặt, hoa mắt, đau đầu, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, tiểu ít, nước tiểu cô đặc...
Xử trí: Trường hợp này cần sơ cứu ngay để giảm di chứng cơ thể. Các bước sơ cứu gồm: Cho người bị ngất xỉu nằm thấp đầu, di chuyển đến vùng không khí thoáng mát, nới rộng áo quần, bù nước muối khoáng. Tiếp tục theo dõi trong 30 phút, nếu tình trạng ổn định thì không phải đi bệnh viện.
Kiệt sức
Người kiệt sức khi đi nắng vì bị mất muối và nước trong thời gian dài hơn so với các tình huống trên. Khi bị kiệt sức, cơ thể tiết mồ hôi rất nhiều, cảm giác ớn lạnh, da lạnh và ẩm ướt, mạch nhanh, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, chuột rút, mệt mỏi, ngất xỉu... Nặng hơn, người kiệt sức có thể bị đột quỵ do nhiệt, là thể bệnh nặng nhất trong các bệnh lý do tăng nhiệt độ gây ra.
Xử trí: Cần ngưng mọi hoạt động, chuyển sang nơi thoáng mát và bù nước, muối khoáng bằng các dung dịch phù hợp... Sau thời gian nghỉ ngơi, cơ thể sẽ phục hồi hoàn toàn. Ngoài ra có thể dùng khăn mát để lau, chườm vào các vùng có nhiều mạch máu như trán, lưng, nách, bẹn... nhằm hấp thu nhiệt, giúp cơ thể thải nhiệt nhanh hơn. Uống càng nhiều nước càng tốt.
Trong 30 phút đến một giờ, triệu chứng không cải thiện mà tăng lên, ví dụ đau đầu, nôn, chóng mặt nhiều hơn, cần đến bệnh viện điều trị.
Sốc nhiệt
Sốc nhiệt xảy ra khi cơ thể quá nóng, ở lâu nơi có nhiệt độ cao khiến thân nhiệt lên tới 40 độ C hoặc cao hơn. Khi ấy, người bị sốc nhiệt do mất muối và nước kéo dài, trung tâm điều hòa thân nhiệt của cơ thể hoạt động quá tải.
Đây là tai biến nặng nhất do nhiệt, tỷ lệ tử vong tương đương với đột quỵ. Bên cạnh đó, tăng thân nhiệt kéo dài sẽ làm tổn thương hệ tim mạch, hô hấp, gan, thận và đặc biệt là hệ thần kinh. Triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, lơ mơ, rối loạn tri giác, co giật và hôn mê.
Xử trí: Nhanh chóng sơ cứu sốc nhiệt tạm thời bằng cách cho người bị nạn nằm đầu thấp, di chuyển ra khỏi vùng có nhiệt độ cao. Nhanh chóng làm giảm nhiệt cho nạn nhân như dùng quạt, ngâm trong nước mát vài phút kết hợp dùng khăn sũng nước lạnh hay nước đá đắp vào các vùng trên cơ thể có nhiều mạch máu như trán, lưng, nách, bẹn... Sau khi sơ cứu, cần chuyển người bị nạn tới bệnh viện sớm nhất.
Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Blog chuyên gia - 14/11/2023
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Blog chuyên gia - 27/09/2021
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Blog chuyên gia - 25/09/2021
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Blog chuyên gia - 23/09/2021
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?
Blog chuyên gia - 22/09/2021
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?