Nắng nóng sau dịch, người già lưu ý gì?
Người già đổ xô đi thăm khám
Sau một thời gian dài dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt trong gần 1 tháng giãn cách xã hội, nhiều người bệnh nhẹ hoặc bệnh mãn tính đã không tới bệnh viện khám bệnh.
Ghi nhận vào sáng 11/5, rất đông người có mặt tại Khoa Khám bệnh, BVĐK Saint Paul (Hà Nội) nhưng chủ yếu là người già, người mắc các bệnh mãn tính.
Bà Hoàng Thị Y. (72 tuổi, quận Ba Đình) cho biết: “Vào thời gian cao điểm dịch, bác sĩ kê đơn thuốc uống trong 2 tháng, có gì cần thắc mắc thì gọi điện thoại, nên tôi tiếp tục uống đơn cũ. Nhưng mấy ngày nay nắng lên, thấy mệt mỏi quá, nên đi khám xem thế nào”. Bà Y. bị cao huyết áp và bệnh tiểu đường từ nhiều năm nay. Theo bà Y., đợt nắng nóng năm trước bà phải nhập viện 2 lần vì huyết áp tăng cao, choáng… do vậy hè này bà rất lo lắng sức khỏe.
Ths. BS. Nguyễn Thúy Hằng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Saint Paul cho biết, bệnh nhân tới viện khám đã bình thường trở lại như trước khi có dịch Covid-19. Ngày 8/4 khoảng 1.200 người tới khám, chủ yếu là người cao tuổi mắc bệnh mãn tính. Tuy nhiên, vào những ngày đầu tuần, lượng bệnh nhân đến khám đông hơn, khoảng 1.500 người. Đối với những bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp… đơn thuốc vẫn kê 2 tháng. Tuy ở thời điểm này lại xuất hiện nhiều bệnh nhân viêm phổi, có nhiều người bị bội nhiễm vào phải nhập viện. Nguyên nhân là bắt đầu bước vào đợt nắng nóng, người bệnh đái tháo đường dễ mắc bệnh sốt virus, viêm phổi hoặc người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính dễ có những đợt bội nhiễm cấp phải nhập viện.
Còn tại BV Lão khoa T.Ư, BS. Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Khám theo yêu cầu cho biết: “Sau dịch, lượng bệnh nhân tới thăm khám tăng vọt, tuy nhiên cũng vẫn chưa bằng so với đợt trước dịch bệnh. Hầu hết bệnh nhân cao tuổi đến đa bệnh lý về tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… và có diễn tiến biến chứng âm thầm, do vậy cần được theo dõi sát sao và dùng thuốc liên tục”.
Cũng theo ông Hùng, trong đợt dịch vừa qua, không ít bệnh nhân đã lơi là bỏ uống thuốc điều trị, chính vì vậy mà bệnh viện đã tiếp nhận những bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì nhồi máu cơ tim, đột quỵ…, thậm chí đã có biến chứng hôn mê.
Hè nóng nực, người già cần lưu ý gì?
Theo dự báo thời tiết, năm nay có thể phải đối mặt với thời tiết nắng nóng khắc nghiệt hơn mọi năm với nền nhiệt cao hơn. Điều này sẽ tác động đáng kể đến tình hình sức khỏe của mọi người, đặc biệt với người già và nhất là với người có bệnh nền như huyết áp, tim mạch hay đái tháo đường.
BS. Hằng đưa ra lời khuyên, người dân hạn chế ra đường vào những ngày nắng nóng, nhất là môi trường nhiệt độ thay đổi đột ngột, đặc biệt với người bệnh tăng huyết áp dễ dẫn đến tai biến mạch máu não. Thậm chí trong đợt nắng nóng năm 2019, các bộ phận cấp cứu của BV SaintPau có ngày đã tiếp nhận 5-10 ca tai biến mạch máu não.
Bà Hằng cũng đặc biệt khuyến cáo với những người có thói quen tắm liên tục trong thời tiết nắng nóng, hoặc tắm muộn rất dễ gây tai biến mạch máu não.
Còn theo BS. Hùng, thời tiết chuyển sang hè nóng bức, đặc biệt là những ngày qua, nhiệt độ ban ngày đạt ngưỡng 39 độ C, người cao tuổi và nhất là người bệnh cao tuổi cần lưu ý sức khỏe. “Bởi nắng nóng khiến người già dễ mất nước, mất điện giải, tạo điều kiện cho các bệnh nền có cơ hội tăng nặng, dễ gây đột quỵ. Hoặc nhiều người chọn giải pháp ngồi điều hóa, tránh nắng nóng, nhưng cũng có dễ gặp hệ lụy của việc này như khô niêm mạc đường hô hấp, dễ gây các bệnh lý hô hấp, viêm phổi…”, ông Hùng cho hay.
Theo BS. Hùng, ngày hè, năm nào cũng vậy, bệnh viện thường tiếp nhận bệnh nhân với bệnh lý hay gặp nhất là về hô hấp và đường tiêu hóa. Do vậy để dự phòng, các bệnh nhân cần lưu tâm việc uống đủ nước, hạn chế nước ngọt, nước có cồn và ga; duy trì chế độ ăn khoa học, phù hợp. Tuyệt đối không nên ra nắng nóng quá lâu, lưu ý nhất từ 10h-16h, đây là khoảng thời gian, nóng nóng gay gắt nhất trong ngày.
Với người cao tuổi, dù nắng nóng vẫn cần giữ thói quen luyện tập, tuy nhiên không vận động gắng sức hay dưới trời nắng; lưu tâm duy trì chế độ thuốc theo đơn thuốc, nếu có bất kỳ thay đổi bất thường cơ thể thì cần liên lạc với bác sĩ điều trị để kịp thời thăm khám, tư vấn điều trị.
Uyên Vũ
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo