Niềm hy vọng cho bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ và vừa
Lựa chọn dược liệu Việt Nam có tính an toàn cao nhất
Tháng 2/2020, PGS, TS Lê Quang Huấn, Viện Công nghệ sinh học cùng cộng sự bắt tay vào nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19. Đó là thời điểm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) chính thức phân lập được virus SARS-CoV-2.
Với suy nghĩ Việt Nam có rất nhiều thảo dược quý, có tính an toàn cao và có hiệu quả trong việc điều trị các bệnh lý virus, tại sao mình không tận dụng ưu thế này, PGS, TS Lê Quang Huấn đã tập trung nghiên cứu các hoạt chất trong dược liệu để cho ra đời sản phẩm y học cổ truyền Vipder Vir. 6 tháng sau, sản phẩm được đưa đi đánh giá thực nghiệm trên virus SARS-CoV-2 tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (tháng 8/2020).
Theo PGS Huấn, ở người nhiễm virus SARS-CoV-2 có nguy cơ mắc cơn bão cytokine khi cơ thể sản sinh quá nhiều chất chống viêm. Tuy nhiên, khi sử dụng Vipder Vir ở liều cao, sẽ giúp cơ thể người mắc tăng sức đề kháng. Đồng thời, thuốc có thể tăng cường phản ứng miễn dịch tế bào, miễn dịch dịch thể.
Sản phẩm thuốc thử nghiệm Vipder Vir được nghiên cứu dựa trên kinh nghiệm y học cổ truyền, phối hợp phương pháp hiện đại, tách chiết hoạt chất nhanh hơn, bảo đảm tiêu chuẩn về an toàn cao hơn, tính tương thích về sinh học cao hơn.
Có khoảng 8-10 thảo dược có tác dụng hiệu quả như xuyên tâm liên, thanh hao hoa vàng… được nhóm nghiên cứu sử dụng. Nhóm lựa chọn hoạt chất trong thảo dược tác động theo cơ chế phong tỏa protein Spike-S của virus SARS-CoV-2 (protein gai của virus), làm mất khả năng bám dính trên tế bào biểu mô, trong đó có hoạt chất phong tỏa thụ thể ACE2 biểu hiện nhiều nhất trong tế bào tim, phổi, tế bào biểu mô khác, làm giảm ức chế các enzyme có khả năng bám dính, nhân lên của virus vào tế bào. Cơ chế tác động này được nhóm nghiên cứu quan tâm nhất.
“Thuốc được sản xuất chủ yếu từ các nguồn dược liệu Việt Nam trên cơ sở sàng lọc các hoạt chất, bao vây phong tỏa các phân tử đích (phân tử liên quan đến quá trình xâm nhập, tăng sinh của virus trong tế bào), giúp kích hoạt các tế bào hệ miễn dịch để cộng hưởng, tác động chống lại sự tăng sinh của virus SARS-CoV-2”, PGS Huấn cho biết.
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ tin sinh học để rút ngắn thời gian nghiên cứu. “Trong thư viện hoạt chất của thế giới có hàng trăm nghìn chất. Khi sử dụng công nghệ này, chúng tôi rút ngắn thời gian sàng lọc chất, nghiên cứu tương tác phân tử. Khi chọn được đích phân tử là protein trên bề mặt virus hoặc trên bề mặt tế bào, đích phân tử phải chọn hoạt chất có ái lực liên kết cao nhất với phân tử đó, có tiềm năng ức chế tác động liên kết virus với tế bào, ngăn chặn sự xâm nhập của virus”, PGS Huấn cho hay.
PGS, TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền Việt Nam đánh giá, bài thuốc có hai vị quan trọng là Xuyên tâm liên và Thanh hao hoa vàng đã được nhóm nghiên cứu dùng công nghệ siêu âm để tách chiết, lọc bỏ tạp chất, kèm với các dược liệu khác diếp cá, hoàng cầm, đinh hương, cam thảo, sài gồ… “Trong y học cổ truyền, đây là một bài thuốc tuyệt vời”, ông Thịnh cho hay.
Niềm hy vọng cho bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ và vừa
Hội đồng Đạo đức y sinh học Quốc gia đã phê duyệt quá trình thử nghiệm tiền lâm sàng của sản phẩm Vipder Vir và đồng ý cho phép thử nghiệm lâm sàng trên người.
Với nguyên liệu ban đầu là các được liệu được chứng minh có tính an toàn trong y học cổ truyền, Hội đồng Đạo đức Quốc gia đã đồng ý cho thuốc Vipder Vir bước qua giai đoạn 1, vào giai đoạn 2, 3 thử nghiệm trên đối tượng đích là bệnh nhân mắc Covid-19.
Thời gian thử nghiệm sẽ diễn ra trong khoảng 2-3 tháng. Tuy nhiên, khi lượng F0 tại Việt Nam rất nhiều, tiến độ thử nghiệm có thể diễn ra sớm hơn, chỉ trong 2 tháng.
Trước câu hỏi, hiện nay có nhiều biến thể mới, sản phẩm thuốc thử nghiệm Vipder Vir có đáp ứng được điều trị, PGS Huấn cho biết, các biến thể của virus chủ yếu biến thể protein ngang trên virus. Và bất kỳ biến thể nào chăng nữa cũng đi vào tế bào qua các thụ thể đặc trưng của các loại virus là thụ thể ACE2. Trong thuốc điều trị Covid-19 Vipder Vir cũng đã khóa thụ thể ACE2 nên biến thể của SARS-CoV-2 không ảnh hưởng gì tới tác dụng điều trị của thuốc.
Tuy nhiên, tác giả cũng cho biết thêm sẽ tiếp tục tiến hành thử nghiệm loại thuốc này trên những chủng virus khác.
Dự kiến sẽ có 260 đối tượng tham gia thử nghiệm bao gồm 60 người thử nghiệm giai đoạn 2 để dò liều vào 200 người thử nghiệm giai đoạn 3. Thử nghiệm sẽ đánh giá trên lâm sàng về khả năng giảm tải lượng virus và giảm triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ và vừa.
TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế nhấn mạnh, Bộ Y tế đang chỉ đạo các đơn vị thúc đẩy nhanh nghiên cứu. “Nếu kết quả thử nghiệm lâm sàng cho kết quả tốt, đây sẽ là thuốc điều trị Covid-19 hữu hiệu phục vụ cho người bệnh đặc biệt F0 thể nhẹ và vừa, giảm áp lực quá tải của cơ sở điều trị”, ông Quang nói.
Tuy nhiên, ông Quang cũng nhấn mạnh, việc giảm tải lượng virus ở đối tượng mắc Covid-19 thể vừa và thể nhẹ rất được quan tâm, để làm sao đưa thể vừa về thể nhẹ, đưa thể nhẹ về không có triệu chứng. Tuy nhiên, đối tượng bệnh nhân thể vừa ở đây phải là những người không có tổn thương ở phổi.
PSG, TS Lê Quang Huấn nhấn mạnh, sản phẩm thuốc thử nghiệm Vipder Vir được nghiên cứu một cách nghiêm túc từ nghiên cứu cơ bản trải qua các bước nghiên cứu bài bản, thận trọng đánh giá về tính an toàn, độ ổn định tới khả năng ức chế tăng sinh của virus cúm A/H5N1 và virus SARS-CoV-2. “Chúng tôi hy vọng thuốc sẽ có đáp ứng tốt trong quá trình thử nghiệm và được cấp phép để góp phần phòng và điều trị bệnh Covid-19”, cha đẻ của thuốc Vipder Vir bày tỏ.
THIÊN LAM
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo