Tái nhiễm nCoV quá mới, còn nhiều bí ẩn

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết còn nhiều bí ẩn về miễn dịch nCoV, một vài ca tái nhiễm chưa đủ để tìm lời giải đáp.

- Cơ sở nào để xác định bệnh nhân tái nhiễm nCoV?

- Tái nhiễm là trạng thái một bệnh nhân đã khỏi hẳn bệnh, sau đó một thời gian nhiễm bệnh đó lần thứ hai.

Tái nhiễm thường bị nhầm lẫn với tái dương tính, trong khi đây là hai khái niêm riêng biệt. Tái dương tính là trạng thái một bệnh nhân đang trong quá trình tiến triển của bệnh, đã có những giai đoạn xét nghiệm âm tính, sau đó lại dương tính.

Có nhiều phương pháp để chẩn đoán nhiễm nCoV, trong đó nuôi cấy virus là phương pháp có giá trị khẳng định chẩn đoán cao nhất nhưng rất khó thực hiện, tỷ lệ thành công thấp và thường cho kết quả rất muộn. Vì vậy, chuyên gia sử dụng xét nghiệm PCR nhằm tìm ra chất liệu di truyền (ARN) của virus, từ đó xác định bệnh nhân mắc Covid-19.

Ở những người mới bị bệnh hoặc đang hồi phục, nồng độ virus thấp hoặc chỉ quanh ngưỡng phát hiện, khiến kết quả xét nghiệm âm và dương tính xen kẽ. Trong những trường hợp đó, bệnh viện phải chỉ định làm nhiều lần xét nghiệm, phối hợp các phương pháp khác như: xét nghiệm kháng nguyên, kháng thể, nuôi cấy virus... tổng hợp cùng các yếu tố lâm sàng và dịch tễ, để khẳng định bệnh nhân chưa khỏi hay đã khỏi bệnh.

Xét nghiệm PCR chỉ xác định được mảnh ARN. Những trường hợp khỏi bệnh, virus chết rồi, nhưng còn những mảnh "xác" tồn lưu trong mô và bệnh phẩm lấy được nên xét nghiệm vẫn cho kết quả dương tính. Đây được coi là trường hợp tái dương tính.

Cơ sở chắc chắn nhất để khẳng định một bệnh nhân tái nhiễm virus là khi người đó đã đủ tiêu chuẩn xác định khỏi bệnh, một thời gian dài sạch virus, sau đó bị nhiễm lại và nuôi cấy virus phát triển. Tức là ở lần nhiễm sau, bệnh nhân đó mang virus sống chứ không phải mảnh ARN.

Xét nghiệm Covid-19 ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Ảnh: Văn Phong.
Xét nghiệm Covid-19 ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Ảnh: Văn Phong.

- Với người khỏi bệnh, cơ thể đã sinh miễn dịch, tại sao lại bị tái nhiễm?

- Đúng là cơ thể thường sinh ra kháng thể với virus sau khi khỏi bệnh. Tuy nhiên kháng thể đó có bảo vệ cơ thể lâu dài hay không còn phụ thuộc vào loại virus và cá thể người bệnh.

Có loại kháng thể suốt đời như sởi, đậu mùa, quai bị. Có loại kháng thể trong thời gian ngắn hơn, hoặc thậm chí rất ngắn như cúm. Thậm chí có loại kháng thể không thể diệt sạch virus như viêm gan C, HIV...

Với loại bệnh sinh miễn dịch lâu bền, người ta sẽ không mắc bệnh lại hoặc mắc bệnh nhẹ hơn. Với loại tạo miễn dịch yếu và ngắn, các lần mắc bệnh sau cũng nặng/nhẹ không khác gì lần đầu. Cá biệt, có loại bệnh như sốt xuất huyết, khi tái nhiễm một chủng khác, phản ứng miễn dịch quá mức làm tình trạng nặng lên rất nhiều.

Thế giới ghi nhận ba trường hợp tái nhiễm, hiện chưa có nghiên cứu nào về hiện tượng này. Một số nhà khoa học ở Hà Lan đã xem xét các chủng virus corona thường gây bệnh cảm lạnh, họ hàng gần với nCoV trong nhiều năm. Họ nhận thấy cơ thể sinh kháng thể sau mỗi lần nhiễm bệnh nhưng các kháng thể này thường suy giảm sau vài tháng. Người bệnh tái nhiễm cảm lạnh hàng năm. Họ kết luận các chủng virus corona đó tạo miễn dịch không bền.

Liệu virus gây bệnh Covid-19 có tái nhiễm nhanh chóng như các họ hàng của chúng hay không? Chưa có câu trả lời.

Những người tái dương tính Covid-19 có một số đặc điểm miễn dịch khác những ca thông thường, nhưng cũng chưa biết liệu họ có nguy cơ tái nhiễm cao hơn hay không.

- Nguy cơ lây nhiễm nCoV từ người tái nhiễm như thế nào?

- Hiện mới chỉ ghi nhận một vài ca tái nhiễm, chúng ta chưa có dữ liệu, nên chưa biết được nguy cơ lây lan, diễn biến bệnh cũng như điều trị sẽ khác lần đầu như thế nào. Nếu có ca tái nhiễm, thầy thuốc sẽ căn cứ trên diễn biến cụ thể từng bệnh nhân để đưa ra phương án điều trị phù hợp.

Chi Lê

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Y học thường thức - 19/03/2024

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Nguy kịch tính mạng do điều trị basedow sai cách

Nguy kịch tính mạng do điều trị basedow sai cách

Y học thường thức - 10/03/2024

Nguy kịch tính mạng do điều trị basedow sai cách

Nổi mày đay có phải do suy giảm chức năng gan?

Nổi mày đay có phải do suy giảm chức năng gan?

Y học thường thức - 04/03/2024

Nổi mày đay có phải do suy giảm chức năng gan?

9 điều cần nhớ khi người thân đột quỵ não

9 điều cần nhớ khi người thân đột quỵ não

Y học thường thức - 28/02/2024

9 điều cần nhớ khi người thân đột quỵ não

Tránh biến chứng bàn chân ở người mắc tiểu đường

Tránh biến chứng bàn chân ở người mắc tiểu đường

Y học thường thức - 26/02/2024

Tránh biến chứng bàn chân ở người mắc tiểu đường

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới