Thừa cholesterol nguy hiểm thế nào?
Cholesterol là một chất béo quan trọng, cần thiết cho hoạt động của cơ thể. Tuy nhiên, nếu hàm lượng cholesterol trong máu vượt quá ngưỡng cần thiết sẽ làm lắng đọng các mảng lipid, tích tụ lâu ngày sẽ hình thành các mảng xơ vữa động mạch ở thành mạch máu dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong như các bệnh tim mạch.
Hai nguồn sản sinh cholesterol cho cơ thể là nội sinh (do gan tự tổng hợp) và ngoại sinh (đến từ các thực phẩm). Trong đó, nguồn ngoại sinh hầu như là nơi khởi phát chính của tình trạng thừa cholesterol.
Tỷ lệ người Việt thừa cholesterol ở mức cao, đáng báo động, có xu hướng gia tăng. Kết quả điều tra Quốc gia, yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2015, cứ 10 người trưởng thành thì có ba người thừa cholesterol. Hơn một nửa phụ nữ độ tuổi 50-65 bị thừa cholesterol.
Tiến sĩ Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, ngày 16/10 cho biết có 5 nhóm nguyên nhân chính gây ra tình trạng thừa cholesterol. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu đến từ lối sống và chế độ ăn uống. Cụ thể, ăn thực phẩm chứa nhiều cholesterol nguồn gốc từ động vật như thịt bò, mỡ bò, thịt lợn, mỡ lợn, thịt cừu, thịt gia cầm béo (vịt, ngỗng nuôi công nghiệp) và nội tạng động vật. Uống nhiều rượu, bia và các thức uống có ga cũng sẽ làm tăng cholesterol xấu.
Người Việt ăn ít rau, ít cá, nhiều thịt, thừa muối... Lối sống không khoa học, lành mạnh như lười tập thể dục và ít tham gia các hoạt động thể chất, không kiểm soát cân nặng, hút thuốc... làm tăng lượng cholesterol xấu. Điều này gây ra tình trạng xơ vữa động mạch, nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Những người mắc các bệnh lý nền như huyết áp cao, tiểu đường, có mức cholesterol cao hơn bình thường.
Một số yếu tố khiến mức cholesterol cao không thể thay đổi được như tiền sử người trong gia đình bị bệnh tim...
Các chuyên gia khuyên để hạn chế tình trạng thừa cholesterol, cần hạn chế ăn, uống các thực phẩm chứa nhiều cholesterol. Thực hiện lối sống khoa học, tăng cường các hoạt động thể chất như tập thể dục thường xuyên (đi bộ, đạp xe, bơi lội...). Không hút thuốc, hạn chế rượu bia, duy trì cân nặng hợp lý. Nồng độ cholesterol máu cao thường không biểu hiện triệu chứng, do đó nên kiểm tra định kỳ, ít nhất 6 tháng một lần.
Bộ Y tế đang triển khai các chương trình hành động mục tiêu khống chế tốc độ gia tăng, giảm tỷ lệ người thừa cholesterol ở Việt Nam. Ngành y tế tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự nhận thức và điều chỉnh thói quen ăn uống, lối sống để kiểm soát tình trạng thừa cholesterol.
Lê Nga
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo