Tranh cãi về nguồn gốc nCoV
Nguồn gốc của nCoV dường như đã được xác định trên truyền thông quốc tế: Vào cuối năm 2019, một người nào đó tại chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán đã bị nhiễm virus từ động vật hoang dã.
Phần còn lại là câu chuyện khủng khiếp đang được viết tiếp khi Covid-19 tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, đến nay khiến gần 2,2 triệu người nhiễm và hơn 145.000 người chết.
Hình ảnh những con tê tê bị nhốt trong chuồng được đăng tải rộng khắp trên các bản tin, bởi loài động vật này được cho là nguồn chứa virus trước khi lây nhiễm sang người.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khía cạnh chưa sáng tỏ về nguồn gốc của Covid-19 mà các nhà khoa học đang tìm cách làm rõ, trong đó có câu hỏi loài vật nào đã truyền virus sang người. Họ đang nỗ lực hết sức bởi việc biết bệnh dịch khởi phát như thế nào sẽ là chìa khóa giúp ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai.
Giáo sư Stephen Turner, trưởng khoa vi sinh tại Đại học Monash ở Melbourne, Australia, cho rằng nhiều khả năng virus bắt nguồn từ loài dơi. Nhưng ông lưu ý giả thuyết virus xuất hiện ở chợ động vật Vũ Hán rồi lây sang người "chưa được kết luận".
Theo ông, virus giống như nCoV đã tồn tại trong thế giới động vật từ rất lâu. Việc một con hổ ở vườn thú New York nhiễm virus cho thấy cách mà nCoV có thể lây truyền giữa các loài khác nhau. "Hiểu rõ virus có khả năng lây nhiễm rộng đến đâu rất quan trọng vì nó sẽ giúp thu hẹp nơi chúng bắt nguồn", giáo sư Turner nói.
Các nhà khoa học nhận định khả năng cao là virus bắt nguồn từ loài dơi nhưng đã truyền qua một loài động vật trung gian trước, giống như cách chủng virus corona gây ra đại dịch SARS năm 2002 đã lây từ dơi móng ngựa sang mèo cầy rồi mới truyền cho người.
Nhiều người suy đoán tê tê chính là vật chủ trung gian giữa dơi và người. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế cho biết chúng là "loài động vật có vú bị buôn bán bất hợp pháp nhiều nhất trên thế giới", được đánh giá cao về chất lượng thịt và các đặc tính dược học của vảy.
Tạp chí Nature đưa tin tê tê không nằm trong danh sách những mặt hàng tươi sống được bán ở chợ Hoa Nam Vũ Hán, song các chủ cửa hàng hoàn toàn có thể bán chui, bởi kinh doanh tê tê là bất hợp pháp.
"Chưa thể nói chắc tê tê là loài trung gian truyền virus", Turner cho hay. "Nó có thể truyền sang một loài động vật khác nào đó hoặc một nhóm động vật khác hay thậm chí truyền thẳng sang người và phát triển trong cơ thể người".
Giáo sư Edward Holmes từ Đại học Sydney là đồng tác giả một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature tìm hiểu nguồn gốc nCoV bằng cách xem xét bộ gene của nó. Ông nhấn mạnh rằng loài động vật đóng vai trò vật chủ trung gian truyền virus "chưa được xác định chắc chắn".
Một nghiên cứu thống kê chỉ ra một đặc tính của virus đã tiến hóa cho phép nó bám trên tế bào người. Tê tê có thể phát triển đặc tính này nhưng mèo, trâu, dê, cừu, bồ câu cũng có.
Một nghiên cứu khác lại loại trừ tê tê là vật chủ trung gian bởi các mẫu virus tương tự lấy từ tê tê thiếu một chuỗi acid amin được tìm thấy trong virus đang lây truyền ở người.
Theo nghiên cứu của Holmes, kịch bản người ở chợ hải sản Hoa Nam Vũ Hán bị lây sau khi tiếp xúc với loài động vật nhiễm virus chỉ là một khả năng về nguồn gốc của Covid-19. Một khả năng khác là phiên bản đời sau của virus đã lây sang người rồi từ từ thích nghi để lây truyền giữa người với người.
Phân tích được đăng trên tạp chí y khoa Lancet về 41 bệnh nhân đầu tiên nhiễm nCoV cho thấy 27 người trong số họ đã có những tiếp xúc trực tiếp ở chợ hải sản Hoa Nam Vũ Hán, nhưng ca nhiễm đầu tiên lại không đến chợ trong thời gian dài. Đây là một lý do khác để nghi ngờ giả thuyết ban đầu liên quan đến nguồn gốc nCoV.
Giáo sư Stanley Perlman, nhà miễn dịch học hàng đầu tại Đại học Iowa, cho biết ý tưởng virus khởi nguồn từ chợ Vũ Hán "không thể bị loại trừ" nhưng khả năng này "dường như ít có thể xảy ra" dựa trên vật liệu di truyền của virus được tìm thấy trong môi trường chợ.
Perlman tin có một loài động vật trung gian truyền virus sang người. Ông lưu ý tê tê là ứng viên tiềm năng nhưng "chưa được chứng minh là loài trung gian chính".
"Tôi ngờ rằng virus nhiều khả năng đã tiến hóa trên loài vật trung gian. Virus không có thay đổi đáng kể nào trong ba tháng đại dịch diễn ra, cho thấy nó đã thích ứng tốt với cơ thể con người từ trước", Perlman nói.
Theo giáo sư Michelle Baker, nhà miễn dịch học tại Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO), "nhiều khả năng" virus bắt nguồn từ dơi. "Đây là kịch bản dễ xảy ra nhưng chúng ta sẽ không bao giờ biết chắc. Chợ hải sản Hoa Nam Vũ Hán được dọn sạch khá nhanh. Chúng ta chỉ có thể suy đoán", bà nói.
"Các chợ tươi sống được xác định là một vấn đề bởi bạn có thể tiếp xúc với nhiều loài vật khác nhau ở đó", Baker nhận xét. "Đây là cơ hội để nêu bật lên những nguy cơ từ các khu chợ như vậy và loại bỏ chúng".
"Chúng ta đã tìm thấy tổ tiên của virus, nhưng có kiến thức rộng hơn về nCoV ở những loài khác có thể mang đến cho chúng ta manh mối về cách nó tiến hóa và lây nhiễm sang người", giáo sư Turner nhấn mạnh.'
Vũ Hoàng (Theo Guardian)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo