Vaccine Covid-19 không phải ‘phép màu'
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế công cộng chia sẻ nỗi lo mới: kỳ vọng vào vaccine của cộng đồng có thể quá cao. Các chính trị gia và hãng dược quốc tế lần lượt bày tỏ sự tự tin vào sản phẩm, khiến nhiều người có niềm tin không thực tế. Những lời hứa hẹn thậm chí châm ngòi cho các chiến lược ngắn hạn, thiển cận.
Đến nay, hai loại vaccine đã bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, kỷ lục được các quan chức y tế hàng đầu gọi với tên "lịch sử" hay "huyền thoại". Trước buổi điều trần của Quốc hội Mỹ hồi tháng 7, Moderna, đơn vị dẫn đầu cuộc đua vaccine, tuyên bố sẽ sớm ra mắt liều tiêm đầu tiên vào tháng 10, hoặc chậm nhất là cuối năm.
Lời khẳng định tô hồng thêm niềm mong đợi của công chúng. Nhiều người Mỹ bắt đầu có tư tưởng chỉ cần gắng gượng thêm vài tháng nữa, đến khi vaccine hoàn tất, đại dịch sẽ nhanh chóng chấm dứt và tất cả đều có thể cởi bỏ khẩu trang.
Song 8 tháng trôi qua, các chuyên gia học được bài học đắt giá, rằng rất nhiều kịch bản lý tưởng sẽ không thành hiện thực. Dù nhận sự tin tưởng rộng rãi, chương trình chủng ngừa Covid-19 còn cách vạch đích một quãng đường dài.
"Đối với tôi, vaccine không phải là nút ‘bật' - ‘tắt’ căn bệnh, hay công tắc giúp cuộc sống của người dân quay trở lại thời kỳ tiền đại dịch", Yonatan Grad, giáo sư trợ lý về các bệnh truyền nhiễm và miễn dịch, Đại học Harvard T.H, Trường Y tế Công cộng Chan, nhận định.
Nhiều chuyên gia cho rằng vaccine ra mắt sẽ là sự khởi đầu, không phải kết thúc. Cung cấp các liều tiêm đến toàn bộ người dân Mỹ và nhiều nước trên thế giới sẽ tạo áp lực lớn lên mạng lưới phân phối. Quá trình này cũng có thể tốn đến nhiều tháng, thậm chí vài năm.
Những người đầu tiên chủng ngừa khi vaccine vừa ra mắt cũng chưa được bảo vệ khỏi mầm bệnh ngay lập tức. Mất hàng tuần để hệ miễn dịch huy động đầy đủ kháng thể tấn công virus. Nhiều loại vaccine cần tiêm hai mũi nhằm tăng hiệu quả.
Miễn dịch đôi khi chỉ tồn tại thời gian ngắn, đòi hỏi tiêm bổ sung hoặc nhắc lại. Điều này tiếp tục khiến chuỗi cung ứng quá tải, người dân vẫn phải đeo khẩu trang sau khi đã chủng ngừa.
Nhiều viễn cảnh tiêu cực khác cũng có thể xảy ra. Vài trường hợp, vaccine kém hiệu quả trên một nhóm đối tượng cụ thể, hoặc công dân không muốn tham gia tiêm chủng, hay nguồn cung sản phẩm không đủ để phân phối khắp nơi. Rất có khả năng sau khi giới chức phê duyệt vaccine, nhiều người vẫn nhiễm bệnh. Điều này tạo ấn tượng xấu và sai lầm, rằng các liều tiêm không hề có hiệu quả - điều kiện tuyên truyền lý tưởng cho các hội anti-vax cực đoan.
Trong quan niệm phổ biến, vaccine được coi là "viên đạn bạc". Song các sản phẩm mới cần nhiều thời gian hơn để hoàn toàn phát huy tác dụng diệt trừ mầm bệnh. Chuyên gia y tế lo ngại cộng đồng sẽ thất vọng, thậm chí xói mòn niềm tin khi thấy loại vaccine đầu tiên được phê duyệt không cho hiệu quả 100%.
Phát triển vaccine được coi như cuộc đua, với một vài quốc gia hoặc hãng dược dẫn đầu. Công chúng nói chung ngầm trông đợi một "kẻ về nhất". Nhưng thực tế, loại vaccine ra mắt đầu tiên chưa chắc đã tối ưu. Đây cũng không phải dấu chấm hết cho cuộc đua. Quá trình thử nghiệm và phát triển có thể kéo dài nhiều năm liền.
"Kịch bản có lẽ sẽ giống với dịch HIV/AIDS. Chúng ta đã có các loại thuốc thế hệ đầu, song giờ nhìn lại, chúng khá tầm thường. Tôi không muốn nói, và nhiều người cũng chẳng muốn nghe về điều này, nhưng ta cần chuẩn bị tâm lý rằng vaccine đầu tiên có thể không quá hiệu quả", Michael S. Kinch, chuyên gia nghiên cứu về thuốc, Đại học Washington ở St. Louis, cho biết.
Nhiều người trông đợi vaccine Covid-19 sẽ giống với liều tiêm chủng bại liệt, được coi là phát minh thay đổi vận mệnh của nhân loại. Song bối cảnh lịch sử của hai dịch bệnh vô cùng khác nhau. Vào những năm 1955, người dân Mỹ hay nhiều khu vực trên thế giới có niềm tin tưởng tuyệt đối vào khoa học và y học. Như vậy, tỷ lệ tự nguyện chủng ngừa cũng cao hơn. Đối với vaccine Covid-19, chỉ một nhược điểm nhỏ như thông tin sai lệch, tác dụng phụ, ứng viên tiềm năng nhất thất bại thử nghiệm cũng có thể bị phóng đại, trở thành cái cớ hợp lý để các nhóm hội cực đoan lên tiếng tẩy chay.
Hôm 1/8, Tiến sĩ Anthony S. Fauci, một lần nữa cho biết ông đang lạc quan một cách thận trọng rằng thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba trên 30.000 tình nguyện viên sẽ thành công. Tuy nhiên, người đứng đầu Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia không nhắc đến khả năng vaccine thất bại.
"Điều gì xảy ra nếu tất cả ứng viên không vượt qua thử nghiệm giai đoạn ba, chẳng nhẽ mọi người sẽ bỏ cuộc? Tôi rất lo ngại khi thấy cộng đồng kỳ vọng rằng vaccine sẽ thay đổi mọi thứ. Nhưng giống bất cứ liệu pháp nào, chúng không hề tuyệt đối. Chúng vẫn có thể thất bại", Angela Rasmussen, chuyên gia virus Đại học Columbia, nói.
Tất cả các loại vaccine đã phê duyệt đều được coi là an toàn và hiệu quả, nhưng tỷ lệ khác nhau. Đến nay, vaccine sởi có mức độ bảo vệ cao nhất, tới 98%. Tiêm phòng cúm có tác dụng khoảng 40-60%. Một số loại vaccine hoạt động kém hơn ở nhóm cụ thể, ví dụ người già.
Các cơ quan quản lý ở Mỹ yêu cầu vaccine Covid-19 hiệu quả ít nhất 50% trên một người dùng. Tuy nhiên, nếu "ứng viên" chỉ đạt vừa đủ tiêu chuẩn, có thể nó sẽ không đủ mạnh để tạo miễn dịch cộng đồng.
"Dù vậy khả năng truyền bệnh đã suy yếu đáng kể. Vaccine làm giảm nguy cơ lây nhiễm, chứ không loại bỏ nó. Nhưng 50% vẫn tốt hơn nhiều so với không phần trăm", Walter Orenstein, phó giám đốc Trung tâm vaccine Emory, nhận định.
Định nghĩa về một loại vaccine hiệu quả giữa các chuyên gia cũng có sự khác biệt. Mục tiêu cuối cùng vẫn là ngăn ngừa nhiễm bệnh hoàn toàn, song đây không phải khái niệm tuyệt đối khi nói đến một sản phẩm thành công. Mũi tiêm còn có thể giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng người bệnh gặp phải. Vaccine lý tưởng nhất làm được cả hai điều trên.
Cuộc đua tìm cách ngăn ngừa Covid-19 có nhiều dấu hiệu khả quan, đủ khiến các nhà khoa học tin rằng thành công đang ở phía trước. Song một số chuyên gia khẳng định nếu biến vaccine thành công cụ duy nhất, một "viên đạn bạc" giải cứu nhân loại, các nước có thể buông lỏng những chiến lược cần thiết khác như điều trị, xét nghiệm hay truy vết tiếp xúc.
Thục Linh (Theo Washington Post)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo