Vì sao bệnh nhân 'âm tính giả' khi xét nghiệm kháng thể?
Ngày 6/8, một nhân viên xe buýt ở Hà Nội được Bộ Y tế ghi nhận là "bệnh nhân 714". Người này từ Đà Nẵng về và trước đó, khi xét nghiệm kháng thể kết quả âm tính.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nghiêm Luật, Nguyên Trưởng Khoa Hóa sinh, Đại học Y Hà Nội, chuyên gia về xét nghiệm, cho biết các loại xét nghiệm Covid-19 hiện nay gồm hai loại. Thứ nhất là xét nghiệm phân tử, phản ứng chuỗi polymerase sao chép ngược thời gian thực, gọi là xét nghiệm RT-PCR. Xét nghiệm RT-PCR được thực hiện trên các mẫu bệnh phẩm đường hô hấp, giúp phát hiện RNA của nCoV, được coi là xét nghiệm chẩn đoán chính xác nhất ca nhiễm nCoV hiện nay.
Thứ hai là xét nghiệm kháng thể (huyết thanh học) hay gọi là xét nghiệm nhanh, được sử dụng cả cho chẩn đoán và giám sát cộng đồng dân cư. Xét nghiệm kháng thể được thực hiện bằng cách lấy một mẫu máu để tìm các kháng thể IgM và IgG chống lại Covid-19.
"Xét nghiệm kháng thể (huyết thanh học) là xét nghiệm để phát hiện phản ứng miễn dịch của cơ thể người đối với Covid-19, không phải xét nghiệm phát hiện nCoV", ông Luật nói.
Ông phân tích, một phần của phản ứng miễn dịch cơ thể đối với nhiễm nCoV là sự tổng hợp các kháng thể IgM và IgG. Các kháng thể IgM đối với Covid-19 thường có thể phát hiện được trong máu vài ngày sau khi bị nhiễm. Kháng thể IgG có thể được phát hiện muộn hơn.
Vì thời gian ủ bệnh trung bình của bệnh nhân Covid-19 khoảng 5,1 ngày, IgM có thể được phát hiện lần đầu trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng. Cũng vì vậy, chỉ nên sử dụng xét nghiệm kháng thể khi các triệu chứng xuất hiện ít nhất 3 ngày.
Ngoài ra, xét nghiệm kháng thể trong Covid-19 không xác nhận sự hiện diện của nCoV trong cơ thể, chúng chỉ cho biết bệnh nhân đang hoặc đã từng bị nhiễm bệnh. Do đó, xét nghiệm này chỉ nên được sử dụng để sàng lọc và sử dụng cùng với xét nghiệm phân tử RT-PCR để xác định tình trạng bệnh một cách toàn diện.
"Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi nhiều trường hợp sau khi xét nghiệm kháng thể cho kết quả âm tính, sau đó xét nghiệm lại bằng RT-PCR cho kết quả dương tính", ông Luật nói.
Tuy nhiên, ông Luật cho biết, xét nghiệm phân tử RT-PCR là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán Covid-19 nhưng lại không cho biết một người có miễn dịch với nhiễm nCoV trong quá khứ hay chưa bị phơi nhiễm. Kết hợp giữa xét nghiệm phân tử RT-PCR và xét nghiệm kháng thể có thể cho biết sự tiến triển qua các giai đoạn của bệnh một cách cụ thể hơn.
Về độ nhạy và độ đặc hiệu của xét nghiệm kháng thể, theo Trường Đại học Johns Hopkins, Mỹ, tùy thuộc vào loại và thời điểm xét nghiệm. Độ nhạy và độ đặc hiệu của xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 đối với IgM và IgG trên 90%.
Chuyên gia khuyên với những người có tiền sử dịch tễ đi từ Đà Nẵng về, đã xét nghiệm kháng thể cho kết quả âm tính, vẫn cần thực hiện cách ly 14 ngày để đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Thúy Quỳnh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo