'10 ngày kinh hoàng' với bác sĩ và bệnh nhân phi công

Theo VnExpress 03:46 25/06/2020 - Y tế 24h
Ngày nào cũng có những bất thường, biến chứng dồn dập, không lọc máu cũng chết mà lọc máu cũng dễ chết, tình trạng hồi tháng 3 quả thực kinh hoàng cho bệnh nhân và y bác sĩ.

Hồi tưởng này được bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, chia sẻ tuần này, khi sức khỏe của "bệnh nhân 91" khá lên trông thấy. 

"Tháng 3, tháng 4 là những ngày không thể nào quên trong đời làm bác sĩ của chúng tôi", ông nói vẫn nhớ như in 65 ngày chiến đấu đến kiệt sức cứu phi công người Anh. Ông và các đồng nghiệp vừa giành giật với tử thần bên giường bệnh, vừa ngày đêm đọc y văn thế giới để tìm phương thuốc. 

Phi công 43 tuổi, làm việc cho Vietnam Airlines, ngày 18/3 chủ động vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trong tình trạng sốt nhẹ, xét nghiệm nhiễm nCoV. Thời điểm ấy, Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, song cả thế giới vẫn chưa hiểu nhiều về dịch tễ cũng như điều trị bệnh mới. 

Bước đầu điều trị, các bác sĩ phát hiện cơ địa bệnh nhân rất nhạy cảm, dễ dị ứng với các loại thuốc, tải lượng virus nCoV cao bất thường. Ngay lúc ấy, bác sĩ đã tiên lượng tình trạng bệnh nhân sẽ diễn biến rất nặng, dễ xảy ra biến chứng trong giai đoạn toàn phát.

Đúng như dự đoán, sau tuần đầu khởi phát bệnh, ngày 25/3, bệnh nhân suy hô hấp nặng, phải trợ thở oxy qua mặt nạ. Từ đó, bệnh nhân liên tục rơi vào tình trạng nguy kịch. 

"Ngày nào bệnh nhân cũng có những bất thường. Cao trào nhất là 10 ngày sau khi mở nội khí quản, can thiệp máy ECMO. Biến chứng dồn dập. Quả thực đây là giai đoạn rất kinh hoàng, với cả bệnh nhân và y bác sĩ", bác sĩ Trường nhớ lại.

65 ngày điều trị ở Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP HCM đóng vai trò tiên quyết trong hành trình hồi phục kỳ diệu của bệnh nhân phi công. Ảnh chụp tại Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 22/6: Hữu Khoa
65 ngày điều trị ở Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP HCM đóng vai trò tiên quyết trong hành trình hồi phục kỳ diệu của bệnh nhân phi công. Ảnh chụp tại Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 22/6: Hữu Khoa

10 ngày giằng co 

Phổi bệnh nhân bị nCoV tấn công mạnh gây viêm. Trong khi đó hệ miễn dịch lại phản ứng thái quá, không tiêu diệt virus mà lại tiết ra quá nhiều chất cytokine chống lại chính cơ thể, ảnh hưởng các phủ tạng, khiến phổi suy kiệt.  

Với tình thế này, các bác sĩ hội chẩn, buộc phải cho bệnh nhân sử dụng máy ECMO. Đây là hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể, hoạt động như tim phổi nhân tạo, tạo điều kiện cho phổi tạm nghỉ, giảm áp lực cung cấp oxy toàn cơ thể.

Tuy nhiên, khi can thiệp ECMO, một biến chứng không lường trước được đã xảy ra. Máu trong màng lọc trở nên đông đặc. Các bác sĩ gấp rút tiến hành xét nghiệm, phát hiện bệnh nhân dị ứng với Heparin, gây rối loạn đông máu nặng.

Biết được tác nhân gây dị ứng, các bác sĩ ngưng sử dụng Heparin, đồng thời thay gấp màng lọc. Trong lúc đó, thông tin được gửi lên các nhóm chuyên gia bao gồm nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đầu ngành thuộc các bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Chợ Rẫy, tiểu ban điều trị của Bộ Y tế, hội chẩn. 

"Sự sống bệnh nhân như 'nến thắp trước gió', phổi đông đặc gần như hoàn toàn. Nếu ngưng ECMO thì bệnh nhân tử vong, nhưng chạy máy mà không có thuốc chống đông thì nguy cơ chảy máu, cao, đe dọa tính mạng. Lựa chọn duy nhất là thay thuốc chống đông mới phù hợp với thể trạng bệnh nhân", bác sĩ Trường cho biết.

Các bác sĩ phải đọc tài liệu y văn thế giới cả ngày lẫn đêm mới tìm ra loại thuốc kháng đông bằng tĩnh mạch khác có thể thay Heparin. Tuy nhiên, loại thuốc này phải nhập khẩu từ Đức, không có sẵn trên thị trường và chưa từng sử dụng tại Việt Nam. Khoa Dược bệnh viện liên hệ khắp nơi mới tìm được nguồn cung cấp, báo cáo lên Bộ Y tế, xin được trợ giúp nhập khẩu khẩn cấp. Song phải mất ít nhất 10 ngày thuốc mới về tới nơi. 

Trong 10 ngày chờ thuốc, các bác sĩ tìm mọi cách duy trì sự sống cho bệnh nhân. Các bác sĩ vừa làm vừa mày mò, tìm thêm được loại thuốc chống đông bằng đường uống Xarelto, có thể tạm ngăn cản quá trình đông máu. Rất may là bệnh nhân đáp ứng thuốc suốt 7 ngày đầu tiên. Đến ngày thứ 8, dấu hiệu đông máu xuất hiện trở lại, cầm cự cố đến ngày thứ 10. Thuốc về, bệnh nhân được sử dụng ngay và dần ổn định. 

Theo bác sĩ Trường, giai đoạn này bệnh nhân được đánh giá là nặng nhất khi các biến chứng liên hoàn xảy ra, như xuất huyết, nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng máu, tràn khí màng phổi... "Biệt đội Covid" được thành lập gồm 20 bác sĩ, điều dưỡng túc trực ngày đêm, cứ bệnh nhân có dấu hiệu xấu là lập tức hồi sức ngay. Tất cả các kỹ thuật hồi sức đều áp dụng mới cứu được bệnh nhân.

Đến khi giai đoạn toàn phát Covid-19 kết thúc, tải lượng nCoV trong cơ thể âm tính, bệnh nhân bước sang giai đoạn phục hồi, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM mới "hoàn thành sứ mệnh", chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị nội khoa các biến chứng. 

Tổng cộng trong thời gian 57 ngày can thiệp ECMO, bệnh nhân đã được thay 7 màng lọc. Bác sĩ cho rằng "số màng lọc đã thay nhiều chưa từng thấy với một bệnh nhân can thiệp ECMO".

"Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã nỗ lực hết mình, dốc toàn sức để điều trị cho bệnh nhân. Giờ chúng tôi đã kết thúc nhiệm vụ nhưng vẫn luôn theo dõi và mong bệnh nhân hồi phục thật tốt, sớm xuất viện", bác sĩ Trường nói. 

Thư Anh

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Y tế 24h - 28/11/2024

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Y tế 24h - 27/11/2024

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Y tế 24h - 25/11/2024

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Y tế 24h - 21/11/2024

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Y tế 24h - 19/11/2024

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới