Ba lần bệnh nhân phi công 'cân não' bác sĩ
Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức Tích cực, bác sĩ điều trị trực tiếp của bệnh nhân phi công Anh tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ cuộc chiến đưa bệnh nhân về từ cửa tử vô cùng gian nan. Hiện, bệnh nhân hồi phục kỳ diệu khi đáp ứng thuốc, sức khỏe tiến triển tốt. Bệnh nhân tỉnh táo, giao tiếp và vận động linh hoạt, có thể tự ăn qua đường miệng.
Để có được kết quả thần kỳ này, đội ngũ chuyên gia, y bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy đã trải qua một hành trình dài 31 ngày đầy cam go với thử thách nghề có một không hai. Chưa kể, trước đó là gần 60 ngày tham gia điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới - giai đoạn mắc Covid-19.
"Đây là cuộc chiến luôn căng thẳng mang tính sinh tử. Trong đó, có ba lần phải cân não để đưa ra những quyết định quan trọng, quyết định trực tiếp đến sinh mệnh người bệnh", bác sĩ Linh chia sẻ.
Lần thứ nhất là khi tiếp nhận, vận chuyển bệnh nhân từ bệnh viện Bệnh Nhiệt đới sang Chợ Rẫy để hồi sức, chuẩn bị ghép phổi.
Nhận nhiệm vụ đặc biệt này từ Tiểu ban Điều trị, Bộ Y tế, các bác sĩ Chợ Rẫy phải họp nhiều lần lên phương án tối ưu nhất để vận chuyển bệnh nhân an toàn cũng như điều trị hiệu quả.
Tại khoa Hồi sức tích cực (ICU), một phòng cách ly đặc biệt được chuẩn bị sẵn, đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối với các trang thiết bị y tế hiện đại nhất bệnh viện, dành riêng cho bệnh nhân phi công.
Khi ấy, sự sống của bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống máy ECMO (hệ thống oxy hóa máu ngoài cơ thể, hoạt động như tim phổi nhân tạo) và máy lọc máu. Vì vậy, quá trình vận chuyển bệnh nhân phải đảm bảo tuyệt đối hai máy này không được xảy ra sự cố.
Chiều 22/5, bác sĩ Linh và hai điều dưỡng chuyên môn giỏi lên xe cứu thương đã trang bị đầy đủ thiết bị, thuốc đặc hiệu, sang bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đón bệnh nhân. Quãng đường di chuyển không xa, khoảng 3 km, nhưng ai cũng thinh lặng, tập trung cao độ vào từng thông số trên màn hình monitor, theo dõi phản xạ dù nhỏ nhất của bệnh nhân.
Quá trình vận chuyển rất vất vả, bệnh nhân hôn mê, nặng 88 kg, kèm theo đó hệ thống máy ECMO nặng, cùng nhiều thiết bị cồng kềnh. Ê kíp cần sự trợ giúp bởi nhiều nhân viên y tế mới có thể đưa bệnh nhân lên xuống xe cứu thương. Đến khi bệnh nhân vào ICU an toàn, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, cả ê kip mới dám thở phào nhẹ nhõm.
Tuần đầu tiên điều trị, các bác sĩ cũng không ít phen rớt tim theo tình trạng bệnh nhân.
Nhiều lần trong ngày, nhịp tim bệnh nhân rớt liên tục từ 100 lần một phút xuống chỉ còn 50-60 lần, nguy cơ ngừng tim rất cao. "Mỗi lần như vậy, báo động đỏ khoa ICU lại được kích hoạt, đội ngũ y bác sĩ thực hiện mọi cách hồi sức cho bệnh nhân", bác sĩ Linh kể lại.
Trước tình hình này, các bác sĩ Chợ Rẫy đã hội chẩn, bàn bạc rất lâu và quyết định ngừng toàn bộ thuốc an thần, thuốc giãn cơ để đánh giá khả năng bệnh nhân có thể hồi tỉnh thần kinh sau hai tháng buộc dùng an thần liều cao hay không.
Nếu để bệnh nhân tiếp tục hôn mê lâu hơn, khả năng hồi phục càng thấp. Còn nếu dừng trợ thuốc, cơ thể bệnh nhân quá yếu, khi tự thở, nguy cơ vỡ phổi, tràn khí màng phổi rất dễ xảy ra.
May mắn, đêm 26/5, bệnh nhân có dấu hiệu hồi tỉnh, bác sĩ Linh và hai điều dưỡng chăm sóc trào nước mắt. Phần vì mừng cho bệnh nhân qua cơn mê, có cơ hội sống, phần vì quyết định cai thuốc an thần là đúng đắn.
Lần "cân não" thứ ba là quyết định cai ECMO. Trên đà hồi phục tốt của bệnh nhân, các bác sĩ hướng tới cai ECMO để phổi vận động, phục hồi chức năng. Tuy nhiên, bác sĩ Linh nói đây không phải là y lệnh được đưa ra dễ dàng: "Quyết định này thực sự đau đầu đối với chúng tôi. Nếu cai thất bại, việc đặt lại máy lần thứ hai là cực kỳ khó khăn. Bệnh nhân không còn mạch máu để đặt các ống mở khí quản (canuyn)".
Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro tối đa, các bác sĩ tiến hành điều chỉnh các thông số mỗi ngày một chút, khi bệnh nhân đáp ứng tốt mới dám ngắt máy ECMO hoàn toàn.
Ngoài ra, vì bệnh nhân mở nội khí quản hơn ba tháng nên việc vệ sinh, thay mới canuyn cũng rất quan trọng. Bệnh nhân diễn biến nặng, nhiều biến chứng, trợ thở hoàn toàn qua máy móc. Do đó, các bác sĩ phải thao tác thay rất nhanh, chuẩn xác, không được phép sai sót dù là nhỏ nhất.
May mắn là những quyết định can thiệp y khoa dũng cảm, đúng thời điểm của các bác sĩ đã kéo được bệnh nhân về từ cửa tử.
Giáo sư Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ Hội chẩn chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh Covid-19 diễn biến nặng, nguy kịch, chiều 22/6 đánh giá: "Trải qua 96 ngày điều trị, rất nhiều lần chúng ta hết hy vọng về bệnh nhân nhưng bằng trí tuệ tập thể, đặc biệt là sự cố gắng của đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, Chợ Rẫy, không chỉ cứu sống bệnh nhân mà còn là thể hiện tính nhân văn của Việt Nam trong chăm sóc sức khỏe bệnh nhân người nước ngoài".
Sự hồi phục của bệnh nhân phi công - bệnh nhân 91, 43 tuổi, được cả thế giới nhìn nhận là thần kỳ.
Thư Anh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ