5 ca ghép phổi thành công của Việt Nam
Trong số này, Bệnh viện Việt - Đức thực hiện 3 ca, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Quân y 103 mỗi viện một ca. Các cuộc phẫu thuật đều diễn ra tại Hà Nội.
Giáo sư Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức, cho biết để thực hiện ghép phổi các bác sĩ phải lựa chọn đánh giá tình trạng phổi của người cho, người nhận rất chặt chẽ. Sau ghép, việc chăm sóc để phổi ghép đủ khỏe, đủ chức năng cũng rất khó, bởi ngay khi được cắt ra phổi bị tổn thương nên nguy cơ nhiễm trùng cao hơn các tạng khác.
"Ghép phổi là kỹ thuật ghép tạng khó nhất", bác sĩ Trần Bình Giang cho biết.
Ghép phổi từ người hiến tặng còn sống
Ngày 21/2/2017, lần đầu tiên Việt Nam tiến hành ghép phổi từ người cho sống, do các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện.
Bệnh nhi 7 tuổi bị giãn phế quản bẩm sinh, suy hô hấp, được ghép cả hai lá phổi từ người hiến là bố và bác ruột. Mỗi người tặng bé một phần phổi của mình để tạo thành hai lá phổi cho con. Trong ca ghép này, tỷ lệ hòa hợp rất cao. Các bác sĩ cắt lấy thùy phổi dưới của người tặng để thay thế cả hai lá phổi cho trẻ. Cuộc mổ thành công sau 11 giờ.
Sau phẫu thuật, các chỉ số sinh tồn đều ổn định. Hiện tại sức khỏe bé hoàn toàn khỏe mạnh. Theo chuyên gia của Nhật, sau khi được ghép phổi, bé có thể sống đến 60, 70 thậm chí 80 tuổi.
Ghép phổi từ người hiến chết não
Ngày 26/2/2018, từ nguồn tạng hiến tặng của người đàn ông bị chết não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ghép hai phổi cứu sống bệnh nhân Trần Ngọc Hanh, 54 tuổi, bị bệnh phổi tắc nghẽn giai đoạn cuối. Đây là ca ghép phổi từ người cho chết não lần đầu tiên tại Việt Nam.
Trong vòng 8 giờ, 20 y bác sĩ tham gia ca ghép phổi với sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu về gây mê hồi sức và ghép phổi của Pháp, Bỉ. Ca phẫu thuật thành công.
Hậu phẫu, bệnh nhân Hanh cho biết sức khỏe phục hồi 70-80%, tự thở được, tập phục hồi chức năng. Hiện tại, anh khỏe hơn trước nhiều, có thể đi lại sinh hoạt bình thường.
Các chuyên gia nhận định, thông thường, nếu lấy tạng từ người còn sống, các bác sĩ chủ động miếng ghép, tính toán được trước các thông số, đo đạc phổi, làm vệ sinh... Người nhận tạng ít bị các biến chứng nhiễm khuẩn. Khi ghép tạng từ người chết não, bác sĩ hoàn toàn bị động trong quy trình chuẩn bị. Nguy cơ nhiễm trùng vì vậy cao hơn và quá trình kiểm tra không thể chắc chắn hoàn toàn.
Hai ca ghép đa tạng đặc biệt
Hai ca ghép đều do các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức thực hiện. Ca đầu tiên ngày 12/12/2018, từ hai phổi cùng trái tim, gan, hai quả thận của bệnh nhân chết não được ghép thành công cho 5 người.
Bệnh nhân được ghép hai phổi là thiếu niên Nguyễn Văn Đức, 17 tuổi, đang điều trị trong tình trạng gần như toàn bộ tổ chức phổi bị tiêu biến, không còn hoạt động. Nếu không được ghép phổi, bệnh nhân sẽ tử vong. Ca ghép phổi kết thúc sau 14 tiếng.
Gần một năm sau ghép, bệnh nhân được xuất viện, hiện đang sống khỏe mạnh tại quê nhà Hải Dương.
Tháng 8/2019, Bệnh viện Việt Đức thực hiện thành công đồng thời ghép hai phổi, tim, gan, hai quả thận của người hiến cho 5 bệnh nhân. Ca mổ lấy - ghép hai phổi diễn ra liên tục trong gần 15 giờ, là ca ghép hai phổi từ người cho chết não thứ hai tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và là ca thứ ba của Việt Nam.
Bệnh nhân nhận phổi là Ngô Văn Khương, 33 tuổi. Cuối năm 2019, bệnh nhân có thể tự làm được việc nhà như bơm nước rửa sân, tưới rau, chăm cây cối... Đặc biệt, anh còn lái được xe máy lần đầu tiên sau cả chục năm ốm đau.
Vừa sửa tim vừa ghép phổi
Ngày 25/12/2019, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức lần đầu tiên thực hiện thành công ca phẫu thuật sửa tim và ghép phổi đồng thời, từ nguồn tạng của thanh niên 19 tuổi chết não.
Nữ bệnh nhân 30 tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh giai đoạn cuối. Nếu không được ghép phổi, người bệnh sớm tử vong do suy chức năng tim - phổi. Các bác sĩ đánh giá kỹ lưỡng chức năng tim của bệnh nhân, chỉ phẫu thuật khi chắc chắn tim phục hồi sau đó và bệnh nhân có đủ sức khỏe để chịu đựng ca đại phẫu kéo dài.
Ca mổ ghép phổi diễn ra trong 12 giờ, thành công.
Đến tháng 2/2020, bệnh nhân có thể tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình, chủ động ăn uống, tắm rửa và tập luyện nhẹ nhàng trong nhà. Bệnh nhân chia sẻ: "Sức khỏe của tôi cải thiện hơn nhiều kể từ ngày xuất viện, tôi cảm thấy rất vui".
Thúy Quỳnh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Liệt nửa người sau mũi tiêm trị đau vai gáy ở phòng khám tư
Y tế 24h - 15/01/2025
Liệt nửa người sau mũi tiêm trị đau vai gáy ở phòng khám tư
Bình Thuận: Sau bữa cơm với cá nóc, 1 người tử vong, 4 người nhập viện
Y tế 24h - 07/01/2025
Bình Thuận: Sau bữa cơm với cá nóc, 1 người tử vong, 4 người nhập viện
Bộ Y tế bám sát thông tin về ca mắc virus gây viêm phổi tại Trung Quốc
Y tế 24h - 06/01/2025
Bộ Y tế bám sát thông tin về ca mắc virus gây viêm phổi tại Trung Quốc
Thêm nhiều bệnh nhân được hồi sinh từ tạng hiến vào ngày đầu năm mới
Y tế 24h - 03/01/2025
Thêm nhiều bệnh nhân được hồi sinh từ tạng hiến vào ngày đầu năm mới
Từ 1/1/2025, người dân có thêm tiện ích mua thuốc online trên VNeID
Y tế 24h - 02/01/2025
Từ 1/1/2025, người dân có thêm tiện ích mua thuốc online trên VNeID