8 giờ căng thẳng nối lại bàn tay bị đứt rời cho bé trai 21 tháng tuổi
Bé trai 21 tháng tuổi đứt rời bàn tay do tai nạn với máy dập cốc
Ngày 25/4, BV ĐH Y Hà Nội vừa thông tin về một bé trai (21 tháng tuổi, Bắc Ninh) được các bác sĩ phẫu thuật nối lại bàn tay bị đứt rời.
Bé trai được gia đình đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng bàn tay phải bị đứt rời do tai nạn xảy ra với máy dập nắp cốc tại quán của gia đình.
Ngay khi nhận được thông báo khẩn cấp từ Khoa Cấp cứu, Khoa Gây mê hồi sức và chống đau đã nhanh chóng thông báo với các bác sĩ ngoại khoa, cần ngừng những ca phẫu thuật cấp cứu có trì hoãn và ưu tiên cho cháu bé được mổ sớm nhất, nhằm đảm bảo thời gian phục hồi lại lưu thông mạch máu cho bệnh nhi.
Ca phẫu thuật kéo dài gần 8 giờ khâu nối phục hồi lại bàn tay bị đứt lìa với nhiều kỹ thuật rất phức tạp.
BS. Nguyễn Hợp Nhân, Đơn vị Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ cho biết: “Ở cháu bé này, để đảm bảo cấp máu tốt nhất cho cháu và các chức năng về sau này, chúng tôi đã quyết định nối 2 động mạch và 4 tĩnh mạch, gần như phục hồi toàn bộ mạch máu. Thần kinh cũng phục hồi nguyên trạng cả về thần kinh quay, trụ giữa”.
Ca nối chi đứt rời nhỏ tuổi nhất
Theo BS. Nhân, bệnh nhi này có thể được xem là trường hợp đứt lìa hoàn toàn bàn tay nhỏ tuổi nhất, ít được báo cáo trong y văn. Vi phẫu nối chi thể bị đứt lìa khá phức tạp, các thao tác nối lại rất khó, cần sự khéo léo, tập trung cao độ, phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm dày dặn về phẫu thuật vi phẫu.
TS. BS. Phạm Thị Việt Dung, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Công nghệ cao cho biết: “Bất kì cuộc phẫu thuật nối ghép nào cũng tiềm ẩn nguy cơ thất bại, sớm nhất là tắc mạch gây hoại tử bộ phận được nối ghép, trường hợp này, nguy cơ cao hơn do mạch máu nhỏ và tổn thương máy dập nhựa dễ gây bỏng và tổn thương lòng mạch. Tuy nhiên, khi bước vào ca phẫu thuật chúng tôi có niềm tin sẽ thành công”.
Chia sẻ thêm những khó khăn khi phẫu thuật nối chi đứt rời cho bệnh nhân nhỏ tuổi này, BS. Dung cho hay: Khó khăn thứ nhất là ca mổ kéo dài, kèm theo mất máu, mất dịch là một thách thức với ekip gây mê hồi sức, đòi hỏi phải xử lý chính xác, kịp thời và rất cẩn trọng ở trong toàn bộ quá trình phẫu thuật.
Thứ 2 là các mạch máu, thần kinh ở vùng này bình thường vốn đã nhỏ bé, cần phải nối dưới kính hiển vi phẫu thuật thì trong trường hợp này, các mạch máu, thần kinh còn nhỏ hơn rất nhiều.
Thứ 3 là các cấu trúc giải phẫu ở trẻ chưa ổn định, đang trong thời kỳ phát triển rất dễ bị ảnh hưởng sau này như gân, xương, sụn khớp… nên tất cả các thao tác đều rất cần sự tỉ mỉ và phải lựa chọn phương án sao cho hạn chế nhất sự ảnh hưởng này.
Thứ 4 là quá trình hậu phẫu cần sự bất động trong thời gian đầu và sau đó là tập phục hồi chức năng rất cần sự phối hợp của bệnh nhân thì lại không dễ dàng thực hiện ở trẻ nhỏ.
“Bệnh nhi mất máu nhiều trước đó, tiên lượng thời gian phẫu thuật dài và lượng máu mất trong ca mổ lớn cũng nên chúng tôi đã cho lĩnh máu và truyền cho cháu ngay từ sớm. Trong quá trình gây mê và phẫu thuật thường làm tụt nhiệt độ trẻ rất nhanh, do đó chúng tôi rất chú trọng việc theo dõi nhiệt độ và ủ ấm cho cháu trong và sau phẫu thuật”, bác sĩ gây mê Trần Xuân Bách cho hay.
Sau ca mổ, theo dõi bàn tay được nối lại tốt, đầu chi hồng ấm, bệnh nhi được chuyển về Đơn vị phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ công nghệ cao để theo dõi tiếp.
Nếu diễn biến tốt, bệnh nhi sẽ được tập phục hồi chức năng sớm sau 1-2 tuần sau nối ghép.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Y tế 24h - 15/11/2024
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Y tế 24h - 12/11/2024
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử