Bé gái nguy kịch vì nhiễm khuẩn huyết từ nốt nhọt sau gáy

Theo Báo giao thông 11:47 14/09/2023 - Y tế 24h
Mỗi ngày, BV Nhi TƯ tiếp nhận 1-2 trẻ nhiễm khuẩn huyết vào điều trị, nguyên nhân có thể do virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng xâm nhập… Bệnh dễ gây tử vong.

Nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng khiến trẻ nguy kịch

Mới đây, các bác sĩ BV Nhi TƯ cứu sống là bé gái P.T (18 tháng tuổi) bị nhiễm trùng huyết. Trước khi nhập viện 4 ngày, bé T xuất hiện nốt mụn nhọt sau gáy, đến ngày thứ 2 trẻ sốt cao, đi ngoài phân lỏng. Gia đình cho trẻ đi khám tại bệnh viện huyện và được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, bé T vẫn sốt cao liên tục, tím tái toàn thân, khó thở nên được đưa đến bệnh viện tuyến tỉnh.

 
Một trẻ nhiễm khuẩn huyết được điều trị tích cực tại BV Nhi TƯ. (Ảnh BVCC).
Một trẻ nhiễm khuẩn huyết được điều trị tích cực tại BV Nhi TƯ. (Ảnh BVCC).

 

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán trẻ nhiễm trùng huyết và chuyển đến BV Nhi TƯ trong tình trạng viêm phổi nặng, tràn dịch màng phổi và rối loạn đông máu. Căn nguyên gây bệnh được xác định là nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng.

Bằng các biện pháp điều trị tích cực như thở máy, dẫn lưu ổ dịch màng phổi, dùng các thuốc trợ tim và kháng sinh, hiện bé T đã qua cơn nguy kịch, cai được máy thở. Tuy nhiên, bé T vẫn cần theo dõi thêm biến chứng hậu nhiễm trùng huyết.

Cũng nằm điều trị căn bệnh nhiễm trùng huyết tại đây, bé trai N.H (1 tuổi) vốn trước đây khỏe mạnh. Khoảng 5 ngày trước nhập viện bé H sốt cao liên tục khó hạ, mệt nhiều, kèm hắt hơi, sổ mũi. Gia đình cho bé sử dụng thuốc hạ sốt và kháng sinh, tuy nhiên bé H nặng lên, nên được gia đình đưa vào BV Nhi TƯ cấp cứu.

Khi vào khoa Cấp cứu và Chống độc, bé H rất nguy kịch, suy hô hấp, suy tuần hoàn, quấy khóc nhiều. Các xét nghiệm ban đầu ghi nhận chỉ số viêm tăng cao, rối loạn đông máu, tăng men gan, suy thận cấp.

Ngay lập tức, các bác sĩ nhận định đây là tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn. Trẻ được đặt ống nội khí quản, bù dịch, sử dụng thuốc vận mạch và kháng sinh phổ rộng để ổn định sau đó chuyển lên khoa Điều trị tích cực Nội khoa.

Tại đây, bé H có biến chứng tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch màng phổi, suy thận cấp, nên được các bác sĩ dẫn lưu dịch màng ngoài tim, màng phổi và lọc máu liên tục.

Kết quả xét nghiệm khẳng định căn nguyên gây nhiễm khuẩn ở trẻ là do tụ cầu vàng. Theo TS.BS Chu Thanh Sơn, khoa Điều trị tích cực Nội khoa, đây là nguyên nhân khá thường gặp gây tổn thương nhiều cơ quan như viêm phổi, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, viêm xương, viêm khớp. 

Bệnh nhi này được điều trị tích cực bằng kháng sinh, dẫn lưu màng phổi, màng tim, dọn sạch các ổ nhiễm trùng, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn. Sau 14 ngày điều trị tích cực bé H đã có tiến triển nhưng vẫn còn nặng.

Theo ước tính, mỗi năm trên thế giới có khoảng 20 triệu trẻ em (dưới 5 tuổi) mắc nhiễm trùng huyết và 3 triệu trẻ trong số đó tử vong.
Tại BV Nhi TƯ, mỗi ngày khoa Điều trị tích cực Nội khoa tiếp nhận 1 – 2 bệnh nhi nhiễm khuẩn huyết/sốc nhiễm trùng vào điều trị.

 

Cảnh báo nhiễm khuẩn huyết tỉ lệ tử vong cao

ThS. BS Lê Nhật Cường, khoa Điều trị tích cực Nội khoa cho biết, nhiều bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết vào viện trong tình trạng rất nguy kịch. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn biến tới suy đa cơ quan (gan, thận, rối loạn đông máu).

Điều trị sốc nhiễm trùng chủ yếu là phát hiện sớm, sử dụng kháng sinh kịp thời, hồi sức hô hấp bằng hỗ trợ thở máy, hồi sức tuần hoàn bằng thuốc vận mạch, trợ tim. Ngoài ra, một số biện pháp hỗ trợ tích cực cho bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết như: lọc máu liên tục hỗ trợ trong các bệnh nhân suy thận, sử dụng tim phổi nhân tạo (ECMO) cho các bệnh nhân suy hô hấp nặng, suy tuần hoàn nặng không đáp ứng với sử dụng thuốc vận mạch.

Đáng nói, dù có nhiều tiến bộ trong điều trị hồi sức, nhưng sốc nhiễm khuẩn vẫn là gánh nặng bệnh tật lớn, tỉ lệ tử vong có giảm nhưng còn cao.

BS Chu Thanh Sơn cho rằng, việc nhận biết sớm trẻ nhiễm khuẩn huyết khá khó khăn đối với phụ huynh, do các triệu chứng này cũng thường gặp trong các bệnh lý sốt lành tính. Tuy nhiên, nhiễm trùng huyết diễn tiến nhanh, biến chứng nặng nếu không được can thiệp hỗ trợ kịp thời. 

Một số triệu chứng nhận biết nhiễm khuẩn huyết, bao gồm: Nói nhịu hoặc lú lẫn; Run cơ hoặc đau cơ, sốt; Không có nước tiểu; Khó thở; Mệt mỏi, kiệt sức; Da tái hoặc nổi vân tím.

"Nếu nghi ngờ hoặc đã xác định trẻ bị nhiễm trùng và xuất hiện các triệu chứng trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời. Những trường hợp đáp ứng tốt, có thể phục hồi sau 7-14 ngày, với trường hợp phát hiện và điều trị muộn, trẻ có thể tử vong hoặc chịu các di chứng của nhiễm trùng huyết suốt đời:, BS Sơn thông tin.

Căn nguyên gây nhiễm trùng huyết có thể do virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng, vì vậy, các bác sĩ sẽ chẩn đoán xác định bằng các xét nghiệm cấy máu, các xét nghiệm phản ứng tìm kháng nguyên nhanh, phản ứng khuếch đại chuỗi gene; Đồng thời tìm kiếm các ổ nhiễm trùng như viêm phổi, nhiễm trùng da mô mềm, tiết niệu.

 

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Y tế 24h - 28/11/2024

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Y tế 24h - 27/11/2024

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Y tế 24h - 25/11/2024

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Y tế 24h - 21/11/2024

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Y tế 24h - 19/11/2024

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới