Biến chứng hiếm gặp ở trẻ mắc Covid-19
Kể từ đầu tháng 5, thành phố New York ghi nhận hơn 100 bệnh nhi mắc hội chứng hiếm gặp liên quan đến Covid-19, trong đó ba người đã tử vong. Tình trạng được gọi là Kawasaki - viêm mạch máu cấp tính. Căn bệnh được đặt theo tên một bác sĩ nhi khoa người Nhật Bản, đặc trưng bởi triệu chứng sốt, tiêu chảy kèm phát ban toàn thân.
Các bang khác ở Mỹ bao gồm Louisiana, Mississippi và California cũng báo cáo những trường hợp tương tự. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết sẽ sớm đưa ra các hướng dẫn cần thiết, đồng thời yêu cầu bác sĩ thông tin về các trường hợp trẻ em có triệu chứng tương tự.
Nghiên cứu mới công bố ngày 13/5 trên Tạp chí Y khoa Lancet. Các bác sĩ Italy đã so sánh 10 bệnh nhi mắc biến chứng hiếm gặp sau khi nhiễm nCoV với những em bị bệnh Kawasaki trước đây.
Họ chỉ ra rằng kể từ tháng 1/2015 đến giữa tháng 2 năm nay, có khoảng 19 trẻ mắc hội chứng này, được điều trị tại khoa nhi Bệnh viện Papa Giovanni XXIII, tỉnh Bergamo. Song chỉ trong hai tháng nCoV lây lan, từ ngày 18/2 đến 20/4, cơ sở y tế này đã tiếp nhận 10 trường hợp với biểu hiện tương tự, cao gấp 30 lần. Điều này củng cố giả thuyết hội chứng mới liên quan trực tiếp đến Covid-19, đặc biệt là khi các bệnh viện không ở tuyến đầu đáng lẽ phải vắng vẻ hơn trong đại dịch.
Tuy nhiên, tác giả của nghiên cứu cũng lưu ý rằng số bệnh nhân hiện còn ít, cho thấy hội chứng mới không quá phổ biến ở trẻ em. Đây cũng là đối tượng có tỷ lệ nhiễm nCoV thấp hơn người trưởng thành và người cao tuổi.
Không ai trong số 10 bệnh nhi tử vong, song triệu chứng của các em nghiêm trọng hơn so với trẻ mắc Kawasaki trước đây. Tất cả đều có khả năng phát triển biến chứng tim mạch. Một nửa bị sốc nhiễm khuẩn, biểu hiện không thường thấy của hội chứng Kawasaki.
Các em có nồng độ tiểu cầu và bạch cầu thấp hơn, triệu chứng điển hình ở bệnh nhân Covid-19 và phải điều trị bằng steroid.
Thông thường, trẻ sơ sinh và mẫu giáo (từ 1 đến 5 tuổi) dễ mắc hội chứng Kawasaki. Tuy nhiên các bệnh nhi tại Italy và một số khu vực ở Mỹ có độ tuổi trung bình là 7,5.
8 trong số 10 em được chẩn đoán dương tính sau khi làm xét nghiệm kháng thể. Các nhà khoa học cho rằng kết quả dương tính giả ở hai bệnh nhân còn lại cho thấy thử nghiệm đôi khi không chính xác. Các em dường như đã nhiễm virus vài tuần trước đó. Hội chứng viêm có thể là phản ứng miễn dịch đến chậm.
nCoV chủ yếu gây ổn thương phổi, dẫn đến tình trạng suy hô hấp. Song phổi của bệnh nhân Covid-19 mắc hội chứng Kawasaki dường như ít ảnh hưởng hơn.
Tiến sĩ nhi khoa Katie Schafer, chủ tịch một phòng khám tư nhân ở Birmingham, Michigan, cho biết hiện còn nhiều điều chưa sáng tỏ về tình trạng này. Bà khuyến nghị các bậc phụ huynh lập tức đưa con em đến bệnh viện nếu phát hiện các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy hoặc phát ban.
Thục Linh (Theo NY Times)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ