Bỏ qua 2 triệu chứng, 3 mẹ con ở Hà Nội nhập viện vì sốt xuất huyết

Theo Vietnamnet 11:40 30/08/2020 - Y tế 24h
3 mẹ con chị Nhàn cùng sốt cao nhưng nghĩ sốt virus thông thường nên tự điều trị tại nhà, 3 ngày sau chị phát hiện thêm dấu hiệu mới nên vội vã đến viện.

3 mẹ con chị Nhàn (Đống Đa, Hà Nội) đang điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đống Đa 5 ngày nay. Trong đó chị và con gái lớn 14 tuổi đang được theo dõi chặt do xuất hiện chỉ dấu nguy hiểm.

Chị Nhàn chia sẻ, từ ngày 22/8, chị có biểu hiện sốt cao 39 độ C, nhưng nghĩ sốt virus hoặc do thay đổi thời tiết nên chị tự mua hạ sốt, oresol bù dịch. Ngay ngày hôm sau, con gái lớn và con trai út 8 tuổi của chị cũng bắt đầu sốt, uống hạ sốt không hạ.

Đến ngày 25/8, cả 3 mẹ con đến Bệnh viện Đống Đa khám, kết quả xét nghiệm khẳng định mắc sốt xuất huyết, tiểu cầu bắt đầu hạ.

Đáng lưu ý, chị Nhàn có biểu hiện đi ngoài phân đen, cô con gái lớn hành kinh sớm trước chu kỳ. Bác sĩ cảnh báo đây là những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm nên chỉ định nhập viện ngay.

3 mẹ con chị Nhà đang điều trị sốt xuất huyết chung 1 phòng tại Bệnh viện Đống Đa
3 mẹ con chị Nhà đang điều trị sốt xuất huyết chung 1 phòng tại Bệnh viện Đống Đa

Theo chị Nhàn, nhà chị không có thói quen ngủ màn. Cách đây 2 năm, chồng chị cũng mắc sốt xuất huyết và có hiện tượng đi ngoài phân đen nên khi xuất hiện dấu hiệu giống chồng, chị mới nghĩ đến sốt xuất huyết để đi khám. Trước đó, chị thấy người mệt lả, bứt rứt như kiến cắn nhưng nghĩ mệt do sốt cao nên ở nhà.

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận hơn 1.400 người mắc sốt xuất huyết. Tại Bệnh viện Đống Đa, BSCKII Nguyễn Thái Minh, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, 8 tháng qua, khoa điều trị cho 91 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó chỉ riêng tháng 8 có 39 ca.

Thời gian qua thời tiết Hà Nội mưa liên tục, sau đó lại nắng gắt, muỗi phát triển nhiều nên số ca bệnh có dấu hiệu tăng lên.

BS Minh cảnh báo, trong những ngày đầu, người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám.

Tuy nhiên từ ngày thứ 4 thì nên vào viện vì đây là giai đoạn có thể xuất hiện những biến chứng nguy hiểm.

BS Minh cũng khuyến cáo người dân không tự ý truyền dịch tại nhà, có thể dẫn tới sốc. Mới đây tại Hà Nội đã ghi nhận trường hợp nam thanh niên 17 tuổi mắc sốt xuất huyết, tử vong do sốc khi truyền dịch tại nhà.

“Từ ngày thứ 4, bệnh nhân có thể có rối loạn tăng tính thấm thành mạch, dễ xuất huyết nặng lên, rối loạn đông máu, nếu tự ý truyền dịch không cẩn thận có thể dẫn đến sốc, nhất là những người có cơ địa bệnh nền mạn tính”, BS Minh lưu ý.

Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ xem xét kĩ các chỉ số, cân nhắc có nên truyền dịch hay không. Nếu bệnh nhân ở giai đoạn hồi phục, cơ thể tái hấp thu dịch thì không cần truyền. Trái lại, nếu bệnh nhân bị biến chứng máu cô đặc, phải truyền dịch ở tốc độ rất nhanh.

Có đến 70% các trường hợp sốt xuất huyết là lành tính, trừ một số trường hợp có cơ địa đặc biệt, bệnh nền mạn tính. Sau sốt 5-7 ngày người bệnh có thể tự hồi phục.

Triệu chứng của sốt xuất huyết gồm sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn.

Trường hợp xuất hiện 6 triệu chứng dưới đây, cần đưa ngay người bệnh tới bệnh viện gần nhất.

- Chảy máu: Xuất hiện các chấm hay đốm màu đỏ trên da; chảy máu mũi, lợi; nôn ra máu; đi ngoài phân đen; kinh nguyệt ra nhiều bất thường/chảy máu âm đạo.

- Nôn liên tục

- Đau bụng dữ dội

- Lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật

- Xanh tím, tay và chân lạnh ẩm

- Khó thở

Ngoài ra, nếu bệnh nhân có tình trạng sốt cao liên tục không kiểm soát được bằng các thuốc hạ sốt thông thường cũng nên đến bệnh viện để được xử trí càng sớm càng tốt. Các trường hợp có tiểu cầu hạ xuống dưới 50.000 cũng cần vào viện để theo dõi, tránh nguy cơ chảy máu, xuất huyết não, xuất huyết nội tạng.

Trong sốt xuất huyết có 2 biến chứng hay gặp là hạ tiểu cầu và cô đặc máu. Trong đó biến chứng hạ tiểu cầu không khiến cơ thể mệt mỏi, li bì. Do đó nhiều người khoẻ mạnh chủ quan, không theo dõi cho đến khi bị xuất huyết ồ ạt.

Ngược lại, biến chứng cô đặc máu có liên quan nhiều đến triệu chứng mệt, đau tức vùng gan, nôn, buồn nôn, lơ mơ, li bì, thường kéo dài 24-48 giờ.

Cả 2 biến chứng này đều gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, biến chứng chảy máu thường dễ nhận biết và ít khi bị bỏ qua, biến chứng còn lại khó tự nhận biết, thậm chí đến giai đoạn sốc người bệnh mới tự phát hiện ra.

Thúy Hạnh

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Y tế 24h - 31/10/2024

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Y tế 24h - 14/10/2024

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Y tế 24h - 02/10/2024

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa

Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa

Y tế 24h - 01/10/2024

Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa

Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch

Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch

Y tế 24h - 30/09/2024

Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới