Cách đo huyết áp đúng tại nhà

Theo VnExpress 04:59 18/05/2020 - Y tế 24h
Nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh ít nhất 5-10 phút trước khi đo huyết áp, lần đo đầu tiên, cần đo huyết áp ở cả hai cánh tay, tay nào có con số huyết áp cao hơn sẽ dùng để theo dõi huyết áp về sau.

Phó giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng Tim mạch Việt Nam, cho biết trị số huyết áp phụ thuộc vào áp lực bơm máu của tim, sức co giãn của thành mạch máu và lượng máu trong cơ thể. Trị số huyết áp bình thường dao động từ 90/60 – 139/89 mmHg (huyết áp tâm thu/huyết áp tâm trương) và thay đổi thường xuyên tuỳ theo các trạng thái thời gian, hoạt động thể lực và cảm xúc.

Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu (tối đa) ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (tối thiểu) ≥ 90mmHg.

Đo huyết áp là phương pháp đơn giản và duy nhất để phát hiện tăng huyết áp. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại máy đo huyết áp: huyết áp kế thủy ngân, huyết áp kế đồng hồ, huyết áp kế điện tử. Trong đó huyết áp kế thủy ngân là loại huyết áp chính xác nhất, huyết áp kế đồng hồ và huyết áp kế điện tử sau quá trình sử dụng phải được định kỳ kiểm tra và hiệu chỉnh lại.

Trong các loại huyết áp kế điện tử dành cho người bệnh tự theo dõi ở nhà, có các máy đo cổ tay và đo cánh tay... Hội Tim mạch học Việt Nam chỉ khuyến cáo sử dụng máy đo huyết áp điện tử có băng cuốn ở cánh tay cho bệnh nhân tự đo huyết áp.

Theo bác sĩ Hùng, một tỷ lệ khoảng 9-16 % dân số có hiện tượng "tăng huyết áp áo choàng trắng", tức là khi bệnh nhân tiếp xúc và được đo huyết áp bởi nhân viên y tế thì huyết áp luôn cao, trong khi nếu tự theo dõi huyết áp tại nhà hoặc đeo Holter huyết áp (theo dõi huyết áp trong suốt 24h) thì huyết áp lại trong ngưỡng bình thường. Do vậy, tự theo dõi huyết áp tại nhà sẽ giúp chẩn đoán được hiện tượng này.

Việc tự theo dõi huyết áp tại nhà cũng sẽ giúp nâng cao ý thức trong điều trị bệnh; giúp người thầy thuốc có thể đánh giá tốt hơn tác dụng của các thuốc điều trị. Từ đó có những điều chỉnh cần thiết để đạt được mức huyết áp mục tiêu cho người bệnh.

Mỗi người nên có một cuốn sổ nhỏ ghi lại ngày giờ và kết quả đo, gồm: huyết áp tâm thu; huyết áp tâm trương và nhịp tim. Không nên đo quá nhiều lần trong ngày nếu không cần thiết. Có thể đo vào mỗi sáng hay tối tuỳ theo đặc điểm từng người; hoặc đo khi có triệu chứng bất thường như chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt, mệt...

Trước khi đo, cần nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh ít nhất 5-10 phút. Không dùng chất kích thích (cà phê, hút thuốc, rượu bia) trước đó 2 giờ.

Tư thế đo chuẩn là người được đo huyết áp ngồi ghế tựa, cánh tay duỗi thẳng trên mặt bàn, nếp khuỷu ngang mức với tim. Ngoài ra, có thể đo ở các tư thế nằm, đứng. Đối với người cao tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường, nên đo thêm huyết áp tư thế đứng nhằm xác định có hạ huyết áp tư thế hay không.

Không nói chuyện khi đang đo huyết áp. Bề dài bao đo (nằm trong băng quấn) tối thiểu bằng 80% chu vi cánh tay, bề rộng tối thiểu bằng 40% chu vi cánh tay. Quấn băng quấn đủ chặt, bờ dưới của bao đo ở trên nếp lằn khuỷu 2 cm. Túi hơi đặt ở mặt trước của cánh tay, sao cho ống nghe (được cấu tạo sẵn trong dây đo) nằm ngay trên động mạch cánh tay. Đặt máy ở vị trí để đảm bảo máy hoặc mốc 0 của thang đo ngang mức với tim. 

Lần đo đầu tiên, cần đo huyết áp ở cả hai cánh tay, tay nào có con số huyết áp cao hơn sẽ dùng để theo dõi huyết áp về sau. 

Nên đo huyết áp ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1-2 phút. Nếu số đo huyết áp giữa 2 lần đo chênh nhau trên 10mmHg thì cần đo lại một vài lần sau khi đã nghỉ trên 5 phút. Giá trị huyết áp ghi nhận là trung bình của hai lần đo cuối cùng. Không làm tròn số quá hàng đơn vị và thông báo kết quả cho người được đo.

Với những trường hợp có chỉ số huyết áp tăng cao trên 180 mmHg với tâm thu và trên 120 mmHg với tâm trương thì đến gặp bác sĩ ngay, không tự uống thuốc hay ngồi chờ đến đúng ngày hẹn tái khám.

Bác sĩ Hùng cho biết, dịch Covid-19 xảy ra ảnh hưởng đến nhiều người bệnh tim mạch, trong đó có tăng huyết áp. Bệnh không thể khỏi được nên mỗi người bệnh cần trang bị cho mình kiến thức để sống chung với bệnh. Người bệnh có thể truy cập vào ngaydautien.vn của Hội tim mạch Việt Nam, để được hướng dẫn cách phòng chống và điều trị bệnh tăng huyết áp.

Lê Nga

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Y tế 24h - 28/11/2024

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Y tế 24h - 27/11/2024

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Y tế 24h - 25/11/2024

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Y tế 24h - 21/11/2024

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Y tế 24h - 19/11/2024

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới