Cần chính sách hút F0 khỏi bệnh chống dịch

Theo Báo Giao thông 09:16 06/09/2021 - Y tế 24h
Sự có mặt của F0 khỏi bệnh sẽ là niềm động viên tinh thần không chỉ của các bệnh nhân đang điều trị mà cả với đội ngũ y, bác sĩ.

Hiện cả nước có gần 300.000 người F0 đã khỏi bệnh, trong đó TP.HCM có hơn 120.000 người.

Trong bối cảnh tuyến đầu chống dịch, nhất là tại các bệnh viện đang thiếu trầm trọng người hỗ trợ, chăm sóc bệnh nhân, việc sử dụng các F0 đã khỏi bệnh được coi là giải pháp tối ưu.

Cách nào để thu hút lực lượng lao động này?

Cần chính sách hút F0 khỏi bệnh chống dịch
Anh Hà Ngọc Trường đang phụ các y, bác sỹ chăm sóc bệnh nhân

Tình nguyện ở lại vì cảm kích, sẻ chia

Cứ vào các buổi sáng, anh Hà Ngọc Trường (SN 1993, trú quận 1, TP.HCM) lại đi khắp các phòng bệnh Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi để hỏi thăm từng bệnh nhân, kiểm tra việc sinh hoạt cá nhân, bình chuyền nước, bình oxy để xem ai cần gì sẽ giúp ngay.

Anh Trường là nhân viên bán hàng mỹ phẩm, không may bị nhiễm Covid- 19 từ giữa tháng 6/2021. Những ngày điều trị tại bệnh viện, có lúc anh chuyển biến nặng tưởng không qua khỏi.

Trước ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, anh thấu hiểu nỗi vất vả của các bác sĩ, y tá ngày đêm chăm lo cho bệnh nhân. Họ làm việc quần quật hàng tiếng đồng hồ trong bộ đồ bảo hộ, không ăn cơm, uống nước, phải hết ca mới được xuống.

Được sự chăm sóc tận tình, sức khỏe của anh dần khá lên. Những ngày được đưa lên phòng phục hồi, thấy những y tá chân yếu tay mềm phải vác các bình nước to cho bệnh nhân, anh phụ giúp một tay.

Hôm sau, anh giúp các y tá chuyển cơm cho những bệnh nhân khác. Cứ vậy, cho đến ngày được về nhà, anh đăng ký tham gia tình nguyện làm việc tại bệnh viện và được hướng dẫn cách chăm sóc các bệnh nhân, từ vệ sinh cá nhân, cho bệnh nhân ăn, theo dõi máy đo ôxy, bình chuyền nước...

“Tôi nhớ mãi một bệnh nhân tên Nhàn, hơn 60 tuổi, khi vào bệnh viện người rất yếu, chân bị đau, không thể tự đi được. Tất cả vệ sinh cá nhân của cô đều tại chỗ. Hàng ngày, tôi giúp cô thay bỉm, lau người, gội đầu…, kể những chuyện vui, giúp tinh thần cô phấn chấn hơn. Hôm cô khoẻ trở về nhà, chia tay mà ai cũng bịn rịn”, anh Trường kể.

Một trường hợp khác là anh Nguyễn Văn Duy (SN 1996, quê Khánh Hòa), sau quá trình được điều trị tích cực tại Bệnh viện Điều trị Covid -19 Củ Chi cũng đã đủ điều kiện xuất viện.

Nhưng ngày xuất viện, anh đã đăng ký tình nguyện làm việc tại bệnh viện để chăm sóc cho các bệnh nhân khác, thay vì về nhà. “Tôi muốn chia sẻ nỗi vất vả với các y, bác sĩ”, anh nói về lý do xin ở lại.

Hay như trường hợp anh Nguyễn Văn An, cũng đã từng là một bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 (phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP.HCM).

Sau khi khỏi bệnh, biết bệnh viện đang cần lái xe cấp cứu để chở bệnh nhân F0, anh An không ngại ngần đăng ký ngay.

“Làm vì cái tâm, không phải vì tiền”

Cần chính sách hút F0 khỏi bệnh chống dịch

Bác sĩ Nguyễn Thuý An (Bệnh viện Lê Văn Thịnh) thăm khám cho bệnh nhân F0 tại Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 số 3, khu tái định cư An Khánh, TP Thủ Đức

 

Theo bác sĩ Trần Chánh Xuân, Giám đốc Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi, hiện bệnh viện có 6 bệnh nhân sau khi khỏi bệnh đã tình nguyện ở lại chăm sóc cho các bệnh nhân khác.

Bác sĩ Xuân đánh giá, những người này thực hiện công việc rất tốt, bởi họ đã rành về các công đoạn chăm sóc người bệnh.

“Các bệnh nhân không có người thân đi theo, tất cả đều do y tá chăm sóc, nhưng lực lượng rất thiếu. Vì vậy, việc những người đã khỏi bệnh tình nguyện ở lại chăm sóc cho bệnh nhân khác sẽ giúp nhân viên y tế có thời gian tập trung vào chuyên môn”, bác sĩ Xuân nói.

Theo bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), ngay từ đầu thành lập Bệnh viện Dã chiến số 3 và được phân công trực tiếp phụ trách, ông đã có chủ trương vận động những người đã được điều trị khỏi quay trở lại chăm sóc cho các bệnh nhân.

Đến nay đã có 46 người từng là F0 đã khỏi bệnh đăng ký ở lại. Lực lượng này rất đa dạng, từ các tài xế lái xe cấp cứu cho đến những người phục vụ hậu cần.

Ngay cả đội ngũ y, bác sĩ tại các bệnh viện khác không may nhiễm bệnh đã điều trị khỏi giờ cũng đăng ký làm tình nguyện viên tại Bệnh viện Dã chiến số 3.

“Nhu cầu chúng tôi cần khoảng 100 người, nhất là ở khâu hậu cần, vì vậy chúng tôi tiếp tục tuyển thêm các tình nguyện viên để đáp ứng công việc của bệnh viện”, bác sĩ Khanh cho biết thêm.

Anh Hà Ngọc Trường cho biết, lý do đăng ký tình nguyện làm việc tại bệnh viện là vì cảm kích trước tấm lòng của các y, bác sĩ đã chăm sóc cho mình, đồng thời bản thân muốn làm một việc gì đó để chung tay đẩy lùi dịch bệnh, chứ không nghĩ đến chuyện đòi hỏi lương bổng.

“Khi ở bệnh viện đã được cho ăn ở miễn phí, cung cấp các nhu yếu phẩm, không thiếu gì. Tôi tình nguyện ở lại vì cái tâm của mình chứ không phải vì tiền bạc. Tôi sẽ ở lại đây đến khi hết dịch mới về”, anh Trường chia sẻ.

Tương tự, Nguyễn Hữu Thắng, một sinh viên vừa tốt nghiệp Trường Đại học Y dược TP.HCM, không may mắc Covid-19 và cũng được điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 từ ngày 20/8.

Đến ngày 30/8, khi cơ thể hoàn toàn bình phục, Thắng được bệnh viện xét nghiệm và cho kết quả âm tính. Ngay lập tức, Thắng đăng ký vào đội tình nguyện để phục vụ tại bệnh viện.

“Các bác sĩ cũng có nói chuyện sẽ chấm công và trả lương, nhưng điều đó cũng không quan trọng lắm. Tuy vậy, với những người không phải là nhân viên y tế, hiện nay đã mất việc làm, nếu đăng ký làm tình nguyện viên tại các bệnh viên mà có chế độ hỗ trợ của Nhà nước thì cũng tốt”, Thắng chia sẻ.

“Nên có chính sách, hướng dẫn cụ thể”

Cần chính sách hút F0 khỏi bệnh chống dịch

Anh Hà Ngọc Trường chăm sóc bệnh nhân

Về chính sách hỗ trợ cho các F0 sau khi khỏi bệnh và tình nguyện làm việc tại các bệnh viện, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, hiện chưa có hướng dẫn nào về việc chi trả lương cho lực lượng này.

Tuy vậy, bệnh viện xem họ là những tình nguyện viên như các lực lượng tình nguyện viên tuyến đầu trong công tác chống dịch và có chế đỗ hỗ trợ theo quy định của thành phố là 120.000 đồng/ngày.

Ngoài ra, từ nguồn đóng góp của các mạnh thường quân, tình nguyện viên còn được hỗ trợ các chi phí như ăn, ở, vật dụng sinh hoạt hàng ngày.

“Về lâu dài, Nhà nước cần có hợp đồng và hỗ trợ thêm cho tình nguyện viên, tuỳ theo vị trí và tính chất công việc bằng tiền mỗi tuần hoặc mỗi tháng từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Sau này nếu dịch bệnh được kiểm soát, những người này cần được ưu tiên sắp xếp việc làm nếu họ thất nghiệp”, bác sĩ Khanh đề xuất.

Bác sĩ Trần Chánh Xuân, Giám đốc Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi cũng cho biết đến nay chưa có hướng dẫn về việc trả lương cho các F0 phục vụ tại bệnh viện.

“Những người này họ cũng làm việc vì cái tâm nên họ cũng không yêu cầu gì. Trong khi chờ hướng dẫn của Nhà nước, cũng có một số mạnh thường quân liên hệ với bệnh viện để xin chi trả kinh phí cho lực lượng tình nguyện viên, bệnh viện cũng đang xúc tiến việc này”, bác sĩ Xuân nói và cho rằng với những người tình nguyện viên thì việc chi phí với họ không phải là vấn đề. Nhưng để nhân rộng mô hình này và có sự động viên, Nhà nước cũng nên có cơ chế để trả cho họ một khoản hỗ trợ nhất định, như vậy sẽ thu hút nhiều người tham gia hơn.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Hãng Luật Giải Phóng, Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, trong trường hợp này, nên xem việc những F0 khỏi bệnh tình nguyện ở lại chăm sóc F0 như hợp đồng lao động thời vụ, mọi điều khoản do hai bên thoả thuận. “Cách thuận lợi nhất là Nhà nước nên đưa ra những quy định khung cho họ lựa chọn”, luật sư nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện Bộ Y tế mới chỉ kêu gọi, động viên F0 có đủ điều kiện sức khỏe tình nguyện chung tay với cán bộ y tế trong thời điểm khó khăn và quá tải về điều trị. Bộ chưa tính đến việc xây dựng chính sách cho việc huy động lực lượng này.

“Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều F0 sau khi khỏi bệnh về địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nên việc phối hợp giữa kêu gọi tinh thần tự nguyện tham gia vì cộng đồng và chế độ chính sách phù hợp cũng rất thích hợp trong thời điểm này, vừa giúp tạo công ăn, việc làm cho F0 tình nguyện vừa hỗ trợ được ngành Y tế hiện nay”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, việc tham gia công tác chăm sóc người bệnh của các F0 khỏi bệnh trong các đơn vị y tế sẽ giúp cán bộ y tế tập trung hơn vào công tác chuyên môn.

Hơn nữa sự có mặt của F0 khỏi bệnh sẽ còn là niềm động viên tinh thần không chỉ các các bệnh nhân đang điều trị mà cả với đội ngũ y, bác sĩ. “Mọi đóng góp dù lớn hay nhỏ ở thời điểm này đến rất đáng trân quý”, ông Sơn nói.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế gửi tâm thư

Ngày 3/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã gửi tâm thư kêu gọi những người đã khỏi bệnh Covid-19 tham gia chống dịch tại TP.HCM.

Bức thư có đoạn viết: “Chúng tôi rất hiểu các bạn vẫn cần thời gian để dưỡng sức sau cơn bạo bệnh đáng sợ, tuy nhiên chúng tôi rất cần sự chung tay đóng góp của các bạn trong giai đoạn quyết định này. Với niềm hy vọng, niềm tin vào sự khống chế thành công dịch bệnh, đội ngũ nhân viên y tế chúng tôi thiết tha mong đợi sự tham gia của các bạn vào công tác phòng chống dịch của thành phố. Bất kỳ vị trí, công việc nào các bạn tham gia đều được cá nhân tôi và toàn thể nhân dân thành phố trân trọng và biết ơn”.

Tuyển dụng, trả lương cho tình nguyện viên

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, trên địa bàn thành phố có hơn 120 nghìn ca F0 đã khỏi bệnh và xuất viện.

Đây là nguồn nhân lực rất đáng kể, bởi sau khi điều trị Covid-19, những người này có thể miễn nhiễm tạm thời với virus SARS-CoV-2. TP đang hướng tới việc tuyển dụng và trả lương cho nhóm nhân lực này để tham gia vào các công tác chăm sóc người mắc Covid-19 đang điều trị.

Về khung chính sách, hiện Sở Y tế đang trình UBND thành phố xem xét, khi được phê duyệt sẽ công bố chi tiết và tuyển công khai. Khi tuyển dụng người khỏi bệnh làm việc, cơ quan chuyên môn sẽ test ngay sau khi xuất viện khoảng 1 tuần, 1 tháng, đánh giá nồng độ kháng thể để bố trí phù hợp. Nếu kháng thể tốt thì thành phố sẽ vận động tham gia vào công tác phòng chống dịch.

Bình Dương chi 13 tỷ đồng hỗ trợ tình nguyện viên

Ngày 4/9, UBND tỉnh Bình Dương có văn bản chấp nhận chủ trương chi hỗ trợ cho những trường hợp F0 khỏi bệnh tình nguyện ở lại tham gia công tác phòng, chống Covid-19 theo đề xuất của Sở Y tế.

Theo đó, 800 người phục vụ tại các cơ sở khám, chữa bệnh Covid-19 nhận 200.000 đồng/người/ngày; 400 người phục vụ tại các cơ sở cách ly y tế tập trung nhận 150.000 đồng/người/ngày. Những tình nguyện viên này còn được hỗ trợ 80.000 đồng tiền ăn/ ngày, 100.000 đồng/ngày của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh từ nguồn xã hội hóa.

Tư Doãn - Hồng Vân

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Y tế 24h - 21/11/2024

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Y tế 24h - 19/11/2024

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Y tế 24h - 15/11/2024

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Y tế 24h - 12/11/2024

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Y tế 24h - 31/10/2024

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới