Cẩn trọng biến chứng viêm phổi khi chuyển mùa
Gia tăng bệnh nhân viêm phổi
Tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Tâm Anh Hà Nội, bé N.V.N (9 tuổi, Hà Nội) đang được điều trị với chẩn đoán viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma với chỉ định truyền kháng sinh. Trước đó, N liên tục sốt cao 3 ngày kèm ho, mệt và khó thở.
Đến chăm sóc N điều trị tại bệnh viện, bà nội bé cũng không ngờ mình lây viêm phổi từ cháu. Với dấu hiệu ban đầu sốt, ho nhiều đờm, nhưng chỉ 2 ngày sau thì ho ra máu, hụt hơi và khó thở nên bà nhanh chóng được chuyển cấp cứu.
Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng, suy hô hấp, tụt huyết áp, được chỉ định thở ôxy hỗ trợ và truyền kháng sinh. Được cấp cứu kịp thời, sau 7 ngày điều trị, sức khỏe người bệnh đã dần hồi phục.
Theo BS Chu Thị Hạnh, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Tâm Anh Hà Nội, hai tháng gần đây bệnh nhân viêm phổi đông hơn trước. Ở trẻ em, phần lớn viêm phổi do khuẩn nội bào Mycoplasma, phải xét nghiệm PCR mới phát hiện.
Các tác nhân gây bệnh khá đa dạng, như phế cầu khuẩn, Haemophilus Influenzae và các vi khuẩn không điển hình như vi khuẩn Mycoplasma. Khoảng 30% trường hợp có hiện tượng lây chéo trong gia đình.
Còn tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng ghi nhận số bệnh nhi và cao tuổi bị viêm phổi tăng trong thời gian gần đây. Nhiều trường hợp đến viện trong tình trạng sốt cao, rét run và xuất hiện khó thở.
Bé trai N.M.L (5 tuổi) sốt cao trước khi nhập viện 4 ngày, gia đình tự mua thuốc điều trị nhưng không đỡ. Mẹ bé cho biết: "Tự điều trị ở nhà thấy con vẫn sốt cao lại kèm theo tình trạng khó thở nên tôi đưa cháu vào viện khám. Các bác sĩ chẩn đoán cháu viêm phổi. May mắn điều trị được 2 ngày đã thấy khá hơn rất nhiều".
BS Phạm Thị Thuận, Phụ trách Chủ nhiệm khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay, bệnh nhi tới khám thường dấu hiệu sốt cao, ho đờm nhiều, thở nhanh, quấy khóc liên tục. Nếu viêm phổi nặng trẻ có biểu hiệu lừ đừ, mệt mỏi nhiều, bỏ ăn, suy hô hấp.
Có nhiều nguyên nhân gây viêm phổi như vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng. Những tác nhân gây viêm phổi nặng ở trẻ em là phế cầu, virus hợp bào hô hấp, vi khuẩn Mycoplasma…
"Giao mùa từ hè sang thu, bệnh nhi tới khám vì nhiễm khuẩn đường hô hấp tăng cao, trên 50% đang điều trị tại khoa là viêm phổi", BS Thuận nói và cho biết, không chỉ trẻ em, những người già mắc viêm phổi đến điều trị tại đây cũng tăng trong thời gian này. Có những bệnh nhân phải chăm sóc điều trị hô hấp đặc biệt. Tại khoa Nội hô hấp có tới 40% bệnh nhân điều trị là người già.
Điển hình như trường hợp cụ ông N.A.T được chuyển từ Ninh Bình lên, chẩn đoán viêm phổi rất nặng trên nền nhiều bệnh lý mạn tính khác. Bệnh nhân này phải điều trị tích cực, hỗ trợ thở ôxy.
Biến chứng nguy hiểm
BS Hạnh cho biết, những dấu hiệu ban đầu như ho, khạc đờm, đau họng, sốt nhẹ… khiến nhiều người chủ quan nghĩ cảm cúm. Tuy nhiên, sau đó bệnh tiến triển nặng gây sốt cao, ho, đau ngực, khó thở. Nếu không điều trị sớm, người bệnh có thể gặp các biến chứng như áp xe phổi, viêm mủ màng phổi, tràn mủ màng phổi, viêm màng ngoài tim, sốc nhiễm trùng, suy hô hấp tiến triển...
TS. BS Phạm Văn Luận, khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng cho biết, bệnh nhân cao tuổi mắc viêm phổi thường rất nặng. Nguyên nhân là người cao tuổi thường có nhiều bệnh kết hợp như phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc bệnh tim mạch, bệnh chuyển hóa như đái tháo đường.
Do vậy, khi mắc viêm phổi trên nền các bệnh mạn tính đó, càng tăng nặng tình trạng của bệnh nhân. Ngoài ra, người cao tuổi thường sức đề kháng kém, dễ nhiễm khuẩn, virus gây viêm phổi.
Thông thường viêm phổi sẽ xuất hiện triệu chứng sốt cao, rét run, nhưng ở bệnh nhân cao tuổi phản ứng cơ thể với các tác nhân gây bệnh giảm đi, nên có thể không có biểu hiện sốt. Ngoài ra, triệu chứng ho trong viêm phổi cũng bắt gặp ở các thể bệnh hô hấp khác ở người cao tuổi như viêm phế quản mãn tính hoặc phổi tắc nghẽn khiến các dấu hiệu chồng lấp lên nhau… Chính vì vậy, việc chẩn đoán sớm viêm phổi ở người già khó khăn hơn, dẫn tới điều trị muộn.
"Viêm phổi thường tăng cao ở thời điểm giao mùa, do thời tiết và nhiệt độ thay đổi, mưa nắng thất thường tạo môi trường cho virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh. Chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm khiến đường thở khó thích nghi, nhạy cảm và dễ nhiễm bệnh.
Chất lượng không khí thường xuyên ở mức có hại cho sức khỏe cũng khiến hệ hô hấp khó phục hồi khi bị nhiễm trùng. Bên cạnh đó, việc dùng quạt và điều hòa không đúng cách cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.", BS Hạnh lý giải thêm về việc gia tăng căn bệnh này.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa hô hấp, để ngăn ngừa viêm phổi cần đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, vệ sinh cá nhân tốt. Đồng thời, duy trì thói quen sinh hoạt khoa học, không hút thuốc hoặc lạm dụng rượu, bia, các đồ uống có cồn khác.
Ngoài ra, trẻ em nên tiêm đầy đủ một số loại vaccine có vai trò hỗ trợ ngăn ngừa viêm phổi, như vaccine 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và bệnh viêm phổi - viêm màng não do HIB), vaccine cúm, phế cầu, ho gà... Với người lớn trên 65 tuổi nên tiêm vaccine phế cầu khuẩn, cúm, ho gà.
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Y tế 24h - 15/11/2024
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Y tế 24h - 12/11/2024
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử