Chạm trán tử thần vì ngại ngần đi khám
Bà Lê Thị Liên An, 82 tuổi, sống ở Long Biên, Hà Nội cứ đứng dậy là cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi. "Chắc do già và bệnh đái tháo đường, huyết áp, nên thế", bà tặc lưỡi rồi tìm đơn thuốc cũ được bác sĩ kê cách đây một tháng để uống lại.
Dù lo lắng, bà không đi khám vì lo sợ lây nhiễm nCoV . Tối 30/4, các triệu chứng nặng thêm, cơn đau đầu, chóng mặt ập đến nên bà vội uống thuốc rồi đi nghỉ sớm. Đến đêm, cơ thể bà An tím tái, người nhà phải gọi cấp cứu đưa tới Bệnh viện Hữu nghị.
Khi đó, nhịp tim chỉ còn 30 lần/phút, không đủ máu nuôi tim. Bác sĩ điều trị cho biết bà bị rối loạn chậm nhịp tim, có thể tử vong nếu không được điều trị sớm. Bà phải nằm phòng hồi sức tích cực, sử dụng thuốc kích thích nhịp tim. Hai ngày sau, bà An mới phục hồi.
Bác sĩ Bùi Long, Trưởng khoa Tim Mạch can thiệp, cho biết chỉ trong vòng một tuần từ, anh cấp cứu cho 5-6 bệnh nhân tim mạch cao tuổi nguy kịch, một số bị suy tim nặng, nhồi máu cơ tim. Các cụ ngại Covid-19 nên không đi khám ngay khi có triệu chứng, thường để bệnh nặng mới tới điều trị.
Trường hợp nghiêm trọng nhất nhập viện là cụ ông 82 tuổi ở Hà Nội, có bệnh mạch vành và huyết áp. Các kết quả thăm khám cho thấy ông bị nhồi máu, tổn thương cơ tim đã nhiều ngày nhưng không đi khám kịp thời, chỉ uống thuốc cũ ở nhà. Vì vậy ông bị suy hô hấp, suy tim nặng, sốc tim gây suy đa tạng, các biện pháp điều trị không có hiệu quả. Một ngày sau nhập viện, cụ qua đời.
Người cao tuổi thường có sức khỏe yếu do mắc nhiều bệnh nền. Một số bệnh lý về tim mạch có biểu hiện kín đáo, triệu chứng không điển hình nên dễ bị bỏ qua. Ví dụ rối loạn nhịp tim chậm thường có các biểu hiện mệt mỏi triền miên, hoa mắt, choáng váng, đau đầu nhẹ nhưng dai dẳng; một số bệnh nhân nhồi máu cơ tim nhưng chỉ bị mệt mỏi nhẹ, không có cảm giác đau ngực cấp.
Chuyên gia lo ngại bệnh nhân huyết áp cao tuổi có thể bị nặng và khó điều trị hơn nếu không được phát hiện sớm.
"Chúng tôi khuyến cáo bệnh nhân sớm đi khám khi cơ thể có dấu hiệu bất thường để đề phòng bệnh diễn biến nặng. Khi đi khám cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, giãn cách một mét, sát khuẩn tay", bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng, Phụ trách khoa Khám bệnh B, Bệnh viện Hữu nghị, cho biết.
Bác sĩ Bùi Long cũng khuyến cáo người dân chủ động giữ sức khỏe bằng cách thiết lập thời gian biểu sinh hoạt hàng ngày hợp lý. Chế độ dinh dưỡng tốt cho tim cần tăng cường trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, cá và giảm rượu bia, các chất kích thích, thực phẩm có nhiều cholesterol... Mọi người duy trì cân nặng hợp lý, không hút thuốc lá, kiểm soát huyết áp.
Khi có dấu hiệu bất thường, ví dụ huyết áp, nhịp tim không ổn định, mệt mỏi vô cớ, hoạt động bình thường lại khiến mệt, tức ngực, người bệnh cần đi khám sớm nhất để làm xét nghiệm chuyên sâu, chẩn đoán và điều trị.
Chi Lê
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ