Đại diện Ủy ban Xã hội của Quốc hội nêu, thực tế hiện nay một số quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng được thực hiện bài bản, phát trên sóng truyền hình quốc gia nên dù nói quá tác dụng vẫn được người dân tin tưởng. Một số quảng cáo có nội dung, hình thức thể hiện chưa phù hợp, thậm chí phản cảm. Vì vậy, việc rà soát, chấn chỉnh hiện tượng này cần thực hiện nghiêm túc, triệt để để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, bình đẳng giới, quyền trẻ em, nhất là phải phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa của dân tộc.
Đại diện Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã báo cáo về quy trình xây dựng, xét duyệt nội dung các quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong thực tế; đồng thời nhìn nhận thẳng thắn còn những nội dung còn thiếu tế nhị, thậm chí phản cảm, khung giờ phát sóng chưa phù hợp.
Theo đó, những nội dung chuyên môn liên quan đến các loại thuốc, thực phẩm chức năng trong quảng cáo đều phải được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận trước khi phát hành. Tuy nhiên, hình thức thể hiện, khung giờ phát hành các quảng cáo này thuộc trách nhiệm của các cơ quan truyền thông. Một số cơ quan truyền thông như Đài Tiếng nói Việt Nam đã có những cách làm linh hoạt, tuân thủ các yêu cầu về nội dung, văn hóa, hình thức thể hiện, khung giờ phát sóng nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả truyền thông, quyền lợi của các bên liên quan đến hoạt động quảng cáo.
Vì vậy, các ý kiến trong cuộc họp cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và các cơ quan truyền thông để các quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng đúng công dụng, phù hợp về cách thức thể hiện, khung giờ phát sóng; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát lại quy định, pháp luật liên quan đến quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: vấn đề này đã có nhiều cuộc họp, văn bản chỉ đạo, nhưng việc thực hiện chưa nghiêm. Những vi phạm trong quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng phải được xử lý, chấn chỉnh nghiêm… với tinh thần đặt lợi ích của người dân lên trên hết và phải rõ trách nhiệm của từng ngành (y tế, văn hóa, thông tin và truyền thông), với từng khâu của cả quá trình. Trước hết, Bộ Y tế chỉ đạo Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý dược rà soát lại toàn bộ nội dung các quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng đã được Bộ xác nhận để các cơ quan báo chí chấn chỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông căn cứ đối chiếu, xử lý vi phạm.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan truyền thông thực hiện phát hành đúng nội dung quảng cáo được xác nhận, trong trường hợp khác cần có sự trao đổi với cơ quan có thẩm quyền của Bộ Y tế, xem xét khung giờ phát sóng phù hợp, bảo đảm nội dung quảng cáo không trái với với thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống hay gây phản cảm.
Bộ Y tế, các bộ, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát lại tất cả các văn bản quy phạm pháp luật về quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, từ đó kiến nghị, hướng dẫn phù hợp trên tinh thần mỗi khâu, mỗi việc đều có cơ quan chịu trách nhiệm, hướng dẫn rõ ràng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại các cuộc họp gần đây, đến nay, Bộ Y tế đã dự thảo nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; thúc đẩy trung tâm đấu thầu thuốc tập trung quốc gia (thuộc Bộ Y tế) thực hiện đấu thầu tập trung quốc gia giai đoạn 2022-2023 với 528 loại thuốc, tổng giá trị 8.890 tỷ đồng; làm việc với Bộ Tài chính sửa đổi một số thông tư liên quan đến đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc từ các bệnh viện, địa phương liên quan đến đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế để làm việc với Bộ KH&ĐT.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đã được các bệnh viện, các địa phương tích cực tháo gỡ, đã "giảm nhiệt" phần nào, tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc cần giải quyết. Bên cạnh việc tổ chức mở các gói đấu thầu thuốc tập trung quốc gia, Bộ Y tế đã đẩy mạnh cấp số đăng ký lưu hành thuốc mới; gia hạn thời gian lưu hành thuốc cũ để bảo đảm các doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm có thể tham gia đấu thầu. Đồng quan điểm, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, đến nay tình trạng thiếu thuốc có chuyển biến tích cực với sự vào cuộc của các địa phương trong đấu thầu, mua sắm thuốc dựa trên kết quả đấu thầu, đàm phán giá.
Ngoài các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế như nhiều cuộc họp đã phân tích, các đại biểu còn nêu nguyên nhân do trình độ phát triển kinh tế, thu nhập người dân thấp, và mệnh giá bảo hiểm y tế BHYT nước ta rất thấp, do vậy đơn giá dịch vụ y tế thấp. Trong khi 50% chi phí điều trị liên quan tới thuốc, vật tư y tế và các loại hàng hóa đặc biệt thường theo mặt bằng giá quốc tế. Việc quyết định thuốc tốt, thuốc có xuất xứ từ các nước phát triển hay thuốc thay thế có giá rẻ hơn luôn phải cân đối và bảo đảm yêu cầu của ngành y tế nhưng không để vỡ quỹ bảo hiểm y tế.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, bên cạnh những giải pháp như rà soát, bổ sung, hướng dẫn, cần tập trung vào một số giải pháp đủ hiệu quả, thực hiện ngay trong ngắn hạn.
Bộ Y tế cần khẩn trương làm việc với các bộ, ngành: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để tháo gỡ ngay một số vấn đề khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế để các địa phương, bệnh viện có căn cứ thực hiện, như: Điều chỉnh kế hoạch mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị theo nhu cầu sử dụng trước khi có dịch Covid-19, xây dựng, thẩm định giá đấu thầu, sử dụng thuốc, vật tư thay thế các loại thuốc, vật tư thường dùng; mua sắm hóa chất, linh kiện thay thế cho các loại máy chuyên biệt, chỉ có 1-2 đơn vị cung cấp; phương án sử dụng, thanh toán chi phí cho các trang thiết bị, máy móc xã hội hóa trong bệnh viện công lập…
Phó Thủ tướng lưu ý, những gì chưa rõ về mặt pháp luật, dễ gây hiểu khác nhau, gây suy diễn liên quan đến đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế…, Bộ Y tế xem xét đưa vào nghị quyết của Chính phủ.
Về tình trạng thôi việc, chuyển việc của cán bộ, nhân viên y tế trong các cơ sở công lập, thống kê của Bộ Y tế từ năm 2021 đến ngày 30/6/2022, các cơ sở y tế công lập trên cả nước có 9.467 viên chức thôi việc, chuyển việc. Hiện nay, Bộ Y tế đang rà soát số lượng, trình độ chuyên môn của cán bộ, nhân viên y tế thôi việc, chuyển ra bệnh viện tư nhân, số tuyển mới.
Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến, động viên tinh thần cán bộ, nhân viên y tế; đề nghị địa phương tăng cường huy động nguồn lực cho lĩnh vực y tế, rà soát và chi trả chế độ chính sách cho lực lượng tham gia công tác chống dịch Covid-19; rà soát cấp bổ sung kinh phí chi thường xuyên cho các cơ sở y tế trong thời gian có dịch Covid-19…
Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cần nắm chính xác tới từng cơ sở y tế công lập về số lượng cán bộ, nhân viên y tế thôi việc, chuyển việc, số tuyển mới từ năm 2021 đến tháng 6/2022.
Một số ý kiến đề nghị phân tích kỹ trong số cán bộ, nhân viên y tế thôi việc, bao nhiêu người chuyển sang cơ sở y tế tư nhân, bao nhiêu người chuyển hẳn sang nghề khác; số có tay nghề chuyên môn, số mới ra trường. Số lượng sinh viên ngành y đã tốt nghiệp đang chờ việc. Như vậy mới có "bức tranh" đầy đủ về thực trạng cán bộ, nhân viên y tế thôi việc, chuyển việc ở các cơ sở y tế công lập, từ đó, các biện pháp giải quyết mới căn cơ, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần lưu ý thực tế ở các thành phố lớn, rất nhiều y, bác sĩ vẫn đang xin việc, trong khi nhiều địa phương có chính sách khuyến khích nhưng không hấp dẫn người giỏi. Tình trạng, nhân viên, cán bộ làm y tế dự phòng cấp huyện, xã đang ở mức thu nhập thấp.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị khẩn trương thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để các cơ sở y tế có đủ nguồn thu, bảo đảm thu nhập cho cán bộ, nhân viên cũng như tuyển thêm nhân lực. Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam kiến nghị khẩn trương xây dựng định mức kỹ thuật đối với các dịch vụ y tế sát với thực tế.
Cuộc họp thống nhất, về lâu dài cần có cơ chế tài chính để bảo đảm thu nhập và khuyến khích phát triển y tế tư nhân, thực hiện tự chủ bệnh viện, tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế (bao gồm gần 10.000 dịch vụ y tế điều trị do BHYT chi trả); khẩn trương xây dựng bảng giá dịch vụ y tế dự phòng mà ngân sách chi trả.