Covid-19 gây hại não
Nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học College London (UCL), công bố hôm 8/7 trên Tạp chí Brain. Đây là công trình mới nhất nghiên cứu khả năng biến chứng, bao gồm đột quỵ, tổn thương thần kinh, viêm não gây tử vong ở người mắc Covid-19, ngay cả khi họ không có bất cứ triệu chứng hô hấp nghiêm trọng nào.
Các nhà khoa học đã kiểm tra 43 bệnh nhân, được điều trị tại Bệnh viện Đại học London trong tháng 4 và tháng 5, độ tuổi từ 16 đến 85. Triệu chứng của họ trải dài từ nhẹ, trung bình đến nặng.
Trong số các bệnh nhân, 10 người bị "rối loạn chức năng não tạm thời" và mê sảng. 12 trường hợp khác bị viêm não. 8 người đột quỵ và 8 người tổn thương thần kinh.
Hầu hết bệnh nhân viêm não được chẩn đoán mắc một bệnh lý cụ thể, hiếm gặp là viêm não tủy cấp lan tỏa (ADEM). Biểu hiện lâm sàng gồm hội chứng thần kinh, mất hoặc giảm thị lực, liệt nửa người hoặc liệt tứ chi.
Trước đại dịch, nhóm chuyên gia ở London ghi nhận khoảng một bệnh nhân ADEM mỗi tháng. Trong thời gian nghiên cứu, con số đã tăng lên thành một người một tuần.
Trong đó, một bệnh nhân nữ gặp ảo giác, thấy sư tử và khỉ trong nhà. Những người khác báo cáo tình trạng tê buồn chân tay hoặc mặt, song thị (nhìn thấy hai hình ảnh của một đối tượng) và mất phương hướng. Bệnh nhân nặng hầu như không có ý thức, chỉ phản ứng khi bị đau.
"Chúng ta nên cảnh giác và theo dõi các biến chứng này ở các bệnh nhân từng nhiễm nCoV, để xem liệu thế giới có ghi nhận số lượng lớn người bị tổn thương não sau đại dịch hay không", Tiến sĩ Michael Zandi, chuyên gia thần kinh, Bệnh viện Thần kinh và Phẫu thuật Thần kinh Quốc gia, nhận định.
Các nhà khoa học cho biết cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu để biết được hậu quả lâu dài của căn bệnh đối với não bộ. Họ vẫn đang cố gắng tìm hiểu chính xác vì sao bệnh nhân Covid-19 phát triển biến chứng thần kinh.
Thực tế, nCoV không được tìm thấy trong dịch não, tức là virus không tấn công trực tiếp vào cơ quan này. Giả thuyết cho rằng các biến chứng sinh ra gián tiếp bởi phản ứng miễn dịch của cơ thể, không phải từ chính mầm bệnh.
Phát hiện mới rất có ý nghĩa trong công tác theo dõi và điều trị Covid-19 trên khắp thế giới, song nó cũng đặt ra nhiều thách thức. Đối với các bệnh nhân không có biểu hiện hô hấp nghiêm trọng như khó thở, rất khó xác định sớm biến chứng, giúp ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tác động xấu của nó. Trong khi đó, tình trạng sức khỏe không ổn định của người nhiễm nCoV nghiêm trọng sẽ hạn chế bác sĩ phân tích thêm về những ảnh hưởng của bệnh lên não bộ.
"Covid-19 chỉ mới xuất hiện vài tháng, chúng ta chưa thể biết được các tổn hại lâu dài nó có thể gây ra. Bác sĩ cần nhận thức được di chứng thần kinh, bởi chẩn đoán sớm đôi khi cải thiện được kết quả cuối cùng của bệnh nhân", Tiến sĩ Ross Paterson, tác giả đầu tiên của nghiên cứu, nói.
Thục Linh (Theo CNN)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Y tế 24h - 15/11/2024
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Y tế 24h - 12/11/2024
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử