Đi viện thời Covid-19

Theo VnExpress 07:46 09/02/2021 - Y tế 24h
HÀ NỘI - Thời tiết lạnh, diễn biến Covid-19 phức tạp nên nhiều bệnh nhân ngại đi khám, khi nặng hơn mới nhập viện dẫn đến lỡ thời gian vàng.

 

Theo kế hoạch, ngày 5/2 là lịch tiêm phòng vaccine 6 trong 1 của bé Suri, con chị Hoàng Lan, 38 tuổi. Anh Nam, chồng chị Lan nghỉ phép để đưa con đến phòng tiêm chủng Đại học Y Hà Nội. "Nửa muốn đi nửa không", chị Lan đắn đo vì diễn biến dịch phức tạp. Cuối cùng, hai vợ chồng rời nhà đến viện lúc 12h, mang thêm vài chiếc khẩu trang và lọ sát khuẩn. "Vì con còn nhỏ, chưa thể đeo khẩu trang nên gia đình phòng ngừa bằng cách đeo chiếc khăn bông vào cổ rồi phủ lên. Hy vọng sẽ bảo vệ con được phần nào", chị Lan cho biết.

Mang thai và sinh con giữa đại dịch khiến chị Lan gặp muôn vàn khó khăn. Những tháng đầu mang thai, một mình chị xoay sở với các cơn ốm nghén, do giãn cách xã hội, bố mẹ không thể từ quê ra thủ đô hỗ trợ. Đồng lương của chồng chị sụt giảm, gia đình sống chật vật.

Ở Bệnh viện Bạch Mai, tựa vào băng ghế dài, hai tay lướt điện thoại đọc báo, bà Bùi Thị Hòa, 68 tuổi, thở dài khi số ca Covid-19 tiếp tục tăng. Bà có tiền sử tăng huyết áp nên rất dè chừng. "Bần cùng lắm mới phải vào viện thôi", bà nói.

Bà Hòa đưa chồng đi cấp cứu ở Khoa A9, Bệnh viện Bạch Mai, sáng 6/2 do khó thở, tiền sử bệnh phổi mạn tính. Từ lúc vào viện, bà luôn đeo hai lớp khẩu trang và chọn chỗ vắng để ngồi, hạn chế tiếp xúc hay nói chuyện. Hành trang đi viện ngoài thuốc, vật dụng cá nhân còn có thêm vài chiếc khẩu trang trong túi.

Ban đầu, gia đình tính thuê người chăm sóc ông nhưng giá đắt đỏ, 15 triệu đồng một tháng mà chưa chắc đã tốt, hai mẹ con bảo nhau thay phiên chăm sóc bố.

Từ ngày vào viện, bà ăn không ngon, ngủ không yên. Bữa ăn chỉ khoảng ba đến 5 phút, rồi nhanh chóng đeo khẩu trang vào. Hàng ngày, bà tự chuẩn bị đồ ăn rồi mang vào viện để không phải đi lại nhiều. Ăn xong thì đến cửa rửa tay bằng lọ sát khuẩn có sẵn. Đêm, con gái vào viện trực thay mẹ. Dưới lùm cây, hàng ghế đá hay bất kỳ nơi nào cũng có thể trở thành nơi ngả lưng trong đêm. Thương con gái nằm ngủ giữa trời rét lạnh, bà Hoà ở nhà cũng thấp thỏm, ngủ không sâu giấc.

Bà Bùi Thị Hòa tranh thủ đọc thêm thông tin dịch bệnh khi ngồi ở băng ghế dài trước cửa Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, ngày 6/2. Ảnh: Thùy An
Bà Bùi Thị Hòa tranh thủ đọc thêm thông tin dịch bệnh khi ngồi ở băng ghế dài trước cửa Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, ngày 6/2. Ảnh: Thùy An

Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho biết, do Covid-19 bùng phát nên bệnh nhân đến khám phải qua sàng lọc kỹ, không ồ ạt đổ về tuyến trung ương như trước. Người đến khám chủ yếu ở khu vực lân cận.

Bệnh viện đảm bảo an toàn, chặn Covid-19 bằng cách tăng cường giám sát, thực hiện đo thân nhiệt, phân luồng, phân loại, sàng lọc, kiểm soát triệt để. Trong công tác khám chữa bệnh, chú ý phát hiện các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiền sử dịch tễ không rõ ràng... để chỉ định lấy mẫu xét nghiệm ngay hoặc cách ly, chuyển tuyến đúng, không để lây nhiễm chéo trong cộng đồng.

Các bệnh viện khác trên địa bàn cũng kích hoạt biện pháp bảo vệ bệnh nhân và cơ sở lên mức cao nhất những vẫn đảm bảo điều trị cho bệnh nhân nặng, bệnh nhân cấp cứu, chạy thận.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, người chạy thận được phát thẻ quản lý ra vào và bố trí phân luồng riêng rẽ, tránh tiếp xúc với những đối tượng khác trong bệnh viện. Buồng bệnh được bố trí thông thoáng, đảm bảo khoảng cách an toàn giữa các giường bệnh.

Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội xét nghiệm cho nhân viên y tế từ ngày 3/2 đến 5/2, Bệnh viện E xét nghiệm từ ngày 4/2 đến 7/2.

Tất cả bệnh nhân, người nhà và khách ra vào bệnh viện khác đều được kiểm tra theo đúng quy định của Bộ Y tế như đo nhiệt độ từ xa bằng máy đo hồng ngoại, khai báo điện tử kết hợp khai báo giấy. Nếu có nghi ngờ sẽ chuyển làm ngay làm xét nghiệm chẩn đoán.

Để chủ động phòng bệnh hô hấp, bác sĩ khuyến cáo mọi người tuân thủ "Thông điệp 5K" của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch, ăn chín uống sôi, che miệng khi hắt hơi. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất, tiêm vaccine phòng bệnh.

Sử dụng khẩu trang khi đi đường hoặc khi tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi. Hạn chế lưu thông những lúc đường đông, tránh khu vực thường bị ô nhiễm. Tập luyện thể dục phù hợp, nâng cao sức khỏe, cải thiện sức đề kháng.

Sau khi tiêm phòng, chị Lan phải ở lại 30 phút. Mỗi người ngồi cách nhau một ghế, đeo khẩu trang và không nói chuyện. Với chị, cách an toàn nhất là không tiếp xúc với bất kỳ ai, còn bệnh viện đã được khử khuẩn, bác sĩ có đeo tấm kính chống bắn và đều đã xét nghiệm sàng lọc nên chị yên tâm phần nào.

Còn bà Hòa vẫn ngồi ở băng ghế dài, bác sĩ cần thì chạy vào. Những ngày giáp Tết, bà cũng mong tình trạng chồng ổn định để sớm về nhà, ăn cái tết trọn vẹn, ấm cúng bên gia đình.

Thùy An

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Y tế 24h - 28/11/2024

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Y tế 24h - 27/11/2024

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Y tế 24h - 25/11/2024

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Y tế 24h - 21/11/2024

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Y tế 24h - 19/11/2024

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới