Đột quỵ não sau một năm chấn thương đầu
Bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Khoa Ngoại Thần kinh, cho biết bệnh nhân nhập viện cách đây hai tuần. Kết quả chẩn đoán hình ảnh phát hiện bệnh nhân bị xuất huyết nội sọ, xuất phát từ vết rò động tĩnh mạch màng cứng hiếm gặp.
Sau phẫu thuật, hiện bệnh nhân hồi phục tốt, không để lại khiếm khuyết thần kinh, đi đứng, sinh hoạt bình thường.
"Đường nứt sọ do chấn thương đầu cách một năm khả năng là nguyên nhân gây rò dẫn đến xuất huyết", bác sĩ Đức phân tích.
Theo bác sĩ Đức, xuất huyết nội sọ là một loại đột quỵ xảy ra khi mạch máu đột nhiên bị vỡ và máu tràn vào nhu mô não. Lượng máu trong não gia tăng áp lực có thể làm tổn thương các tế bào não. Trường hợp xuất huyết ồ ạt có thể khiến nạn nhân bất tỉnh hoặc tử vong.
Xuất huyết nội sọ có thể xảy ra ở nhiều khu vực khác nhau trong não. Có nhiều triệu chứng tiềm ẩn của xuất huyết nội sọ, trong đó đau đầu là một trong những triệu chứng mà nhiều người bỏ qua.
Một số triệu chứng ban đầu có thể bao gồm yếu người, mất cảm giác hoặc tê liệt một phần cơ thể, đau đầu, lú lẫn. Điều quan trọng là phải nhận biết được một số dấu hiệu và triệu chứng quan trọng như:
- Đau đầu đột ngột, dữ dội.
- Khó nói, khó hiểu hay mất khả năng viết hoặc đọc một cách đột ngột.
- Tê, ngứa đột ngột hoặc yếu ở một bên cánh tay, chân hoặc một bên mặt.
- Mê sảng, mất ý thức.
- Nôn hoặc buồn nôn.
- Mất thăng bằng.
- Đột ngột thay đổi về thị lực ở một hoặc cả hai mắt.
- Lú lẫn.
- Mất phối hợp vận động.
Theo bác sĩ Đức, xuất huyết nội sọ có thể xảy ra ở bất cứ ai. Những người bị huyết áp cao hoặc có các chấn thương vùng đầu từ trước có nguy cơ cao hơn. Các mạch máu bất thường trong não cũng có thể gây xuất huyết nội sọ. Các nguyên nhân ít gặp hơn gồm khối u, sử dụng chất làm loãng máu, vỡ phình động mạch não,vấn đề đông máu, lạm dụng một số loại thuốc, một số rối loạn khác về máu như thiếu máu hồng cầu hình liềm.
Người có triệu chứng xuất huyết nội sọ cần điều trị càng sớm càng tốt. Mục tiêu chính của điều trị là cầm máu dẫn lưu lượng máu đang chèn ép mô não. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương và vị trí xuất huyết trong não, người bệnh có thể cần chăm sóc, điều trị trong thời gian dài hay ngắn.
Có thể làm giảm nguy cơ mắc xuất huyết nội sọ bằng cách kiểm soát bệnh tiểu đường, bỏ thói quen hút thuốc, kiểm soát và điều trị bệnh tim, tập thể dục thường xuyên, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, điều trị huyết áp cao.
Bác sĩ thường chỉ định thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp CT hoặc MRI để xác nhận tình trạng và nguyên nhân nào gây ra xuất huyết. Hình ảnh này để xác định xem người đó có các triệu chứng do xuất huyết nội hay do một tình trạng khác, chẳng hạn như đột quỵ.
Một số trường hợp có thể sử dụng kỹ thuật chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA) để tìm kiếm những bất thường mạch máu. Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm máu giúp xác định các nguyên nhân khác gây ra tình trạng trên như bệnh tự miễn hoặc các vấn đề về đông máu.
Bênh nhân sẽ có tiên lượng kết quả tốt nếu điều trị sớm kể từ khi bắt đầu có tình trạng xuất huyết. Nếu khoảng thời gian bắt đầu có triệu chứng càng kéo dài thì lượng máu chảy càng nhiều, dẫn đến nhiều khả năng gặp các biến chứng nghiêm trọng bao gồm cả tử vong.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Y tế 24h - 15/11/2024
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Y tế 24h - 12/11/2024
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử