Đừng đến viện muộn khi mắc ung thư đường tiêu hóa
Đáng tiếc, nhiều trường hợp đến viện khi đã rất muộn nên việc đáp ứng điều trị kém.
Bất ngờ phát hiện ung thư dạ dày
Vốn khỏe mạnh, nhưng 1 năm gần đây, anh Phạm Văn Định (28 tuổi, ở Thanh Hóa) xuất hiện triệu chứng ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, ăn uống kém.
Công việc cuốn nhiều thời gian nên anh thường tự ý mua thuốc dạ dày về uống, tình trạng bệnh có đỡ nhưng không khỏi hẳn. Đi khám ở bệnh viện tỉnh, anh nhận được kết quả nghi ngờ ung thư dạ dày.
Lo lắng, anh Định tìm đến Bệnh viện K Trung ương. Tại đây, sau khi khám, chụp chiếu và làm sinh thiết, anh được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày và được chỉ định cắt hớt niêm mạc qua nội soi.
Còn bệnh nhân Lê Lan Anh (27 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) đến bệnh viện khám trong tình trạng đau bụng, rối loạn đại tiện.
Chị cho biết, thi thoảng bị đau bụng quanh rốn khi buồn đại tiện, phân có lúc có máu, dù không sốt, không nôn, không gầy sút cân. Kết quả siêu âm ổ bụng và nội soi đại trực tràng xuất hiện nhiều hạch mạc treo hố chậu phải và tổn thương sùi loét.
BS. Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa Ngoại Bụng, Bệnh viện K Trung ương cho biết, ung thư đường tiêu hóa bao gồm: Ung thư thực quản, dạ dày, đại tràng, trực tràng, tuyến tụy, đường mật, gan… thường gặp ở những người trên 50 tuổi.
Tuy nhiên, tỷ lệ mắc trong nhiều năm gần đây tăng nhanh và gặp ở lứa tuổi trẻ hơn. Tại Bệnh viện K, có những bệnh nhân mới chỉ 20 tuổi.
Còn tại khoa Phẫu thuật tiêu hóa của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trung bình một tuần phẫu thuật từ 2 - 3 ca ung thư dạ dày, trong đó có những ca tuổi đời còn rất trẻ.
BS. Phạm Hoàng Hà, Trưởng khoa cho biết, do ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm không có triệu chứng rõ ràng nên rất dễ bị bỏ qua. Khi xuất hiện các dấu hiệu ợ hơi, ợ chua, đau vùng thượng vị... người bệnh cần nghĩ ngay đến nguy cơ ung thư dạ dày và đi khám sớm.
“Trên thực tế, nhiều người đến bệnh viện khi xuất hiện tình trạng nôn ra máu, đi ngoài phân đen... lúc này đã ở giai đoạn muộn”, BS. Hà nói.
Cách nào phát hiện sớm?
BS. Hà Hải Nam cho biết, tầm soát ung thư đường tiêu hóa là một trong những phương pháp phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư chính xác nhất hiện nay. Từ đó, các bác sĩ sẽ đưa ra được phác đồ điều trị phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
Còn theo BS. Nguyễn Quốc Thái, Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, nội soi thực quản dạ dày hoặc đại tràng cho độ chính xác cao nhất, giúp tầm soát, phát hiện các dấu hiệu tiềm ẩn của ung thư đường tiêu hóa.
Những yếu tố nguy cơ gây ra ung thư đường tiêu hóa có thể kể đến gồm: Tuổi tác, lối sống thiếu lành mạnh, thói quen ăn mặn, ăn nhiều thịt, ít rau xanh, ô nhiễm môi trường...
Người mắc ung thư đường tiêu hóa thường có các triệu chứng như: Đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn, thiếu máu, sụt cân đột ngột, táo bón, tiêu chảy, đi ngoài ra máu... Mặc dù đây là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhưng hoàn toàn có thể chữa trị nếu bệnh được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời.
BS. Hà Hải Nam
Nội soi đại tràng là lựa chọn được ưu tiên trong tầm soát ung thư đại trực tràng với tỷ lệ phát hiện ung thư và polyp tuyến của phương pháp này đạt 95 - 100%.
Ngoài ra, nội soi đại tràng còn cho phép bác sĩ loại bỏ tổn thương và polyp tuyến trước khi chuyển thành ác tính ở bất kỳ vị trí nào trong lòng ruột.
Với nội soi thực quản - dạ dày, bác sĩ quan sát trực tiếp niêm mạc ống tiêu hóa, tìm kiếm các sang thương, tiền ung thư như viêm teo, loạn sản, polyp... bằng ống soi có gắn camera. Nội soi có thể phát hiện, sinh thiết để chẩn đoán xác định ung thư.
BS. Thái cho biết thêm, ung thư tiêu hóa thường diễn tiến âm thầm, khó nhận biết, do đó không nên đợi đến khi có triệu chứng mới tới bệnh viện.
Độ tuổi được khuyến cáo cho các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ trung bình nên bắt đầu tầm soát là từ 40 - 45 tuổi. Tùy theo yếu tố nguy cơ, mọi người có thể tầm soát định kỳ 2 - 3 năm/lần.
Đối với ung thư đại tràng, những đối tượng từ 50 tuổi trở lên hoặc có nguy cơ cao, đặc biệt gia đình có người thân bị ung thư phải tầm soát sớm.
“Nếu kết quả tầm soát đại tràng bình thường, mọi người có thể tầm soát định kỳ 10 năm/lần. Nếu kết quả cho thấy có nguy cơ cao, có thể phải kiểm tra lại với thời gian ngắn hơn từ 2 - 3 năm/lần hoặc thậm chí 6 tháng/lần”, BS. Thái khuyến cáo.
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Liệt nửa người sau mũi tiêm trị đau vai gáy ở phòng khám tư
Y tế 24h - 15/01/2025
Liệt nửa người sau mũi tiêm trị đau vai gáy ở phòng khám tư
Bình Thuận: Sau bữa cơm với cá nóc, 1 người tử vong, 4 người nhập viện
Y tế 24h - 07/01/2025
Bình Thuận: Sau bữa cơm với cá nóc, 1 người tử vong, 4 người nhập viện
Bộ Y tế bám sát thông tin về ca mắc virus gây viêm phổi tại Trung Quốc
Y tế 24h - 06/01/2025
Bộ Y tế bám sát thông tin về ca mắc virus gây viêm phổi tại Trung Quốc
Thêm nhiều bệnh nhân được hồi sinh từ tạng hiến vào ngày đầu năm mới
Y tế 24h - 03/01/2025
Thêm nhiều bệnh nhân được hồi sinh từ tạng hiến vào ngày đầu năm mới
Từ 1/1/2025, người dân có thêm tiện ích mua thuốc online trên VNeID
Y tế 24h - 02/01/2025
Từ 1/1/2025, người dân có thêm tiện ích mua thuốc online trên VNeID