Gia tăng trẻ nhập viện vì xuất huyết tiêu hóa
Nhiều trẻ liên tiếp nhập viện
Thấy con thường kêu hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đi ngoài phân đen, đau bụng, bố mẹ em H.M.T (16 tuổi, Ninh Bình) vội đưa con về Bệnh viện Bạch Mai khám. Tại đây, T được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa do loét hành tá tràng có nhiễm vi khuẩn H.pylori, phải nhập viện điều trị nội trú.
Nội soi giúp phát hiện nguyên nhân gây xuất huyết đường tiêu hóa ở trẻ.
Chia sẻ của gia đình, trước đó 2 tháng, T đã điều trị tại bệnh viện địa phương với tình trạng tương tự. Tuy nhiên, lần này các dấu hiệu nặng hơn.
Tại đây, em N.K.L (13 tuổi, Hà Nội) cũng điều trị do tái phát bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng. Trước đó, L từng xuất huyết tiêu hóa do loét hành tá tràng, có nhiễm vi khuẩn H.pylori.
BS Nguyễn Hữu Hiếu, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, liên tục những tháng gần đây, trung tâm tiếp nhận nhiều thanh, thiếu niên tới điều trị vì xuất huyết dạ dày với số lượng tăng lên mỗi tuần.
Đáng lưu ý, không ít trẻ viêm loét dạ dày, tá tràng có biến chứng xuất huyết tiêu hóa kèm theo nhiễm vi khuẩn H.pylori tái phát sau khi đã điều trị tại địa phương.
Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các bác sĩ cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhi xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày, tá tràng. Em N.T.P (14 tuổi, Ninh Bình) được gia đình đưa đến khám khi có biểu hiện đau bụng vùng thượng vị khoảng vài tháng nay, đau chủ yếu khi đói, kèm theo ợ hơi.
Ngoài ra, trẻ đi ngoài phân đen kèm theo triệu chứng chóng mặt tăng dần. Khi đến viện, P được phát hiện ổ loét hành tá tràng. Sau 7 ngày điều trị, trẻ được xuất viện và dùng thuốc theo đơn ngoại trú.
Còn em T.V.T (12 tuổi, Hà Nội) được gia đình đưa vào viện vì nôn ra máu và chóng mặt. Với biểu hiện tương tự em P, em T được phát hiện ổ loét mặt trước hành tá tràng sau khi nội soi. Sau 8 ngày điều trị ổn định, không có biểu hiện tái xuất huyết.
Nhiều nguyên nhân gây bệnh
Theo BS Phạm Văn Dương, Khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, dù ít gặp nhưng trẻ vẫn có thể gặp viêm dạ dày cấp, mạn tính, viêm tá tràng cấp tính như ở người lớn. Nếu viêm loét dạ dày, tá tràng không được phát hiện sớm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có xuất huyết tiêu hóa.
Xuất huyết tiêu hóa là một bệnh lý tiêu hóa thường xảy ra ở trẻ em. Trong nhiều trường hợp có thể lành tính và trong nhiều trường hợp cần đến can thiệp, cấp cứu kịp thời để tránh biến chứng và nguy cơ tử vong.
BS Phạm Văn Dương, Khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
BS Nguyễn Hữu Hiếu cho hay, xuất huyết đường tiêu hóa có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, viêm thực quản, viêm dạ dày, loét hành tá tràng.
Các yếu tố nguy cơ rất đa dạng như sử dụng một số thuốc (corticosteroid, NSAIDS...), các chất ăn mòn, dị vật đường tiêu hóa, tiền sử bản thân và gia đình mắc các bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, có người nhiễm vi khuẩn H.pylori, rối loạn đông máu, rối loạn huyết học và một số bệnh tiêu hóa phức tạp khác.
Trực tiếp điều trị cho nhiều trẻ tái phát xuất huyết tiêu hóa, BS Hiếu cho biết, viêm loét dạ dày, tá tràng có nhiễm vi khuẩn H.pylori nhưng các em chưa tuân thủ đúng phác đồ điều trị.
Thêm nữa là chế độ ăn uống nghỉ ngơi sinh hoạt cũng chưa phù hợp như ăn xong đã hoạt động thể lực, học bài ngay hoặc mải chơi điện tử, ăn và uống những thực phẩm không an toàn, nhiễm hóa chất.
Làm gì để phòng tránh?
BS Hiếu khuyến cáo, để phòng bệnh, ăn uống hợp vệ sinh là khâu quan trọng hàng đầu. Trong gia đình khi có người bị viêm loét dạ dày, tá tràng do H.pylori thì bát, đũa, cốc, chén không nên dùng chung hoặc phải nhúng vào nước đun sôi sau khi đã rửa sạch. Không mớm thức ăn, không ôm hôn trẻ.
Ngoài ra, cần hạn chế thức ăn chua, cay, nhiều dầu mỡ; Không ăn đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh; Không cho trẻ xem tivi, chơi điện tử trong khi ăn; Không gây áp lực cho trẻ về cuộc sống, sinh hoạt, học tập, nên tạo tâm lý thoải mái qua đó giúp cho việc điều trị bệnh trở nên thuận lợi hơn. Đồng thời, cần chú ý cho trẻ ăn đầy đủ 3 bữa chính, nên ăn đúng giờ, khuyến khích trẻ ăn chậm, nhai kỹ.
"Để phòng bệnh, cha mẹ nên trang bị kiến thức về cách chăm sóc, quản lý chế độ ăn uống, sinh hoạt, học tập, vui chơi của các em. Nếu các em có dấu hiệu nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc phân máu kèm các biểu hiện khác như: Đau bụng, nuốt đau, ợ hơi, ợ chua, ăn kém, mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, sụt cân, da tái nhợt, xanh xao… cần đưa đến các cơ sở y tế", BS Dương nhấn mạnh.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/gia-tang-tre-nhap-vien-vi-xuat-huyet-tieu-hoa-192240723091923758.htm
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ