Hội chứng động mạch mạc treo tràng trên hiếm gặp

Theo NhanDan 10:03 02/06/2022 - Y tế 24h
Hội chứng động mạch mạc treo tràng trên (Wilkie) rất hiếm gặp, chỉ xuất hiện khoảng ở 0,013-0,3% dân số là bệnh lý khó chẩn đoán, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như viêm tụy, viêm loét dạ dày, khó tiêu chức năng.
Bác sĩ Quỳnh Ngân thăm khám cho bệnh nhân.
Bác sĩ Quỳnh Ngân thăm khám cho bệnh nhân.

Bệnh nhân Q. (19 tuổi) nhập viện trong tình trạng sụt cân nhiều, suy dinh dưỡng, ăn uống kém, buồn nôn và nôn ói liên tục ngay cả khi uống nước, đau âm ỉ ở thượng vị. Em là học sinh cuối cấp đang ôn thi đại học, tiền căn không ghi nhận gì đặc biệt.

2-3 tháng trước, Q. thường ăn mau no, buồn nôn. Đặc biệt gần đây, do thời gian thức khuya học nhiều cùng với stress căng thẳng do thi cử, nên em thường xuyên đau bụng, nôn ói nhiều, không ăn uống được.

ThS, BSCKII Lê Thanh Quỳnh Ngân, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, Q. đến bệnh viện trong tình trạng sụt cân nhiều, gầy suy kiệt, xét nghiệm máu ghi nhận tình trạng rối loạn điện giải, bệnh nhân cần được thăm khám ngay, làm thêm cận lâm sàng chuyên sâu để chẩn đoán nguyên nhân bệnh và điều trị nâng đỡ.

Sau chụp CT, bệnh nhân được chẩn đoán mắc một hội chứng hiếm gặp có tên là hội chứng động mạch mạc treo tràng trên, hay còn gọi là hội chứng Wilkie. Đây là trường hợp hiếm gặp của tình trạng tắc nghẽn đường tiêu hóa trên, do sự gập góc giữa động mạch mạc treo tràng trên và động mạch chủ bụng gây chèn ép đoạn D3 tá tràng. Nếu chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị có thể dẫn đến biến chứng rối loạn điện giải và kiềm toan, suy kiệt…

Kết quả CT cho thấy góc động mạch mạc treo tràng trên – động mạch chủ của người bệnh chỉ 110 so với bình thường là 300.
Kết quả CT cho thấy góc động mạch mạc treo tràng trên – động mạch chủ của người bệnh chỉ 110 so với bình thường là 300.

Các bác sĩ Khoa Nội tiêu hóa tiến hành hội chẩn liên khoa Dinh dưỡng, Ngoại tiêu hóa để phối hợp điều trị. Bắt đầu bằng việc điều trị tích cực, giảm đau, kháng tiết, nâng đỡ tổng trạng của người bệnh.

Sau 6 ngày điều trị, tình trạng người bệnh được cải thiện rõ rệt. Bệnh nhân hết nôn ói, ăn uống được, tổng trạng khá hơn và có thể xuất viện tiếp tục kỳ thi đại học trước mắt. 

Bác sĩ Huỳnh Hoài Phương, Khoa Nội tiêu hóa cho biết, do người bệnh còn quá trẻ nên việc điều trị nội khoa tích cực được ưu tiên lựa chọn để vừa giúp giải quyết tình trạng tắc nghẽn, nâng tổng trạng vừa phòng ngừa phẫu thuật.

Người bệnh cần tránh những yếu tố thúc đẩy trong sinh hoạt như chế độ ăn uống, stress, chấn thương… có thể làm bệnh tái phát và diễn tiến nặng hơn dẫn đến khả năng phải phẫu thuật.

Hội chứng Wilkie rất hiếm gặp, chỉ xuất hiện khoảng ở 0,013%-0,3% dân số. Y văn thế giới ghi nhận tình trạng này xảy ra nhiều nhất ở người trẻ từ 10-39 tuổi. Nữ mắc bệnh nhiều hơn nam.

Nguyên nhân của bệnh là do sự giảm mô mỡ đột ngột sau khi mắc một bệnh lý nặng gây suy yếu, sau phẫu thuật can thiệp nắn chỉnh biến dạng cột sống, do bẩm sinh hay những can thiệp khiến dây chằng Treiz cao bất thường.

Triệu chứng lâm sàng của bệnh rất đa dạng và không đặc hiệu như: buồn nôn nôn ói sau ăn, nôn ra dịch mật, đau bụng, sụt cân... Triệu chứng có thể xảy ra cấp tính hay mạn tính, nặng lên sau bữa ăn và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác như: viêm tụy, viêm loét dạ dày, khó tiêu chức năng…

Mức độ nặng của các triệu chứng tùy thuộc vào mức độ chèn ép do gập góc động mạch mạc treo tràng trên-động mạch chủ bụng. 

Ở người lớn, triệu chứng của hội chứng Wilkie xảy ra khi góc động mạch mạc treo tràng trên – động mạch chủ bụng giảm dưới 200. Ở bệnh nhân trẻ em, góc này còn nhỏ hơn. 

Bác sĩ thường sẽ thực hiện chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá góc động mạch và khoảng cách hai động mạch, đánh giá mức độ hẹp tá tràng, khối mỡ sau phúc mạc. Tuy nhiên, chẩn đoán hội chứng Wilkie là một thách thức và thường bị chậm trễ. 

Chia sẻ về phương pháp điều trị Hội chứng Wilkie, bác sĩ Lê Thanh Quỳnh Ngân cho biết, điều trị cơ bản trong giai đoạn cấp tính là các biện pháp bảo tồn như giải áp dạ dày, dinh dưỡng tĩnh mạch hỗ trợ, thay đổi chế độ ăn đường miệng, chia nhỏ bữa ăn và lưu ý tư thế trong bữa ăn, sử dụng các thuốc tăng lưu động...

Nếu điều trị bảo tồn thất bại, phương án phẫu thuật sẽ được đặt ra. Thông thường là nối dạ dày tá tràng để giảm tắc nghẽn. Phương pháp này có tỷ lệ thành công đến 90%. Nối vị tràng cũng từng được báo cáo là một biện pháp điều trị ngoại khoa, nhưng đang dần bị lãng quên do tăng biến chứng sau mổ, triệu chứng tái phát do tá tràng không được giải áp.

Chuyên gia này khuyến cáo, nếu xuất hiện triệu chứng ăn uống kém, ăn mau no, sụt cân, chán ăn, đau bụng, buồn nôn, nôn ói… thì đừng chủ quan, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và chẩn đoán, điều trị sớm để tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Y tế 24h - 15/11/2024

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Y tế 24h - 12/11/2024

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Y tế 24h - 31/10/2024

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Y tế 24h - 14/10/2024

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Y tế 24h - 02/10/2024

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới