Hứa hẹn vaccine Covid-19 Trung Quốc
Theo thông tin được công bố ngày 16/6, đây là loại vaccine bất hoạt, phát triển tại một viện nghiên cứu có trụ sở Vũ Hán, liên kết với Sinopharm, công ty mẹ của CNBG.
Thử nghiệm thực hiện trong vòng 28 ngày, kể từ 12/4, trên 1.120 người. Tất cả có sức khỏe bình thường, đều trong độ tuổi từ 18 đến 59. Mỗi người được tiêm hai mũi vaccine.
Kết quả cho thấy các tình nguyện viên đều sinh lượng kháng thể cao mà không trải qua tác dụng phụ nghiêm trọng. Công ty cho biết đây là "ứng viên" tiềm năng nhất trong số những sản phẩm tương tự đang được phát triển ở Trung Quốc.
"Kết quả vô cùng hứa hẹn, dữ liệu về tính an toàn và đặc hiệu của vaccine đã làm gia tăng đáng kể niềm tin của chúng tôi trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh", đại diện CNBG phát biểu.
Giai đoạn 3 của nghiên cứu dự kiến thực hiện ở nước ngoài. Công ty đã đạt được thỏa thuận với các doanh nghiệp và viện nghiên cứu tại một số quốc gia và đang tiếp tục mở đơn đăng ký, tìm kiếm thêm tình nguyện viên tham gia thử nghiệm. Hãng cũng thành công xây dựng một nhà máy sản xuất với tiêu chuẩn an toàn sinh học cao, đủ để cung ứng vaccine trong trường hợp khẩn cấp.
Theo truyền thông địa phương, vaccine mới đã được CNBG tiêm thử cho các nhân viên doanh nghiệp nhà nước, cần đi công tác nước ngoài, nhằm có thêm cơ sở dữ liệu về độ an toàn và hiệu quả.
Kể từ khi Covid-19 khởi phát, nhiều hãng dược và cả chính phủ Trung Quốc ráo riết chạy đua để tìm cách ngăn ngừa và điều trị hiệu quả. Tháng trước, các chuyên gia thông báo một "ứng viên" khác, được phát triển bởi Viện Công nghệ Sinh học Bắc Kinh, cho thấy tác dụng trong việc bảo vệ cơ thể người khỏe mạnh khỏi mầm bệnh.
Chính quyền đại lục có tham vọng soán ngôi Mỹ trong cuộc đua điều chế, hứa hẹn sản xuất vaccine sớm nhất vào tháng 9, ngay cả khi chưa hoàn thành thử nghiệm lâm sàng. Đến nay, quốc gia sở hữu tổng cộng 5 vaccine đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Một số công ty vốn đầu tư nhà nước đã cam kết bỏ ra hàng trăm triệu đô la nhằm xoá bỏ các rào cản pháp lý, đẩy nhanh quá trình phát triển. Bản thân CNBG rót hơn 5 tỷ nhân dân tệ (703 triệu USD) để tiến hành nghiên cứu.
Trung Quốc không thử sức với những công nghệ điều chế tiên tiến như sử dụng RNA thông tin. Các nhà khoa học phát triển loại vaccine truyền thống, dựa trên virus bất hoạt được nuôi cấy và làm giảm độc lực. Đây là hình thức tiêm chủng cổ điển và phổ biến, từng dùng để chống lại bệnh cúm thông thường, viêm gan A, bại liệt và bệnh dại. Nó được đánh giá là phức tạp và tốn nhiều chi phí hơn.
Sản phẩm của CNBG là loại vaccine bất hoạt đầu tiên ngừa Covid-19 được chấp thuận thử nghiệm lâm sàng.
Thục Linh (Theo China Daily, Reuters)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Y tế 24h - 14/10/2024
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Y tế 24h - 02/10/2024
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa
Y tế 24h - 01/10/2024
Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa
Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch
Y tế 24h - 30/09/2024
Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch