Khênh người bệnh vượt 40 km trong mưa lũ đến bệnh viện

Theo VnExpress 12:00 20/10/2020 - Y tế 24h
QUẢNG BÌNH - Người đàn ông 58 tuổi, ở bản Chút Mút, gần đồn Biên phòng 109, huyện Lệ Thủy, bị thoát vị bẹn, đau bụng, đi cầu ra máu, trong khi toàn vùng ngập trong biển nước.

Mưa lũ, sạt lở, giao thông chia cắt, không có phương tiện giao thông đi lại, hàng xóm phân công nhau khênh ông qua 4 đoạn đường, mỗi đoạn 10-12 km. Sau đó, đến được đường lộ khô ráo, họ đi nhờ xe ngang đường để đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới. Tổng cộng, bệnh nhân phải di chuyển khoảng 60 km mất hai ngày mới đến được bệnh viện cấp cứu.

Bác sĩ Hoàng Minh Hùng, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, kể khi đến viện, bệnh nhân đau bụng rất nhiều kèm theo mất máu. Các bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật khẩn cấp.

Một bệnh nhân khác, 64 tuổi, ở thị trấn Kiến Giang, đau bụng dữ dội suốt hai ngày kèm sốt. Ông được người nhà đưa đến Bệnh viện huyện Lệ Thủy đêm 17/10 trong cơn mưa như trút nước, song bệnh viện ngập hết tầng một, mất điện. Khi nhập viện, bác sĩ chẩn đoán ruột thừa viêm sắp vỡ, tiên lượng nặng, cần phẫu thuật khẩn cấp. Tuy nhiên, bệnh viện huyện Lệ Thủy ngập lụt nhiều ngày nay vì mưa lũ. Mất điện, không có máy phát, ca phẫu thuật không thể tiến hành.

Đêm tối, mưa lớn, các bác sĩ không thể chuyển bệnh nhân lên tuyến trên ngay tức thì, trong khi tình trạng đau bụng ngày càng tăng nặng. Mãi đến trưa hôm sau, bệnh viện mới thuê được cano theo con sông đi 6 km chuyển bệnh nhân lên Quốc lộ 1, sau đó thuê tiếp ôtô chạy với tốc độ 20 km/h đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới. Chiều muộn 18/10, bệnh nhân mới đến được viện.

"Khi đến bệnh viện, ruột thừa viêm đã vỡ mủ, nhiễm trùng nặng, nguy cơ đe dọa tính mạng", bác sĩ Hoàng Minh Hùng, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, kể lại.

Kíp phẫu thuật lập tức tiến hành nội soi cắt ruột thừa, súc rửa ổ bụng, may mắn, bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Bệnh nhân sau phẫu thuật cấp cứu viêm ruột thừa, hiện sức khỏe ổn định. Ảnh bác sĩ cung cấp
Bệnh nhân sau phẫu thuật cấp cứu viêm ruột thừa, hiện sức khỏe ổn định. Ảnh bác sĩ cung cấp

Họ là hai trong số gần 200 bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện từ các vùng lụt, trong những ngày qua. Bác sĩ Hùng nhận định: "Mưa lũ, sạt lở dài ngày khiến các bệnh viện tuyến dưới ngập lụt nặng nề, cộng thêm giao thông chia cắt nghiêm trọng, gây khó khăn trong tình huống cần tiếp cận, vận chuyển cấp cứu bệnh nhân".

Các bệnh nhân đa số đi bằng xe kết hợp xuồng hoặc phải khênh. Nhiều bệnh nhân bị mất hết giấy tờ do nước chảy xiết cuốn trôi, không có quần áo, không có bảo hiểm y tế.

"May mắn không có vụ lật thuyền, không có tai nạn. Bệnh nhân nặng đến viện muộn đều được cấp cứu kịp thời, chưa có trường hợp tử vong", bác sĩ nói.

Do phải tiếp nhận thêm các bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển đến, số bệnh nhân nhập viện tăng. Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới đang điều trị khoảng 950 người, tăng 150 bệnh nhân so với bình thường. Cùng với đó, mưa lũ cuốn trôi nhà cửa khiến các bệnh nhân đã khỏi bệnh không được về nhà. Vì vậy, một số khoa bệnh viện đang xảy ra tình trạng quá tải do phải bố trí lưu trú lại cho bệnh nhân.

Trong khi đó, tầng một Khoa Dinh dưỡng và một phần Khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn bị ngập nước. Bệnh viện phải hoãn mổ chương trình, ưu tiên mổ cấp cứu. Theo bác sĩ Hùng, hiện bệnh viện vẫn dự trữ đủ thuốc thang, vật tư y tế, trang thiết bị để phục vụ tại chỗ cho người dân, song nếu tình trạng kéo dài, có thể sẽ gây trở ngại. Đặc biệt, bệnh viện đang thiếu nguồn cung máu từ Trung tâm Huyết học miền Trung, dự kiến đến cuối tuần cần thêm 200-250 đơn vị máu để truyền cho bệnh nhân.

Bệnh viện hiện chỉ còn 3/4 nhân viên y tế làm việc, 1/4 người còn lại không thể đến viện vì ngập lụt. Bệnh viện đang phát động phong trào tình nguyện tại chỗ, kêu gọi y bác sĩ .

Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, ngày 19/10. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, ngày 19/10. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Đài khí tượng thủy văn Quảng Bình dự báo trong 6-12 giờ tới, lũ trên các sông xuống rất chậm và vẫn ở mức rất cao, ngập lụt sâu trên diện rộng các huyện Quảng Trạch, Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh, thị xã Ba Đồn, thành phố Đồng Hới. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi.

Những ngày qua Quảng Bình và các tỉnh miền Trung liên tục mưa to, ngập lụt, nhiều nơi xảy ra sạt lở, lũ quét. 102 người chết, 26 người mất tích. Thiệt hại về người nhiều nhất là Quảng Trị 48 người, Thừa Thiên Huế 27 người và Quảng Nam 11 người, theo Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai thông tin, tối 19/10.

Thúy Quỳnh

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Liệt nửa người sau mũi tiêm trị đau vai gáy ở phòng khám tư

Liệt nửa người sau mũi tiêm trị đau vai gáy ở phòng khám tư

Y tế 24h - 15/01/2025

Liệt nửa người sau mũi tiêm trị đau vai gáy ở phòng khám tư

Bình Thuận: Sau bữa cơm với cá nóc, 1 người tử vong, 4 người nhập viện

Bình Thuận: Sau bữa cơm với cá nóc, 1 người tử vong, 4 người nhập viện

Y tế 24h - 07/01/2025

Bình Thuận: Sau bữa cơm với cá nóc, 1 người tử vong, 4 người nhập viện

Bộ Y tế bám sát thông tin về ca mắc virus gây viêm phổi tại Trung Quốc

Bộ Y tế bám sát thông tin về ca mắc virus gây viêm phổi tại Trung Quốc

Y tế 24h - 06/01/2025

Bộ Y tế bám sát thông tin về ca mắc virus gây viêm phổi tại Trung Quốc

Thêm nhiều bệnh nhân được hồi sinh từ tạng hiến vào ngày đầu năm mới

Thêm nhiều bệnh nhân được hồi sinh từ tạng hiến vào ngày đầu năm mới

Y tế 24h - 03/01/2025

Thêm nhiều bệnh nhân được hồi sinh từ tạng hiến vào ngày đầu năm mới

Từ 1/1/2025, người dân có thêm tiện ích mua thuốc online trên VNeID

Từ 1/1/2025, người dân có thêm tiện ích mua thuốc online trên VNeID

Y tế 24h - 02/01/2025

Từ 1/1/2025, người dân có thêm tiện ích mua thuốc online trên VNeID

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới