Mệt mỏi dai dẳng ở người khỏi Covid-19
Khi Morena Colombiai được xét nghiệm âm tính hôm 16/3, giới chức y tế chính thức ghi nhận bà là một người đã khỏi Covid-19. Tuy nhiên các triệu chứng như ho, khó thở và mệt mỏi vẫn đeo đẳng người phụ nữ 59 tuổi.
Ngày 21/4, 5 tuần sau khi xuất viện, bà trở lại làm việc tại công ty mỹ phẩm, nhưng không thể đi bộ dù chỉ một đoạn ngắn bởi cảm giác khó thở và đau cơ hành hạ. Colombiai tái khám. Kết quả vẫn âm tính với virus, bác sĩ xác nhận bà đã khỏi bệnh hoàn toàn, chỉ đang trong giai đoạn bình phục.
"Mất quá nhiều thời gian. Tôi không thể trở lại nhịp sống thường nhật", Colombiai nói.
Italy, nơi bà sinh sống, là một trong những nước châu Âu đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Khu chăm sóc tích cực tại các bệnh viện bị quá tải với toàn người già. Dịch bệnh sau đó mới lan đến những quốc gia khác như Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ và Anh.
Một cách khó khăn, nhiều người Italy phải làm quen với các triệu chứng lưu lại đến hàng tuần liền sau khi khỏi bệnh. Quá trình hồi phục có thể lâu hơn nữa. Sự "cứng đầu" của Covid-19 trở thành mối bận tâm lớn, đặc biệt là đối với những người đang gặp bất ổn tài chính. Dù đã xuất viện, họ không thể rũ bỏ hoàn toàn bệnh tật và trở lại làm việc bình thường.
"Chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp mất rất, rất lâu để hoàn toàn khỏe lại. Bản thân căn bệnh không kéo dài tới 60 ngày, mà là thời gian hồi phục. Nó quá lâu", Alessandro Venturi, giám đốc bệnh viện San Matteo, khu vực Lombardy, nói. Ông cũng nhận định hiện tượng này phổ biến hơn ở các ca nhiễm nCoV nhẹ.
Hầu hết người mắc Covid-19 có ít triệu chứng hoặc không biểu hiện gì. Song một số trường hợp chuyển nặng, thường gặp nhất là viêm phổi. Cơ quan này sẽ bị tổn hại nặng nề, thường mất vài tháng để hoàn toàn lành lặn. Bác sĩ cũng cảnh báo bệnh có thể để lại di chứng vĩnh viễn.
Các nghiên cứu khác chỉ ra rằng Covid-19 ảnh hưởng đến thận, tim, gan và hệ thần kinh, thường do nhiễm trùng thứ phát, không thể đoán trước hệ quả lâu dài là gì.
Tuy nhiên một số bệnh nhân, dù không bị viêm phổi, vẫn cảm thấy mệt mỏi, nhức xương khớp, đau dạ dày sau khi đã khỏi bệnh. Có những ngày sức khỏe họ dần ổn định, song sự khó chịu ập đến ngay sau đó, chẳng bởi nguyên do cụ thể nào.
Annalisa Malara, bác sĩ khoa hồi sức tích cực tại thành phố Codogno, tỉnh Lodi, người đã chẩn đoán trường hợp dương tính đầu tiên tại Italy hồi tháng 2, cho biết hiện chưa rõ vì sao triệu chứng của Covid-19 kéo dài lâu đến vậy.
"Phổ biến nhất là thiếu năng lượng và đau nhức xương khớp dữ dội. Cảm giác này kéo dài dù các biểu hiện nghiêm trọng hơn đã biến mất", bà nói.
Khi miền bắc Italy nới lỏng lệnh phong tỏa, nhiều bệnh nhân có cơ hội so sánh tình trạng họ gặp phải với bạn bè, người thân.
"Nó (các triệu chứng) chẳng bao bao giờ kết thúc cả", Martina Sorlini, một giáo viên trung học, nói. Cô vẫn bị sốt nhẹ kể từ đầu tháng 3 đến nay.
Ban đầu khi mới ra viện, các cơn ho và đau họng không còn nữa. Sorlini đã lấy lại được vị giác và thính giác sau ba tuần. Cô thậm chí đủ sức để chạy bộ và chăm sóc vườn rau. Tuy nhiên đến một ngày, triệu chứng đau bụng, mệt mỏi và các cơn sốt sốt đột ngột trở lại, dai dẳng đeo bám đến nay, khiến việc dạy học trực tuyến của giáo viên 29 tuổi vô cùng khó khăn.
"Tôi cứ nghĩ rằng mình đã khỏe hơn. Bác sĩ không biết chuyện gì xảy ra. Họ cũng mới thấy điều này lần đầu", cô chia sẻ.
Một số chuyên gia cho rằng cần chú ý hơn đến triệu chứng kéo dài sau khi người bệnh đã âm tính virus. Ông Edmondo Cirielli, thành viên Nghị viện Italy đồng tình với ý kiến này.
Ngày 7/3, Cirielli bị sốt và có biểu hiện giống với cảm lạnh. Ông xét nghiệm dương tính trong cùng tuần. Ông phải nhập viện vì có vấn đề hô hấp, song được trả về nhà do không bị viêm phổi. Sau 40 ngày ốm nặng, ông xét nghiệm âm tính virus và được tuyên bố khỏi bệnh. Tuy nhiên Cirielli vẫn cảm thấy đau mắt và bị tiêu chảy.
Cuối tháng 3, sức khỏe của ông dần ổn định. Song kết quả tái khám lại cho ra dương tính. Cirielli phải tiếp tục cách ly nhiều tuần.
Trường hợp của Cirielli cũng cho thấy công tác xét nghiệm còn nhiều lỗ hổng, một số người dân thậm chí không được chẩn đoán.
Ingrid Magni, 44 tuổi, bị sốt ngày 21/3. "Tôi chẳng bao giờ khỏe hẳn", cô nói, bổ sung thêm mình cảm thấy đau đầu dữ dội khoảng ba tuần sau đó. Vì tình trạng quá tải, bác sĩ chỉ có thể kê đơn thuốc đau đầu và đề nghị nghỉ ngơi tại nhà. Magni cảm thấy choáng váng ngay cả khi dọn giường ngủ.
"Tôi đã phải ngồi xuống vì quá mệt", cô kể lại.
Bởi tình trạng khan hiếm vật tư y tế, cô vẫn chưa nhận được kết quả xét nghiệm kháng thể. Magni mong muốn trở lại làm việc, song không biết liệu bác sĩ sẽ đề nghị cách ly thêm bao nhiêu ngày.
Thục Linh (Theo NY Times)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Y tế 24h - 14/10/2024
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Y tế 24h - 02/10/2024
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa
Y tế 24h - 01/10/2024
Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa
Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch
Y tế 24h - 30/09/2024
Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch