Mổ nội soi chữa ung thư thực quản
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó nuốt, cơ thể suy kiệt, cân nặng giảm nhanh chóng trong vòng ba tháng. Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM phát hiện ông bị ung thư thực quản ngực một phần ba giữa, giai đoạn hai.
Bác sĩ Võ Duy Long, Phó trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa cho biết, các phẫu thuật viên đã phẫu thuật nội soi ngực, bụng để cắt phần thực quản hỏng và tạo hình thực quản mới bằng dạ dày. Người bệnh chỉ nằm ở phòng Hồi tỉnh sau mổ khoảng 15 giờ. 8 ngày sau, ông được xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định. Cùng với 8 đợt hóa trị và theo dõi định kỳ trong 3 năm sau phẫu thuật, hiện căn bệnh chưa có dấu hiệu di căn hay tái phát.
Theo bác sĩ Long, thống kê cho thấy ung thư thực quản tỷ lệ bệnh nhân hàng thứ 9, tỷ lệ tử vong thứ 6 trên thế giới trong các bệnh ung thư. Thực quản là ống nối vận chuyển thức ăn từ miệng xuống dạ dày. Người bệnh nuốt nghẹn, không ăn uống được, dẫn đến cơ thể bị suy kiệt dần. Các biến chứng thường gặp của ung thư thực quản là chảy máu từ khối u, rò vào khí quản, phế quản...
Ung thư thực quản được điều trị phối hợp đa mô thức, gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị... Gần đây, phẫu thuật nội soi được nhiều bệnh viện lớn trong nước áp dụng, dần thay thế cho cách mổ hở truyền thống. Phương pháp này giúp việc nạo hạch được triệt để hơn, người bệnh ít đau, ít xảy ra tình trạng biến chứng viêm phổi hoặc suy hô hấp sau mổ.
Tại Bệnh viện Đại học Y dược, hầu hết người bệnh ung thư thực quản có chỉ định phẫu thuật đều được điều trị bằng phẫu thuật nội soi. Kết quả cho thấy người bệnh hồi phục nhanh, có thể tự đi lại sau mổ 2-3 ngày, ăn uống trở lại vào 3-5 ngày và xuất viện sau 8-10 ngày. Ở giai đoạn trễ, người bệnh cần phối hợp thêm hóa trị, xạ trị trước hoặc sau phẫu thuật nội soi cắt thực quản, bác sĩ Long cho hay.
Các bệnh viện lớn như Trung ương quân đội 108, Bạch Mai, Bệnh viện 198... cũng đã bắt đầu triển khai phương pháp này.
Hiện y khoa chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ung thư thực quản. Tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ cao gây bệnh xác định được là thuốc lá, rượu bia... Những người bị trào ngược dạ dày thực quản lâu ngày, người béo phì hoặc uống phải các chất có tính axit, chất phụ gia độc hại thuộc nhóm đối tượng dễ bị ung thư thực quản.
Giai đoạn sớm, người bị ung thư thực quản thường có triệu chứng nghẹn khi ăn, khó nuốt. Ban đầu có thể bị nghẹn bởi thức ăn dạng đặc như thịt cá, lâu dần họ nghẹn với canh, súp, cháo, thậm chí có trường hợp không uống nước, sữa được. Các triệu chứng khác cũng có thể gặp như đau ngực, khàn tiếng, sụt cân, gầy yếu, suy kiệt. Song 70% bệnh nhân đến viện khi đã ở giai đoạn nặng, khối u thực quản đã xâm lấn xung quanh hoặc di căn hạch, di căn xa. Việc điều trị lúc này khó khăn hơn, hiệu quả và tiên lượng sống còn thấp hơn.
Bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa ung thư thực quản, nên hạn chế rượu bia, bỏ hoàn toàn thói quen hút thuốc lá. Nếu có bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản, người bệnh phải được điều trị triệt để. Ngay khi có các dấu hiệu như trên, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Thư Anh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Y tế 24h - 14/10/2024
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Y tế 24h - 02/10/2024
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa
Y tế 24h - 01/10/2024
Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa
Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch
Y tế 24h - 30/09/2024
Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch