Nguy hiểm khi tự test nhanh Covid-19 tại nhà
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Việt Nam với hơn 60 ca nhiễm và hàng nghìn người phải cách ly, người dân rỉ tai nhau mua test nhanh để “tự xử” tại nhà. Tuy nhiên, theo chuyên gia y tế, với tác nhân gây bệnh như các loại virus truyền nhiễm kiểu Covid-19, phương pháp test nhanh rất nguy hiểm.
Loạn sản phẩm test nhanh Covid-19 tại nhà
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát với liên tiếp các ca nhiễm khiến nhiều người lo lắng. Ngoài việc trang bị cho mình những phương pháp phòng hộ như khuyến cáo của Bộ Y tế, nhiều người còn tìm mua dụng cụ kiểm tra nhanh Covid-19 để tự xét nghiệm tại nhà.
“Mình đang đặt của Trung Quốc một bộ xét nghiêm nhanh Covid-19 cho kết quả sau 10 phút. Cũng không rõ đúng không, nên mua thử một bộ xem sao. Nghe nói bạn mình mua sản phẩm tương tự của Hàn Quốc cho kết quả sau 29 phút”, chị Nguyễn Kim Ngân (quận Ba Đình, Hà Nội) cho hay.
Theo chị Ngân, giá mỗi bộ test Covid-19 nhập từ Trung Quốc về tới Việt Nam là 250 USD (khoảng 6 triệu đồng). “Đọc hướng dẫn cách sử dụng khá đơn giản, chỉ cần lấy 10 uL máu ở đầu ngón tay, không cần máy móc hỗ trợ, dùng mắt thường cũng có thể đọc xét nghiệm, 10 phút sau cho kết quả”, chị Ngân thông tin.
Theo tìm hiểu, bộ xét nghiệm trên được giới thiệu thử nghiệm lâm sàng tại 3 bệnh viện của tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, cho kết quả phù hợp với yêu cầu tiêu chuẩn kĩ thuật xét nghiệm chẩn đoán ngoài cơ thể. Do đó khá nhiều người dân đang lùng sục trên mạng tìm đặt mua các sản phẩm này với mong muốn tự làm xét nghiệm Covid-19 tại nhà. Tuy nhiên, sản phẩm này cũng được khuyến cáo chỉ là giải pháp bổ sung của test axit nucleic (xét nghiệm gene virus bằng máy PCR).
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một chuyên gia của Trung tâm Gene-Protein, Đại học Y Hà Nội nhận định: Hiện trên thị trường đang rất “loạn” các sản phẩm về test nhanh virus SARS-CoV-2 (Covid-19). “Độ nguy hiểm của SARS-CoV-2 như thế nào đã được cảnh báo rõ, do đó việc kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động xét nghiệm loại virus này có vai trò quan trọng trong công tác ngăn chặn và phòng chống dịch. Các cơ sở phải đảm bảo tiêu chuẩn mới được cấp phép cho xét nghiệm chứ không phải muốn làm là được. Với các xét nghiệm khác, sai số ảnh hưởng ít nhưng riêng xét nghiệm virus SARS-CoV-2 thì sai số lại có mức ảnh hưởng vô cùng lớn. Chỉ 1 ca từ dương tính mà xét nghiệm thành âm tính giả cũng sẽ gây hậu quả rất lớn cho cộng đồng”.
Nhận định cụ thể về phương pháp lấy máu để test virus SARS-CoV-2, vị chuyên gia cho hay: Đây là phương pháp xét nghiệm kháng thể với virus trong máu. Phải mất thời gian sau khi bị virus tấn công từ hầu họng, cơ thể mới sinh ra kháng thể chống lại. Do đó giai đoạn phát hiện bệnh sẽ chậm hơn so với phương pháp lấy dịch từ hầu họng mà các đơn vị xét nghiệm trong nước đang áp dụng.
“Về nguyên tắc, kết quả xét nghiệm phải được cơ quan thẩm quyền chứng nhận mới có giá trị. Hơn nữa, việc thực hiện xét nghiệm tại cơ sở y tế còn có thể có sai số thì với người dân không có trình độ chuyên môn thì tuyệt đối không nên mua các bộ test nhanh không rõ nguồn gốc về tự làm”, vị này khuyến cáo.
Nguy hiểm tự ý xét nghiệm bệnh truyền nhiễm
Theo các chuyên gia, hiện nay khá nhiều bộ kit dùng chẩn đoán Covid-19 được WHO khuyến cáo dùng, nhưng phải gắn với cơ sở y tế và có điều kiện ngặt nghèo về chất lượng xét nghiệm.
TS. Hoàng Vũ Mai Phương, Trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, các xét nghiệm bệnh truyền nhiễm phải được thực hiện ở cơ sở y tế với quy trình xử lý mẫu phẩm nghiêm ngặt. “Điều này còn liên quan đến vấn đề an toàn sinh học mẫu bệnh phẩm, cách thu thập bệnh phẩm thế nào, nếu không được đào tạo bài bản thì khó có thể đảm bảo”, bà Phương nói và cho biết: “Hiện tại ở Việt Nam mới thực hiện xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2 với mẫu bệnh phẩm lấy từ dịch họng hầu của người xét nghiệm, chưa thực hiện xét nghiệm với mẫu máu”.
“Quy trình chuẩn xét nghiệm virus Covid-19 gồm: Thu mẫu bệnh phẩm từ người cần xét nghiệm với virus SARS-CoV-2 (dùng tăm bông lấy dịch hầu họng và dịch mũi). Tiếp đến, tách chiết các phân tử RNA virus trong miếng bông này. Sau tách chiết RNA từ virus được “chuyển” sang dạng DNA bằng một enzyme, ủ, cho enzyme hoạt động và chuyển RNA sang cDNA. Cuối cùng, để phát hiện, định lượng virus, cDNA được nhân lên bằng phản ứng nhân gene và phát tín hiệu huỳnh quang tương ứng với số bản cDNA có trong mẫu”, TS. Hoàng Vũ Mai cho hay.
Trong khi đó, ông Phan Quốc Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, chuyên sản xuất bộ sinh phẩm xét nghiệm cho biết: “Thông thường, người ta chỉ dùng test nhanh để sàng lọc ca nặng, còn với ca nhẹ mới nhiễm thì không thể phát hiện được vì độ nhạy không cao”.
Ông Việt nhấn mạnh, với các bệnh lý thông thường, không truyền nhiễm có thể sử dụng test nhanh, nhưng với tác nhân gây bệnh như các loại virus truyền nhiễm kiểu Covid-19 thì phương pháp test nhanh rất nguy hiểm. “Test nhanh có thể cho kết quả dương tính giả hoặc âm tính giả. Riêng với virus SARS-CoV-2, trong tình huống âm tính giả dễ gây chủ quan, dẫn tới “vỡ trận” trong phòng chống dịch. Hơn nữa, nếu test nhanh sử dụng tràn lan, que thử có thể là nguồn lây nếu không được xử lý đúng cách. Do vậy tuyệt đối đừng bao giờ tính tới việc sử dụng test nhanh tại nhà với xét nghiêm SARS-CoV-2”, ông Việt nói.
Theo chia sẻ của ông Hồ Anh Sơn, Phó giám đốc Viện nghiên cứu Y dược học Quân sự, bộ kit được kiểm định các tiêu chí độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác, độ lặp lại tương đương bộ sinh phẩm của Mỹ và WHO sản xuất. “Các tiêu chí này được kiểm định độc lập tại Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, đặc biệt bộ kit được đánh giá trên các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân, với 5 loại thiết bị phổ biến ở các cơ sở y tế đều cho kết quả chính xác tin cậy tại tất cả các thiết bị và tất cả các lần thử nghiệm”, ông Sơn khẳng định.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ