Nhà nhà nhiễm cúm, thuốc Tamiflu lúc nào nên dùng?
Cả nhà “rủ nhau” nhiễm cúm
Sốt cao, đau cổ họng và mệt mỏi lại kèm ho, chị Trần Hương (Tây Hồ, Hà Nội) tự ra hiệu thuốc mua kháng sinh, kháng viêm vì nghĩ chắc viêm amidan như mọi khi. Tuy nhiên, sang đến ngày thứ 3, chị Hương vẫn tiếp tục sốt, lại kèm gai người, mỏi toàn thân nên tìm đến bệnh viện khám.
Tại đây, sau khi làm các xét nghiệm loại trừ sốt xuất huyết, , chị được chẩn đoán nhiễm cúm B. “Ngay khi trao đổi việc tôi đã sử dụng kháng sinh để điều trị, bác sĩ đã phê bình ngay và chỉ định điều trị ngoại trú không cần dùng thuốc, chỉ dùng hạ sốt khi sốt cao từ 38,5 độ và dặn dò cần nghỉ ngơi, ăn uống đủ dinh dưỡng, bệnh sẽ tự khỏi”, chị Hương cho biết.
Trong gia đình, ngoài chị Hương, thì chồng chị và cậu con trai cũng bắt đầu xuất hiện các triệu chứng tương tự.
Nhà chị Nguyễn Ngọc Hoa (Hà Đông), gần 1 tuần nay chồng và hai cậu con trai của chị cũng lăn ra sốt, mệt mỏi, không buồn ăn, đặc biệt hai cậu con trai ho có đờm. Chị Ngọc Hoa cũng tự mua kháng sinh, kháng viêm về cho con uống vì lo lắng “để ho đờm lâu lại viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi, nên cứ chặn trước”.
Tuy nhiên, hai cậu con trai cũng không đỡ nhiều, cứ lai dai sốt đi sốt lại. Lúc này chị Hoa gọi test tại nhà, cả 3 người nhà chị đều dương tính cúm B. “Không chỉ gia đình tôi mà bạn bè nhiều người kêu ca việc cả gia đình nhiễm cúm. Mệt mỏi vô cùng”, chị Hoa chia sẻ thêm.
Theo BS. Đinh Thế Tiến, khoa Nội tổng hợp thuộc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cúm là bệnh đường truyền nhiễm đường hô hấp do virus (không phải vi khuẩn) họ Influenza gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp, các triệu chứng của cúm gồm sốt cao, đau cổ họng, đau mắt, mệt mỏi, nhức mỏi toàn thân, ho ít đàm, ít chảy nghẹt mũi…
Tại miền Bắc thông thường có đợt cao điểm dịch cúm, đó là khoảng tháng 4 – tháng 6 và tháng 10-12.
Tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh, Tamiflu điều trị cúm
Cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng; bệnh nguy hiểm hơn với người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người suy giảm miễn dịch, người già (trên 65 tuổi), trẻ em (dưới 5 tuổi) và phụ nữ có thai.
"Rất nhiều người cứ ho, sốt là nghĩ đến việc dùng kháng sinh, trong khi đó phần nhiều nguyên nhân gây ho là do virus, hoàn toàn không cần điều trị bằng kháng sinh Việc tự ý sử dụng kháng sinh có thể không gây hại tức thì với bệnh nhân, tuy nhiên, sau này, dễ dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh. Thực tế, nhiễm virus thì điều trị kháng sinh không có tác dụng, hơn nữa có thể khiến bệnh nhân mệt mỏi hơn, hoặc có thể gây tác dụng phụ như tiêu chảy…”, BS. Tiến cho biết.
Tương tự, nhiều người sau khi phát hiện mắc cúm đã lùng mua thuốc Tamiflu, tuy nhiên, theo BS. Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) do thuốc có các tác dụng phụ, nên bệnh nhân không nên tự ý sử dụng loại thuốc này một cách tùy tiện. Tamiflu thường chỉ dùng đối với các trường hợp viêm phổi siêu vi cấp tính hoặc với người có cơ địa tiểu đường, nguy cơ bị tăng nặng.
Theo các chuyên gia y tế, 80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Những trường hợp sốt cao kéo dài liên tục, tổn thương phổi, thì mới cần nhập viện điều trị.
TS. Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (BV Nhi TƯ) cũng khuyến cáo, cha mẹ không nên tự ý mua thuốc Tamiflu sử dụng cho trẻ mắc cúm. Thuốc này dùng để ức chế virus nhân lên, làm giảm khả năng bám dính của virus ở đường hô hấp.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Bệnh viện Nhi trung ương, nếu sử dụng Tamiflu sau 48 giờ, kể từ lúc có triệu chứng sốt, thì không khác gì nhóm bệnh nhân không dùng. Vấn đề quan trọng khi trẻ mắc cúm là phải chú ý hạ sốt, vệ sinh đường hô hấp, hạn chế tiếp xúc để tránh bội nhiễm. Bên cạnh đó, cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ.
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) khuyến cáo, trong điều trị cúm, Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75mg) là thuốc không được sử dụng tùy tiện, không nên tự ý mua thuốc về chữa cúm.
Thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc. Nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn, có thể dẫn đến nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe.
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Liệt nửa người sau mũi tiêm trị đau vai gáy ở phòng khám tư
Y tế 24h - 15/01/2025
Liệt nửa người sau mũi tiêm trị đau vai gáy ở phòng khám tư
Bình Thuận: Sau bữa cơm với cá nóc, 1 người tử vong, 4 người nhập viện
Y tế 24h - 07/01/2025
Bình Thuận: Sau bữa cơm với cá nóc, 1 người tử vong, 4 người nhập viện
Bộ Y tế bám sát thông tin về ca mắc virus gây viêm phổi tại Trung Quốc
Y tế 24h - 06/01/2025
Bộ Y tế bám sát thông tin về ca mắc virus gây viêm phổi tại Trung Quốc
Thêm nhiều bệnh nhân được hồi sinh từ tạng hiến vào ngày đầu năm mới
Y tế 24h - 03/01/2025
Thêm nhiều bệnh nhân được hồi sinh từ tạng hiến vào ngày đầu năm mới
Từ 1/1/2025, người dân có thêm tiện ích mua thuốc online trên VNeID
Y tế 24h - 02/01/2025
Từ 1/1/2025, người dân có thêm tiện ích mua thuốc online trên VNeID