Những bệnh thông thường dễ biến chứng nguy hiểm mùa hè
Thời tiết nóng ẩm của mùa hè khiến nhiều bệnh do nhiễm virus, vi khuẩn khởi phát. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận nhiều ca bệnh biến chứng nặng viêm phổi, viêm não, thậm chí tử vong do biến chứng thủy đậu, sốt xuất huyết…
Mất 2 tháng tìm nguyên nhân gây sốt
Ông Lý Văn Nhài (54 tuổi, ở Từ Sơn, Bắc Ninh) vừa được chuyển đến điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện (BV) Bạch Mai với chẩn đoán nhiễm vi khuẩn ăn thịt người (Whitmore). Bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu và đái tháo đường.
Cách đây 2 tháng, ông Nhài xuất hiện dấu hiệu sốt cao, rét run, ho có đờm và được điều trị ở BV Từ Sơn 1 tuần. Sau đó, ông Nhài tiếp tục đi châm cứu, nhưng không đỡ. Lúc này, ông Nhài lại tìm đến BV Bắc Ninh khám. Sau 10 ngày điều trị, ông Nhài cắt sốt và được xuất viện.
Tuy nhiên về nhà, bệnh nhân sốt lại, chân sưng to, đau nhiều, không đi lại được, kèm ho đờm nhiều nên được chuyển tuyến về BV Bạch Mai. Tại đây, sau rất nhiều công đoạn thăm khám, nguyên nhân bệnh mới được xác định là do vi khuẩn Whitmore. Ông được chuyển sang Trung tâm Bệnh nhiệt đới điều trị.
PGS.TS.BS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết, tổng cộng thời gian từ khi sốt đến khi điều trị tại các bệnh viện, tìm ra nguyên nhân gây bệnh của bệnh nhân là 2 tháng.
Trước đây, mỗi năm rải rác vài ca, nhưng 2 năm gần đây, Trung tâm Bệnh nhiệt đới tiếp nhận và điều trị hơn 100 ca. Có thời điểm cùng lúc điều trị 4 - 5 ca mắc Whitmore.
Theo BS. Cường, Whitmore vẫn được ví là căn bệnh “siêu mạo danh” vì nó ăn vào nhiều bộ phận trên cơ thể, dễ gây nhầm lẫn trong chẩn đoán và điều trị.
Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.
Đáng nói, người mắc Whitmore thường có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng gồm sốt, sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp-xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng...
Bệnh khó chẩn đoán và có tỷ lệ tử vong cao, có thể tới 40% do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng.
Những người có bệnh nền đái tháo đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch... có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Việc chẩn đoán xác định vi khuẩn bằng nuôi cấy máu và các dịch ổ áp-xe.
“Bên cạnh đó, cũng xuất hiện những bệnh lý xưa nay hiếm gặp, ví như sau , nhiều bệnh nhân nhiễm nấm đen trên cơ địa tiểu đường, suy giảm miễn dịch. Nấm đen ăn vào xoang mắt, não, điều trị kéo dài và tốn kém, di chứng nặng nề và tỷ lệ tử vong cao”, BS. Cường cho biết.
Tử vong vì biến chứng thủy đậu
Cách đây không lâu, Trung tâm Bệnh nhiệt đới tiếp nhận nam bệnh nhân 32 tuổi, ở Hải Dương mắc thủy đậu, được chuyển lên từ tuyến dưới trong tình trạng nguy kịch, sau đó tử vong.
Cùng với thủy đậu, sốt xuất huyết cũng có nguy cơ bùng phát khi thời tiết nóng ẩm và mưa, tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi và phát triển. Đặc biệt, khi xuất hiện triệu chứng sốt cao đột ngột, mệt mỏi, chán ăn, da xuất huyết, cần xét nghiệm để phát hiện bệnh và theo dõi, điều trị kịp thời. Tránh để xảy ra biến chứng gây xuất huyết, máu đặc, trụy tim mạch, hạ huyết áp, sốc hạ tiểu cầu từ ngày thứ 4 - 5 trở đi.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết không tự ý truyền dịch và uống hạ sốt, điều trị sai có thể biến chứng nguy hiểm. Hiện, không có vaccine, khi nhiễm rồi có thể nhiễm lại và bị nặng hơn.
BS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới
Nhắc tới bệnh nhân xấu số này, BS. Cường cho biết, bệnh nhân vốn mạnh khỏe, không bệnh nền, lây bệnh thủy đậu từ con trai. Bốn ngày trước nhập viện, bệnh nhân xuất hiện phỏng nước ở vùng trán rồi lan xuống ngực, bụng, kèm sốt, được một phòng khám tư nhân chẩn đoán thủy đậu.
Ít ngày sau khi điều trị tại nhà, bệnh nhân thấy đau tức ngực, khó thở nên nhập viện ở Hải Dương, được chẩn đoán viêm phổi, viêm gan cấp trên nền bệnh thủy đậu.
Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, bệnh nhân sốt cao, suy hô hấp, suy đa phủ tạng, viêm màng não, mất ý thức rất nhanh sau đó và tử vong.
Ngoài nam bệnh nhân tử vong trên, trung tâm còn tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc thủy đậu nhập viện trong đợt này.
Theo BS. Cường, với bệnh thủy đậu, đa số là lành tính, thường khỏi sau khoảng 7 ngày sau khi có các nốt phỏng.
Tuy nhiên, với một số người có cơ địa suy giảm miễn dịch, dùng corticoid, dùng hóa chất điều trị ung thư, đái tháo đường thì virus có xu hướng phát triển mạnh và xâm nhập vào nội tạng, gây viêm phổi, viêm não, viêm màng não và gây suy đa phủ tạng… có thể dẫn đến tử vong.
“Ngoài ra, với những người khỏe mạnh cũng không được chủ quan, khi mắc bệnh cần đến cơ sở y tế để bác sĩ có chuyên môn chẩn đoán, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc. Phòng thủy đậu hiệu quả là tiêm phòng vaccine thủy đậu, đặc biệt ưu tiên nhóm suy giảm miễn dịch, bệnh nền, ung thư”, BS. Cường khuyến cáo.
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Y tế 24h - 15/11/2024
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Y tế 24h - 12/11/2024
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử