Các bác sĩ khoa Nội gan mật, Bệnh viện E vừa can thiệp nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) thành công cho một bệnh nhân (91 tuổi, ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị nhiễm trùng đường mật nặng do sỏi ống mật chủ.
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốt, đau âm ỉ, liên tục vùng hạ sườn phải và thượng vị, tiểu sẩm màu, mệt mỏi, chán ăn… Ngay lập tức, các bác sĩ ở khoa Nội tiêu hóa đã tiến hành thăm khám và cho bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết. Kết quả xét nghiệm máu, siêu âm, chụp CT ổ bụng cho thấy, bệnh nhân có tình trạng sốc nhiễm khuẩn đường mật, túi mật căng, giãn đường mật...
Các bác sĩ đã hội chẩn và thống nhất chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng đường mật – theo dõi tắc mật do sỏi OMC. Bệnh nhân được chỉ định nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) cấp cứu để can thiệp lấy sỏi ống mật chủ.
Trước đó ThS, BS Lê Văn Cơ, Khoa Nội tiêu hóa trong lần đi khám sàng lọc cuối tháng 12-2020, tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã khám lâm sàng và siêu âm ổ bụng cho bệnh nhân này và kết quả cho thấy, có sỏi trong ống mật chủ cần phải phẫu thuật sớm. Bệnh nhân cũng được các bác sĩ tuyến dưới chỉ định phẫu thuật lấy sỏi túi mật. Tuy nhiên, vì bệnh nhân cao tuổi lại mắc nhiều bệnh lý nền mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường… nên nguy cơ biến chứng là rất cao.
Do đó, ThS, BS Cơ đã tư vấn và giải thích kỹ cho bệnh nhân về tình trạng bệnh, sự cần thiết thực hiện ERCP và những nguy cơ khi thực hiện ERCP, đặc biệt là bệnh nhân này đã 91 tuổi.
Phương pháp lấy sỏi mật ngược dòng qua nội soi đường tiêu hoá trên - xâm lấn tối thiểu dần dần thay thế phương pháp phẫu thuật và thể hiện tính ưu việt như ít ảnh hưởng tới sức khỏe và thẩm mỹ, thời gian nằm viện ngắn, ít biến chứng, chi phí thấp. Bệnh nhân có thời gian phục hồi sức khỏe nhanh và bệnh nhân tránh được cuộc phẫu thuật lớn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến như chảy máu, nhiễm trùng vết mổ…, tiết kiệm chi phí nằm viện.
ThS, BS Nguyễn Ngọc Đại Lâm là bác sĩ điều trị và trực tiếp làm ERCP trên bệnh nhân cho biết, bệnh nhân này cao tuổi (91 tuổi) nên nếu mổ mở cổ điển có thể bệnh nhân sẽ không qua khỏi. Trong những trường hợp bệnh nhân tắc mật, nhiễm trùng đường mật nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn tới tình trạng sốc nhiễm trùng nặng đe dọa đến tính mạng.
Do đó, để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân, các bác sĩ quyết định làm ERCP để lấy sỏi đường mật cho bệnh nhân. Viên sỏi nằm trong ống mật chủ có đường kính tương đối lớn khoảng 10 mm gây giãn to ống mật chủ.
Đây là trường hợp thứ 2 bệnh nhân cao tuổi được các bác sĩ Bệnh viện E thực hiện kỹ thuật ERCP thành công trong năm qua. Trước đó cũng có bệnh nhân nam, gần 100 tuổi được các bác sĩ khoa Nội gan mật tiến hành ERCP lấy sỏi trong ống mật chủ.
Để điều trị căn bệnh này, ThS Lâm khuyến cáo: Người dân nên khám sức khỏe định kỳ hàng năm. Trường hợp đã phát hiện có sỏi đường mật thì nên tái khám mỗi sáu tháng và khi có biến chứng thì cần đến ngay các bệnh viện có thực hiện kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng để can thiệp sớm.
Ngoài ra, ThS Lâm cũng khuyến cáo thêm, hiện nay trên thị trường vẫn quảng cáo nhiều loại thuốc có thể uống để làm tan sỏi túi mật, tuy nhiên, đây không phải là phương pháp điều trị phổ biến. Vì vậy, người dân nên biết đến các phương pháp điều trị mới theo kỹ thuật can thiệp nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) để lựa chọn phù hợp.