Nòng cốt trong phòng, chống HIV/AIDS
Tiến sĩ Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay sẽ lấy thanh niên làm nòng cốt trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt đại dịch này vào năm 2030. Trong tháng hành động sẽ diễn ra nhiều hoạt động thiết thực trên cả nước.
Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tăng cường triển khai các hoạt động phù hợp điều kiện, chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị, địa phương trong tình hình diễn biến mới của dịch Covid-19.
Tùy điều kiện cụ thể, các đơn vị, địa phương tổ chức các hội nghị, hội thảo tập trung các nội dung về tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam: Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp; đường lây truyền HIV đang thay đổi qua quan hệ tình dục không an toàn trong các nhóm thanh niên, quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, người sử dụng ma túy tổng hợp, người bán dâm và bạn tình của các nhóm đối tượng trên. Từ đó cảnh báo dịch HIV sẽ ngày càng trở nên khó kiểm soát, nhất là trong giới trẻ...
Tại Việt Nam, tỷ lệ lây nhiễm HIV hiện nay trong nhóm thanh niên đang có xu hướng tăng cao. Thống kê cho thấy, tỷ lệ nam giới chiếm 92% trong tổng số ca nhiễm; 73% số ca nhiễm thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới; 26% số ca nhiễm có độ tuổi từ 22 tuổi trở xuống; 62% số ca nhiễm trong độ tuổi 23 đến 40 tuổi. Theo báo cáo của Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS, trên thế giới có 20% số trẻ nhiễm HIV không được chẩn đoán tình trạng nhiễm, trong đó 40% số trẻ từ 10 đến 14 tuổi. Ngoài nguyên nhân chính là trẻ bị lây nhiễm từ mẹ thì nguyên nhân chủ yếu khác dẫn đến tình trạng trẻ vị thành niên nhiễm HIV là quan hệ tình dục sớm và không an toàn. Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019 (số liệu được Bộ Y tế công bố tháng 4/2022), tỷ lệ quan hệ tình dục trong học sinh giảm nhẹ, nhưng tỷ lệ quan hệ tình dục trước 14 tuổi tăng gấp hai lần, từ 1,45% (năm 2013) tăng lên 3,51% (năm 2019).
Các chuyên gia y tế đã cảnh báo nguy cơ gia tăng số ca nhiễm HIV mới trong nhóm thanh niên và nam quan hệ tình dục đồng giới trẻ (từ 15 đến 19 tuổi). Bên cạnh đó, công tác dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV cho trẻ vị thành niên còn gặp nhiều khó khăn, như kiến thức, nhận thức còn hạn chế; đối với học sinh đang đi học, lịch đi học sẽ trùng với lịch khám; chưa ý thức về tình hình nhiễm bản thân dẫn tới không có ý thức về điều trị, cho nên hay quên thuốc, thậm chí ngại uống thuốc... Mặt khác, vẫn còn sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; tỷ lệ ức chế tải lượng vi-rút ở trẻ em thấp hơn ở người lớn (91,2% và 97%).
Nhằm triển khai các hoạt động thiết thực, đúng chủ đề, mục tiêu của tháng hành động năm nay, các địa phương trên cả nước đã và đang tổ chức lễ phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022; tổ chức mít-tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống AIDS; tổ chức các hoạt động truyền thông đại chúng và truyền thông qua mạng xã hội; truyền thông trực tiếp và truyền thông nhân sự kiện.
Tại các đường phố chính, trung tâm, quảng trường đã treo khẩu hiệu, pa-nô, áp-phích, tờ rơi với các nội dung tuyên truyền sâu rộng về phòng, chống HIV/AIDS, nhất là trong lứa tuổi thanh, thiếu niên gồm nhiều hoạt động như: Tư vấn bộc lộ tình trạng nhiễm HIV, chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, chuyển tiếp trẻ vị thành niên sang giai đoạn trưởng thành và sang dịch vụ chăm sóc sức khỏe người lớn, hỗ trợ tuân thủ và duy trì điều trị ARV cho trẻ vị thành niên nhiễm HIV.
Mục tiêu của hoạt động tư vấn bộc lộ tình trạng nhiễm HIV giúp trẻ hiểu đúng về tình trạng nhiễm HIV một cách tích cực; trang bị kiến thức, kỹ năng để trẻ tự bộc lộ tình trạng nhiễm HIV với người khác; giáo dục trẻ tự chăm sóc, tuân thủ điều trị ARV, không làm lây truyền HIV cho người khác... Mục tiêu của hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục là giúp trẻ nhận biết tình cảm của bản thân và biết cách tự kiểm soát, xử trí; giúp trẻ có quyết định đúng đắn về hành vi quan hệ tình dục, đưa ra các quyết định tích cực liên quan sức khỏe sinh sản, tình dục và dự phòng nhiễm HIV.
Ðể công tác điều trị HIV cho trẻ vị thành niên đạt hiệu quả, các chuyên gia trong phòng, chống HIV/AIDS cho rằng, mô hình chăm sóc điều trị HIV/AIDS cho trẻ vị thành niên cần được thiết kế thân thiện, riêng tư, bảo đảm tính bí mật cho trẻ; đồng thời phải dễ tiếp cận và phù hợp nhu cầu và hoàn cảnh cụ thể của trẻ. Ðặc biệt, cần có sự chung tay của các cấp, ngành và toàn xã hội.
Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao kiến thức, nhận thức cho người dân về công tác chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ trẻ vị thành niên nhiễm HIV/AIDS; cung cấp thông tin, kiến thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cho các cấp, các ngành, các cơ sở dịch vụ trợ giúp trẻ em, các cơ sở điều trị cho trẻ em nhiễm HIV/AIDS, các tổ chức xã hội liên quan, cha mẹ và người chăm sóc trẻ; hỗ trợ trẻ HIV/AIDS được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cho các cơ sở, dịch vụ y tế và các trường học, tạo điều kiện cho các cơ sở này thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, điều trị, bảo đảm quyền được học tập của trẻ nhiễm HIV/AIDS ■
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Y tế 24h - 15/11/2024
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Y tế 24h - 12/11/2024
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử