Nửa tháng bùng phát Covid-19 từ Đà Nẵng
Đợt dịch Covid-19 thứ hai bắt đầu bùng phát tại Việt Nam từ ngày 25/7, xô đổ những cột mốc như 99 ngày không lây nhiễm cộng đồng, quốc gia không ghi nhận ca tử vong kể từ khi khởi phát dịch.
Chấm dứt chuỗi ngày không lây cộng đồng
Ngày 25/7, một người đàn ông 57 tuổi, ở Đà Nẵng, sau 5 lần xét nghiệm nCoV, được Bộ Y tế ghi nhận là "bệnh nhân 416", kết thúc chuỗi 99 ngày Việt Nam không xuất hiện lây nhiễm trong cộng đồng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng xác định hơn 1.000 người thuộc các diện đã tiếp xúc bệnh nhân. Khách du lịch từ Đà Nẵng đổ xô về các tỉnh thành khác trước khi nơi này cách ly xã hội.
Chỉ trong 15 ngày, số ca nhiễm tăng vọt, hầu như hàng ngày Bộ Y tế công bố ca nhiễm đều từ hai con số. Đến nay đợt dịch này ghi nhận 397 ca nhiễm, trong đó 42 ca nhập cảnh cách ly ngay, 355 ca lây nhiễm cộng đồng tại 15 tỉnh, thành phố, đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới Đà Nẵng.
Đà Nẵng trở thành ổ dịch. 4 bệnh viện bị phong tỏa gồm Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Hoàn Mỹ.
"Tâm dịch lớn nhất là Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng", quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi họp thường trực chính phủ ngày 7/8.
Tốc độ lây lan ở Bệnh viện Đà Nẵng rất nhanh, với 186 trường hợp, tập trung vào các khoa điều trị bệnh nhân nặng như Nội Thận Tiết niệu, Hồi sức tích cực, Nội Thần kinh. Đến nay 19 nhân viên y tế, 77 bệnh nhân, 90 người nhà, người chăm sóc bệnh nhân nhiễm và 18 trường hợp lây nhiễm thứ phát từ bệnh viện ra cộng đồng.
Nhiều ổ dịch nhỏ khác có nguy cơ lây nhiễm và bùng phát với 20 trường hợp. Một số tỉnh, thành phố khác ghi nhận ca nhiễm ở những người từng du lịch, làm việc tại Đà Nẵng.
Tốc độ lây nhiễm 5.0
Các chuyên gia phân tích những ca dương tính từ ngày khởi phát cho thấy chu kỳ lây nhiễm trung bình 5-7 ngày, hệ số lây nhiễm tại bệnh viện ước tính lên đến 5.0 trong khi hệ số lây nhiễm trung bình của bệnh này theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 1,4 đến 2,5. Các chuyên gia đánh giá tốc độ lây lan của chủng virus lần này tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng nhanh và phát tán rộng hơn nhiều lần so với Bệnh viện Bạch Mai.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng đã tiếp nhận 7.200 bệnh nhân nội trú, 36.800 bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú trong tháng 7. Các bệnh nhân chủ yếu đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Đây là nguyên nhân khiến các trường hợp dương tính liên quan tới ba địa điểm này nhiều.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định các trường hợp lây nhiễm tại Đà Nẵng trong đợt dịch này khá đa dạng và có nhiều hình thức khác nhau so với giai đoạn trước. Phổ biến nhất là lây nhiễm trong gia đình, lây sang cho người quen thường xuyên tiếp xúc, lây qua các sự kiện như đám ma, đám giỗ, đám cưới với hoạt động ăn uống tập thể đồng thời cũng xuất hiện nhiều điểm lây nhiễm đáng lo ngại khác như bến xe, trường học, công ty và các cơ sở y tế...
Trong các hình thức này, lây nhiễm trong các hộ gia đình khá phổ biến, số lượng trường hợp mắc theo cụm gia đình rất cao. Tính đến ngày 7/8, có 78 ca nhiễm lây trong 27 cụm gia đình, cao hơn rất nhiều so với giai đoạn trước chỉ có 2 cụm gia đình nhỏ. Đặc điểm các hộ gia đình ở Việt Nam sống chung nhiều thế hệ, nên nguy cơ người già, trẻ em bị nhiễm bệnh trong cùng một nhà rất cao.
Ước tính, trong số bệnh nhân đợt này, có 30,6% là người trên 60 tuổi.
Tại tâm dịch Đà Nẵng, hàng chục ca F1 đã trở thành bệnh nhân. Tại Hà Nội, có trường hợp người tiếp xúc với người du lịch Đà Nẵng về cũng bị nhiễm nCoV.
13 bệnh nhân Covid-19 tử vong gồm cả người già và thanh niên. Sáng 10/8, Bộ Y tế ghi nhận hai bệnh nhân đều là nữ, tuổi 33 và 47, tử vong vì bệnh lý nền suy thận. Đây là hai người trẻ nhất trong số 13 người tử vong. 11 người qua đời trước đó tuổi từ 53 đến 86, với nguyên nhân là các bệnh nền như suy tim, ung thư, suy thận mạn tính, đái tháo đường, tăng huyết áp... và Covid-19.
Bác sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi, nhận định để khống chế không có ca tử vong là rất khó.
"Chúng ta không thể so sánh với trường hợp nam phi công người Anh bởi bệnh nhân này có thể lực khỏe. Trong khi đó, những ca tử vong nước ta đều có bệnh nền nặng như suy thận, đái tháo đường, ung thư... Khi số ca tử vong được ghi nhận ở người trẻ, không có bệnh nền, tình trạng mới đáng lo ngại", bác sĩ nói.
Tốc độ lây nhiễm cao do mất dấu F0
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định có thể dịch xuất phát từ cộng đồng rồi vào bệnh viện Đà Nẵng, sau đó từ bệnh viện lây lan nhanh đi các nơi. Khó có thể xét nghiệm, phát hiện được 100% ca nhiễm, bởi có người nhiễm nCoV và tự khỏi. Mầm bệnh sau đợt dịch này có nguy cơ vẫn còn nằm trong cộng đồng.
Theo bác sĩ Nguyễn Viết Nhung, sau 15 ngày Việt Nam chưa tìm được F0, các ca ghi nhận đều là nguồn lây. Nguồn lây khác nhau càng tăng nguy cơ dịch lan rộng.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cảnh báo đỉnh dịch có thể tới vào giữa tháng 8, rất cần đề cao cảnh giác.
Tăng cường biện pháp khống chế dịch bệnh
Hơn 200 người gồm chuyên gia, y bác sĩ từ các bệnh viện trung ương và một số tỉnh đã đến tận "chiến trường" chống Covid-19. Bộ Y tế lập cơ quan chỉ huy tiền phương để chỉ đạo và điều phối các nỗ lực dập dịch. Bệnh nhân nặng được điều bớt ra Huế; những thầy thuốc giỏi và giàu kinh nghiệm được cử đến lập những đơn vị chạy thận nhân tạo và hồi sức tích cực - nhận điều trị những bệnh nhân nặng nhất.
Mỗi ngày Đà Nẵng xét nghiệm được 7.000 mẫu, và đang áp dụng phương pháp xét nghiệm gộp, nâng công suất có thể lên tới 10.000. Đến nay, gần 30.000 mẫu trong tổng số 35.000 mẫu bệnh phẩm đã có kết quả xét nghiệm.
Sinh phẩm, hóa chất, vật tư xét nghiệm, trang thiết bị của Đà Nẵng hiện đầy đủ, chưa gặp khó khăn. Thành phố chủ động dành một phần lớn ngân sách, và nhờ hỗ trợ của các doanh nghiệp, để mua sắm vật tư, thiết bị y tế. Đà Nẵng quyết định mở rộng các đối tượng xét nghiệm, gồm tất cả F1, tất cả nhân viên ngành y tế, nhân viên trung tâm hành chính, lực lượng chức năng tham gia chống dịch.
Các bệnh viện siết chặt hơn quy trình kiểm soát dịch bệnh nhất là các khoa có nhiều nguy cơ trở nặng nếu nhiễm Covid-19 như hồi sức cấp cứu, thận nhân tạo, ung bướu, lão khoa...
Hiện Bộ Y tế đã cho phép thực hiện phương pháp gộp mẫu thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR để phát hiện nCoV, hạn chế tình hình lây lan trong cộng đồng và hạn chế tình trạng tử vong.
Thúy Quỳnh - Thùy An - Chi Lê
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Liệt nửa người sau mũi tiêm trị đau vai gáy ở phòng khám tư
Y tế 24h - 15/01/2025
Liệt nửa người sau mũi tiêm trị đau vai gáy ở phòng khám tư
Bình Thuận: Sau bữa cơm với cá nóc, 1 người tử vong, 4 người nhập viện
Y tế 24h - 07/01/2025
Bình Thuận: Sau bữa cơm với cá nóc, 1 người tử vong, 4 người nhập viện
Bộ Y tế bám sát thông tin về ca mắc virus gây viêm phổi tại Trung Quốc
Y tế 24h - 06/01/2025
Bộ Y tế bám sát thông tin về ca mắc virus gây viêm phổi tại Trung Quốc
Thêm nhiều bệnh nhân được hồi sinh từ tạng hiến vào ngày đầu năm mới
Y tế 24h - 03/01/2025
Thêm nhiều bệnh nhân được hồi sinh từ tạng hiến vào ngày đầu năm mới
Từ 1/1/2025, người dân có thêm tiện ích mua thuốc online trên VNeID
Y tế 24h - 02/01/2025
Từ 1/1/2025, người dân có thêm tiện ích mua thuốc online trên VNeID